Vì sao phim tình cảm gia đình vẫn luôn cuốn hút khán giả?

Hà Tùng Long Chủ nhật, ngày 20/06/2021 17:17 PM (GMT+7)
Sự thành công ngoài sự mong đợi của hàng loạt bộ phim về đề tài gia đình thời gian gần đây đã kéo khán giả đến gần hơn với phim truyền hình Việt. Vậy lý do nào khiến dòng phim gia đình được yêu thích đến vậy?
Bình luận 0

Tiến dần đến trái tim người xem

Nếu 5 năm trở về trước, màn ảnh Việt nhan nhản những bộ phim về tình yêu - tình bạn - tình đồng nghiệp đậm hơi hướng Hàn Quốc (thường được gọi là phim "ngôn tình") thì nhiều năm trở lại đây, phim về đề tài gia đình đã chiếm thế "thượng phong".

Hàng loạt bộ phim như: "Sống chung với mẹ chồng", "Về nhà đi con", "Gạo nếp gạo tẻ", "Cả một đời ân oán", "Hoa hồng trên ngực trái", "Hướng dương ngược nắng", "Hương vị tình thân", "Cây táo nở hoa"… đã thực sự kéo khán giả trở lại với phim truyền hình Việt mà không cần phải dùng tới chiêu trò, thủ thuật, công nghệ truyền thông... Và không chỉ có sóng truyền hình quốc gia mà các kênh sóng địa phương cũng có sự dịch chuyển theo hướng đó.

Trong số các phim kể trên, có những phim "ăn khách" ngay từ những tập đầu tiên. Có những phim phải tăng thời lượng phát sóng bởi "cầu" vượt quá "cung". Có những phim xong phần I lại buộc phải làm tiếp phần II vì nhu cầu, mong muốn của người xem quá lớn… Thậm chí, có những phim phải làm thêm phần ngoại truyện để thoả mãn nhu cầu của khán giả.

gop/Chuyện gia đình cuốn hút khán giả - Ảnh 1.

Cảnh phim lấy nhiều nước mắt của khán giả trong phim “Hương vị tình thân”. Ảnh: Đ.P

"Phim truyền hình Việt đang tiến dần đến trái tim và khối óc của người xem. Muốn chinh phục mọi người không thể gò ép mà phải đi vào trái tim người ta để người ta đến với mình một cách tự nguyện, đánh vào sự đồng điệu của cảm xúc".

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã

Theo nhiều chuyên gia lẫn khán giả, phim truyền hình Việt nói chung và phim truyền hình về đề tài gia đình nói riêng đã về gần với đời sống và soi vào từng ngóc ngách của mỗi gia đình. Những câu chuyện trên phim không còn là trí tưởng tượng phong phú hoặc ý tưởng sáng tạo riêng của biên kịch và đạo diễn mà được xây dựng dựa trên chất liệu cuộc sống. Mỗi một tình tiết, mỗi một tình huống, mỗi một nhân vật đều mang bóng dáng của người thực - việc thực. Vì lẽ đó, người xem dễ dàng hòa mình vào câu chuyện của phim, thổn thức với từng cảm xúc của nhân vật, hả hê với những câu thoại rất đời. Ở một góc độ cao hơn, điều này cũng cho thấy ẩn sâu trong mỗi con người vẫn là nhu cầu tìm lại những giá trị thiêng liêng của gia đình.

Ở thời điểm hiện tại, có 3 bộ phim về đề tài gia đình đang rất "hút" khách là "Hương vị tình thân", "Cây táo nở hoa" và "Hãy nói lời yêu". Cứ sau mỗi tập phim phát sóng, trên trang fanpage của các phim lại xuất hiện hàng loạt bình luận thể hiện sự tâm đắc, sự yêu mến và cả sự bất bình với nội dung, nhân vật, lời thoại, trang phục...

Áp lực đè nặng sau mỗi bộ phim

Sự thành công của loạt phim về đề tài gia đình tạo ra những tín hiệu vui cho dòng phim này nhưng cũng vô hình trung đặt những người làm phim vào áp lực mới.

Bản thân đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) cũng thừa nhận, áp lực đối với các nhà làm phim sau sự thành công của một bộ phim là rất lớn, nhất là phim về đề tài gia đình. Bài toán mà ai cũng phải bắt buộc tham gia tìm đáp số chính là làm sao để những phim sau hay hơn, vượt trội và nhiều dấu ấn hơn phim trước. Điều này không chỉ đòi hỏi người làm phim nỗ lực sáng tạo mà còn phải cập nhật liên tục các xu hướng của thế giới cũng như thị hiếu của khán giả.

Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng (VFC) cũng cho biết, phim về đề tài gia đình có lợi thế là đối tượng khán giả đa dạng, song đây cũng là thách thức, đòi hỏi các nhà làm phim phải chú ý khai thác chân thực, giản dị, gần gũi từng nhân vật ứng với độ tuổi, hoàn cảnh của họ và quan trọng là tạo ra sự ấm áp trong từng phân cảnh. Vì thế mà khi làm phim, đạo diễn nào cũng "dốc" hết mình ra để làm cho thật xuất sắc. Bộ phim thành công thì rất mừng, nhưng khi bắt tay thực hiện dự án tiếp theo lại chồng chất nỗi lo. Lo nhiều hơn cả là không vượt qua được cái bóng của chính mình ở phim trước.

img

Một cảnh trong phim “Hương vị tình thân”. Ảnh: I.T

"Tôi vẫn luôn nói rằng, thành công của tác phẩm này chính là áp lực của tác phẩm khác. Người làm phim không được phép đi thụt lùi, tức tác phẩm sau không thể kém hơn tác phẩm trước. Bởi lẽ đó mà khi bắt tay vào làm một bộ phim, người làm phim phải đối diện với "tứ bề" áp lực. Cả êkíp cùng chung cái cảm giác đó chứ không riêng gì đạo diễn. Tuy nhiên, điều đó có cái hay là thúc đẩy người ta nỗ lực hơn, chủ động hơn trong việc tìm cách vượt qua áp lực", đạo diễn "Về nhà đi con" nhấn mạnh.

NSND Lan Hương cũng nhận định: "Sự vận động của thế giới là không ngừng nghỉ, nhất là khi công nghệ số và thế giới số len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống. Nhu cầu và thị hiếu của khán giả ngày càng cao lên đòi hỏi người làm phim phải nỗ lực không ngừng mới đáp ứng nổi. Hôm nay làm phim đạt đến thang điểm 8 thì ngày mai phải nâng lên tới 9 hoặc 10. Và sự thay đổi ở đây không chỉ có biên kịch, đạo diễn, diễn viên mà là cả bộ máy tham gia phim. Có như thế phim Việt mới giữ được khán giả và mới cạnh tranh nổi với phim nước ngoài"- nữ nghệ sĩ nhấn mạnh thêm.

H.T.L

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, trước đây, thế hệ của bà được dạy khi làm phim phải hướng đến những đề tài mang tính xã hội rộng lớn. Chính vì lẽ đó mà đề tài gia đình bị xem là nhỏ nhạt, vụn vặt, tản mạn… Nếu có làm về đề tài gia đình cũng phải gắn với những vấn đề xã hội to lớn. Nhưng vì thế mà người ta quên đi mọi vấn đề to lớn trong xã hội đều do nhiều vấn đề nhỏ gộp lại.

"Tôi thấy thật là thú vị khi sự dịch chuyển của phim truyền hình đang đi theo hướng xã hội đang cần kíp, đang hướng tới. Nhiều bộ phim xuất sắc một cách đáng kinh ngạc từ kịch bản, bối cảnh, kỹ thuật, diễn xuất, lời thoại, thông điệp, định hướng thẩm mỹ... Điều đó để thấy rằng, các nhà sản xuất phim ngày nay không chỉ nhạy bén trong nắm bắt xu hướng của khán giả mà còn rất tài năng trong sáng tạo nghệ thuật" - nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhấn mạnh.

Sự nổi trội và vượt bậc về diễn xuất

NSND Lan Hương cho rằng, ngoài yếu tố về kịch bản, đạo diễn thì diễn viên là một trong những yếu tố hàng đầu khiến cho các bộ phim truyền hình về đề tài gia đình luôn cuốn hút. Vì phim về đề tài gia đình thường khai thác rất nhiều về khía cạnh nội tâm, đòi hỏi diễn xuất phải tốt thì mới thể hiện ra chất của nhân vật.

Thực tế, các diễn viên hiện nay có sự vượt trội về diễn xuất, bất kể được đào tạo trong trường lớp hay chỉ là diễn viên tay ngang. Chẳng hạn, Hồng Diễm là một diễn viên tay ngang (xuất thân là người mẫu), chưa hề qua trường lớp đào tạo. Nữ diễn viên luôn bước vào phim với một tâm thế của người diễn hết mình bằng bản năng và trải nghiệm. Tuy nhiên, bất kỳ vai diễn nào cô thể hiện cũng để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem.

Trường hợp Quỳnh Kool - một gương mặt xuất hiện trong nhiều phim mới đây như: "Nàng dâu order", "Đừng bắt em phải quên", "Hướng dương ngược nắng"... thì đã kinh qua trường sân khấu điện ảnh. Cách diễn trong sáng, hồn nhiên nhưng cũng nhiều cảm xúc của nữ diễn viên sinh năm 1995 này đã hoàn toàn chinh phục khán giả. Vì lẽ đó mà cô liên tiếp được giao vai trong hàng loạt dự án phim đình đám.

Ngoài ra, các diễn viên đều ý thức rõ trong việc chọn những vai diễn mang màu sắc mới để sáng tạo, phát huy tài năng diễn xuất, gây ấn tượng với khán giả. Bản thân NSND Thu Hà trước khi nhận vai Bạch Cúc trong "Hướng dương ngược nắng" cũng từng từ chối hàng loạt kịch bản vì chưa thấy vai nào phù hợp. Và cho đến khi nhận vai diễn này, dù áp lực đè nặng nhưng nữ diễn viên vẫn chấp nhận đặt để mình vào một cuộc chơi.

Lần đầu tiên Thu Hà vào vai một người phụ nữ quyền lực, ghê gớm, sắc sảo, lắm mưu nhiều kế… khác hẳn với những dạng vai từng kinh qua nhưng nữ nghệ sĩ đã cố gắng để đắp đầy cho vai diễn của mình những màu sắc khác biệt. Chính điều đó đã khiến cho vai Bạch Cúc được yêu mến nhiều nhất trên mạng xã hội.

Có một điều dễ nhận thấy là sự hòa quyện về mặt diễn xuất của lớp diễn viên trẻ với thế hệ diễn viên đi trước đã tạo nên những hiệu ứng vô cùng lớn. Chính điều này góp phần đẩy cảm xúc cũng như đẩy diễn xuất của từng người lên cao. Trong "Hướng dương ngược nắng", người ta không hề thấy NSƯT Đức Trung, NSND Thu Hà, NSND Công Lý, Vân Dung... lấn lướt lớp diễn viên trẻ Hồng Diễm, Hồng Đăng, Việt Anh, Thu Trang, Đình Tú, Quỳnh Kool. Trái lại, họ nâng đỡ cho nhau và luôn phối hợp một cách đầy chuyên nghiệp khi bước vào những cảnh quay.

gop/Chuyện gia đình cuốn hút khán giả - Ảnh 3.

NSND Thu Hà (phải) và diễn viên Hồng Diễm trong “Hướng dương ngược nắng”. Ảnh: Đ.P

Việc khéo léo đưa các diễn viên phía Nam hoặc phía Bắc vào mỗi bộ phim để hài hoà tính vùng miền cũng mang đến những màu sắc mới mẻ cho phim về đề tài gia đình. Trong khi các diễn viên phía Nam như: Quốc Trường, Mỹ Uyên, Xuân Nghị, Diễm My... ra Bắc đóng phim đã dành được nhiều yêu thương của khán giả, thì NSND Lan Hương, NSƯT Quốc Trọng, Bảo Thanh... vào Nam cũng được đón nhận không kém. Việc hài hoà yếu tố vùng miền làm cho bộ phim về đề tài gia đình có tính phổ cập hơn và tính chất mới mẻ cũng được nâng tầm. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem