Có diện tích trồng lớn thứ hai cả nước, tỉnh Tây Ninh vẫn phải nhập thêm một thứ củ lắm bột từ Campuchia

Thứ bảy, ngày 21/12/2024 17:22 PM (GMT+7)
Để người trồng khoai mì Tây Ninh có thể yên tâm gắn bó và làm giàu từ khoai mì (sắn), cần có một cuộc “cách mạng” từ phương thức canh tác, quá trình sản xuất, chế biến các sản phẩm từ khoai mì đến công tác quản lý Nhà nước.
Bình luận 0

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh, tổng diện tích sản xuất khoai mì hằng năm của tỉnh trên 62.000 ha (diện tích trồng lớn thứ hai cả nước, sau tỉnh Gia Lai), chiếm 23% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh; năng suất bình quân đạt 33,2 tấn/ha, cao nhất cả nước. Tuy nhiên, để người nông dân trồng khoai mì có thể yên tâm gắn bó và làm giàu từ khoai mì, cần có một cuộc “cách mạng” từ phương thức canh tác, quá trình sản xuất, chế biến các sản phẩm từ khoai mì đến công tác quản lý Nhà nước.

Toàn tỉnh hiện có 64 nhà máy chế biến khoai mì hoạt động (chiếm 45,8% so với cả nước), trong đó có 8 nhà máy sản xuất tinh bột và bột biến tính, 2 nhà máy sản xuất mạch nha. Sản lượng khoảng 2,1 triệu tấn/năm - chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu về nguyên liệu (không ổn định). Hằng năm, các nhà máy trong tỉnh thường phải nhập từ 2 - 3 triệu tấn củ mì tươi từ các địa phương khác như: Bình Phước, Gia Lai, Đồng Nai… và nước bạn Campuchia.

Đó cũng là lý do để các doanh nghiệp hướng đến những sản phẩm mang giá trị lợi nhuận cao như sản xuất mạch nha, bột biến tính… và đây chính là xu thế tất yếu của ngành chế biến tinh bột khoai mì trong tương lai. Ngành chế biến truyền thống chỉ tập trung vào tinh bột thô đã dần bão hoà và không tạo được giá trị gia tăng lớn. Việc chuyển dịch sang các sản phẩm chế biến sâu như mạch nha, bột biến tính, ethanol và sản phẩm sinh học không chỉ tăng giá trị kinh tế mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là các thị trường quốc tế có yêu cầu cao về chất lượng và tính ứng dụng.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ chế biến hiện đại, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng sẽ phối hợp các nhà khoa học và doanh nghiệp để nghiên cứu, cải tiến quy trình sản xuất, hướng đến phát triển bền vững, giảm thiểu tác động môi trường trong quá trình chế biến; tiếp tục quan tâm thúc đẩy chế biến, đa dạng hoá sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị để ngành hàng khoai mì ngày càng phát triển bền vững.

Ngày 29/10/2024, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Kế hoạch số 3409/KH-UBND về phát triển ngành khoai mì trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó đưa ra mục tiêu cụ thể: đến năm 2030, năng suất bình quân đạt 36 tấn/ha (tăng 8,4% so với năm 2023); hàm lượng tinh bột khoai mì bình quân trên địa bàn tỉnh đạt trên 27%; lợi nhuận bình quân đạt từ 80 triệu đồng/ha trở lên (tăng 33% so với năm 2023); điều đáng chú ý là sản lượng khoai mì dùng để chế biên sâu một số sản phẩm (tinh bột, mạch nha…) chiếm khoảng 92%.

Tuy nhiên, để người nông dân làm giàu từ cây mì, ngành nông nghiệp đề xuất giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng giống, tỉnh sẽ tập trung vào việc lai tạo và phát triển các giống khoai mì năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng tại Tây Ninh. Việc triển khai các giống mới sẽ được thực hiện thông qua hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc, Viện Di truyền nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT)

Bên cạnh đó là các giải pháp ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hoá từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch để giảm chi phí sản xuất cho người nông dân; sử dụng công nghệ sinh học để cải thiện đất đai, tăng độ phì nhiêu và bảo vệ môi trường.

Tăng cường liên kết giữa nông dân và nhà máy như việc khuyến khích các doanh nghiệp chế biến khoai mì trên địa bàn tỉnh ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm lâu dài với nông dân hoặc các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất khoai mì; vừa giúp nhà máy có nguồn nguyên liệu ổn định, vừa giúp nông dân yên tâm sản xuất, giảm thiểu rủi ro về đầu ra. Khuyến khích việc thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất khoai mì để người nông dân có thể làm việc cùng nhau, chia sẻ kỹ thuật và kinh nghiệm trong sản xuất, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất khoai mì.

Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến khoai mì trên địa bàn tỉnh hỗ trợ một phần chi phí đầu tư về cải tạo đất, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cơ giới hoá trong thu hoạch nhằm giúp nông dân có đủ vốn để nâng cao quy mô, hiệu quả sản xuất, góp phần tăng cường mối liên kết giữa nông dân với nhà máy chế biến.

Mặt khác đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này như tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư đầu vào phục vụ sản xuất (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...) để người trồng khoai mì được sử dụng vật tư đúng chất lượng; tăng cường công tác quản lý giống trong thời gian trồng khảo nghiệm nhằm giảm thiểu sự thất thoát giống mới đang khảo nghiệm ra thị trường khi chưa được đánh giá công nhận.

Tấn Hưng (Báo Tây Ninh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem