Chuyển đổi số cho doanh nghiệp khó mấy cũng phải thay đổi để đón "đại bàng"

Hồng Phúc Thứ năm, ngày 21/01/2021 16:44 PM (GMT+7)
Chuyên gia cho rằng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt còn rất hạn chế, nhưng giai đoạn Covid-19, đây là cơ hội để doanh nghiệp tăng trưởng. Đặc biệt, chuyển đổi số sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu đang xảy ra hiện nay.
Bình luận 0

Thông tin này được đưa ra tại Hội thảo Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Cơ hội, thách thức và giải pháp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức tại TP.HCM hôm nay (21/1).

Chuyển đổi số còn hạn chế

Ông Nguyễn Việt Long, chuyên gia tư vấn chuyển đổi số, dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) do USAID tài trợ, nhận định việc chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt còn rất hạn chế. Theo ông, có hiện tượng chủ doanh nghiệp vừa là người nghĩ ra và là người thực thi, sự chia sẻ của người lao động chưa nhiều. Điều đó dẫn đến việc mục tiêu chuyển đổi số của doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể thực hiện được.

Chuyển đổi số: Khó nhưng cần thay đổi để đón "đại bàng" - Ảnh 1.

Chuyên gia, doanh nghiệp tham gia thảo luận tại Hội thảo Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chiều 21/1. Ảnh: Hồng Phúc.

Nói rõ hơn về thực trạng chuyển đổi số của doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam hiện nay, ông Long tiết lộ một số nghiên cứu và khảo sát gần đây cho thấy thực trạng chuyển đổi số trong doanh nghiệp rất khiêm tốn. Nguyên nhân là chi phí đầu tư cao, hạ tầng công nghệ thông tin hạn chế, nguồn nhân lực chuyển đổi số hạn chế, tổ chức quản lý, quy trình nghiệp vụ, chuỗi cung ứng cần chuẩn hóa.

Chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp lớn còn có bộ phận công nghệ thông tin, riêng doanh nghiệp nhỏ hiểu về công nghệ số đã là khó và hạn chế. Ngoài ra, trong việc chuyển đổi số còn có nhiều rào cản khác như quy định, quy tắc công ty không phù hợp số hóa; thiếu cam kết, hiểu biết của người lao động; thiếu hiểu biết, cam kết của lãnh đạo doanh nghiệp…

Đồng quan điểm, ở khía cạnh doanh nghiệp, ông Hồ Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Misa cho rằng, để chuyển đổi số, doanh nghiệp cần phải quyết liệt. Đầu tiên, doanh nghiệp phải chọn ra đội tiên phong về chuyển đổi số, để xác định tại sao chuyển đổi, từ đó ra chiến lược bắt đầu từ việc gì, cam kết và kỷ luật như thế nào. Ông Hùng nói, tại doanh nghiệp, công ty xác định 80% không dùng giấy tờ thì sau đó, một thời gian ngắn là chuyển đổi theo hướng số hóa. 

Chuyển đổi số để đón "đại bàng"

Chuyên gia Nguyễn Việt Long cho rằng doanh nghiệp Việt cần phải sớm tiếp cận, chuyển đổi số vì đang có nhiều cơ hội lớn. Bởi, hành vi của người tiêu dùng đang ngày càng thay đổi; các nền tảng công nghệ đang hỗ trợ doanh nghiệp và đặc biệt là giao dịch online, sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chuyển đổi số: Khó nhưng cần thay đổi để đón "đại bàng" - Ảnh 3.

Chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt cần chuyển đổi số để tận dụng cơ hội sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay.

"Giai đoạn Covid-19, chuyển đổi số là cơ hội để doanh nghiệp tăng trưởng. Đặc biệt, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất toàn cầu, sản phẩm do người Việt sản xuất sẽ tăng lên", ông Long nhận định.

Tuy nhiên, chuyên gia nhấn mạnh chuyển đổi số phải là cây đũa thần, nó phụ thuộc vào mục tiêu, nỗ lực của doanh nghiệp. Chẳng hạn, lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng rất nhiều vào chuyển đổi số nhưng đội ngũ chậm một nhịp thì rất khó.

Tại hội thảo, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 do Bộ công bố mới đây, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp về nhận thức; hỗ trợ số hóa các hoạt động kinh doanh; hỗ trợ số hóa quy trình quản trị, quy trình công nghệ, sản xuất; và hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện để tạo ra sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới cho doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhận định: Hiểu biết chuyển đổi số trong doanh nghiệp hiện chưa rộng và sâu. Trong những năm tới, Bộ sẽ tiếp tục hợp tác với Dự án USAID LinkSME để thực hiện mục tiêu của Chương trình đến năm 2025 là 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số; tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là mô hình chuyển đổi số điển hình thành công để lan tỏa và nhân rộng.

Đồng thời, mục tiêu của chương trình cũng hướng đến thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển các nền tảng số.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem