Có đủ cơ chế giám sát, phát hiện và ngăn chặn, xử lý đảng viên nhập quốc tịch, chuyển tiền ra nước ngoài (Bài cuối)

Quỳnh Nguyễn Chủ nhật, ngày 31/10/2021 18:00 PM (GMT+7)
Theo TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, bất kỳ đảng viên nào cũng chịu sự kiểm soát của tổ chức Đảng và sự giám sát của nhân dân. Các cơ quan chức năng có đầy đủ cơ chế giám sát, phát hiện và công cụ để ngăn chặn, xử lý đảng viên nhập quốc tịch, chuyển tài sản ra nước ngoài.
Bình luận 0

Điều 9 của Quy định số 37 về những điều đảng viên không được làm, Trung ương bổ sung một số hành vi nghiêm cấm, đó là "không được nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định".

PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Pháp chế, Thanh tra Chính phủ về vấn đề này.

“Có đủ cơ chế giám sát, phát hiện và ngăn chặn, xử lý vi phạm” - Ảnh 1.

TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Pháp chế, Thanh tra Chính phủ. Ảnh: NVCC

Hoàn thiện cơ chế kiểm soát và chế tài xử lý vi phạm

Thưa ông, Quy định 37 của Ban chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm kế thừa cơ bản nội dung 19 điều như trước, bổ sung một số nội dung đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII, XIII, ông đánh giá thế nào về điều này?

- Điều này cho thấy sự chuyển biến tích cực từ quy định 19 điều cấm đảng viên không được làm trong thực tiễn cuộc sống, trong việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Với sự bổ sung các quy định lần này, Đảng đã nhận diện bao quát, rõ ràng và toàn diện những nguy cơ đe dọa uy tín và thành quả cách mạng của Đảng, là cơ sở nâng lên một bước hoàn thiện hơn cơ chế kiểm soát và chế tài xử lý vi phạm đối với đảng viên ở nhiều lĩnh vực.

Xã hội luôn vận động và phát triển đòi hỏi chúng ta phải có nhận thức mới, giải pháp mới. Sự bổ sung các quy định vừa qua rất kịp thời, đáp ứng được những yêu cầu mới của công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng trong tình hình mới, thể hiện sự nhanh nhạy của Đảng trong việc quyết tâm xây dựng Đảng với đội ngũ đảng viên trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là đảng cầm quyền, đảng của nhân dân.

Một trong số những điểm mới là đảng viên không được sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp; nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định.

Đảng viên cũng không được đe dọa, trù dập, trả thù người khiếu nại, tố cáo; không thực hiện các quy định của Đảng và pháp luật về bảo vệ người tố cáo, phê bình, góp ý; không được có hành vi chạy chức chạy quyền, tham ô hay thờ ơ, vô cảm với các hành vi sai trái trong xã hội...

Đây là quy định quan trọng thể hiện định hướng của Đảng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, chú trọng tăng cường kiểm soát tài sản của cán bộ đảng viên để kịp thời phát hiện những bất thường, dấu hiệu của tham nhũng. Những điểm mới này cũng sẽ khắc phục hạn chế qua thực tiễn 10 năm thực hiện Quy định 47.

Quy định 37 có điểm mới rất đáng chú ý, đảng viên không được nhập quốc tịch nước ngoài. Thực tế thời gian qua cũng đã có một số vụ việc ĐBQH có 2 quốc tịch gây xôn xao dư luận, ông nghĩ gì về sự bổ sung này?

- Quy định đảng viên không nhập quốc tịch xuất phát từ thực tế có một số ĐBQH nhập tịch nước ngoài gây ra dư luận không tốt. Đó là điều xuất phát từ thực tiễn, trong Quy định số 47 chưa quy định nên lần này bổ sung để kiểm soát đảng viên.

Chúng ta vẫn nói đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, người đảng viên luôn là những công dân gương mẫu, yêu nước, thiết tha với Tổ quốc, tự nhiên lại đi nhập quốc tịch nước ngoài để làm gì trong khi ở trong nước, Đảng và nhà nước sẵn sàng tạo điều kiện cho họ phát triển một cách tốt nhất? Theo tôi, đảng viên là những người có vai trò nêu gương nên cần có sự kiểm soát nhiều hơn, vì vậy đây là một quy định hoàn toàn hợp lý.

Bất kỳ đảng viên nào cũng chịu sự kiểm soát của tổ chức Đảng và sự giám sát của nhân dân, đó là chưa kể còn chịu sự quản lý của các cơ quan nhà nước, sự giám sát của xã hội, đặc biệt là cơ quan truyền thông, báo chí.

Khi phát huy được hiệu quả, có sự phối hợp giữa các kênh này thì việc phát hiện, ngăn chặn vi phạm không quá khó khăn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có sự hỗ trợ, hợp tác của các nước trong vấn đề này nên hoàn toàn có thể kiểm soát được việc nhập quốc tịch của đảng viên.

“Có đủ cơ chế giám sát, phát hiện và ngăn chặn, xử lý vi phạm” - Ảnh 3.

Việc mang 2 Quốc tịch Việt Nam và Cộng hòa Síp khiến ông Phạm Phú Quốc bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Trung tâm báo chí quốc hội

Cần minh bạch về số lượng và nguồn gốc tiền, tài sản

Trong quy định mới cũng nêu rõ, đảng viên không được chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định. Quy định này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

- Đây là quy định quan trọng thể hiện định hướng của Đảng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, chú trọng tăng cường kiểm soát tài sản của cán bộ đảng viên để kịp thời phát hiện những bất thường, dấu hiệu của tham nhũng. Có quy định cụ thể thì những cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới thực hiện dễ dàng.

Việc thực hiện 19 điều đảng viên không được làm thời gian qua theo Quy định 47 đã có những kết quả tốt, hạn chế những hành vi tiêu cực của đảng viên; tuy nhiên vẫn có những điểm chưa chặt chẽ, thiếu một số nội dung nên một số người đã lợi dụng để tẩu tán tài sản như ngấm ngầm chuyển tiền ra nước ngoài bất hợp pháp hoặc để vợ con, người thân đứng tên các tài sản khổng lồ. Đến khi họ vướng vào vòng lao lý thì Nhà nước không thu hồi được tài sản và đặc biệt khi bị "đánh động" thì trốn đi nước ngoài vì họ đã có quốc tịch và nhà cửa tại nước họ định đến, thoát được sự trừng phạt của pháp luật cũng như bảo toàn được số tài sản đã chiếm đoạt.

Tất nhiên, cũng có những trường hợp không bị cấm đoán, chẳng hạn như đảng viên đi công tác nước ngoài hoặc chuyển tiền cho con du học, tuy nhiên số tiền đó phải minh bạch về số lượng và nguồn gốc. Nếu chuyển tiền một cách minh bạch, rõ ràng thì không có vấn đề gì cả.

Để ngăn chặn đảng viên chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định, cơ quan chức năng sẽ kiểm soát bằng công cụ nào?

- Hiện pháp luật cũng đã có những quy định rõ ràng về mức trần số tiền mang đi, mang về mỗi lần xuất nhập cảnh và biện pháp xử lý khi xảy ra vi phạm. Việc chuyển tài sản, mua bán tài sản cũng phải làm thủ tục qua các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Các cơ quan hải quan, thanh tra, điều tra, kiểm soát tài sản thu nhập có quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin kịp thời khi thấy có dấu hiệu đáng ngờ để kịp thời có biện pháp ngăn chặn.

Ngoài ra, trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng cùng với việc Việt Nam là một nước thành viên của Công ước quốc tế về chống tham nhũng nên rất thuận lợi trong việc phối hợp với các tổ chức quốc tế và các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài để xác minh, truy tìm và xử lý tài sản do phạm tội mà có đang ở nước ngoài.

“Có đủ cơ chế giám sát, phát hiện và ngăn chặn, xử lý vi phạm” - Ảnh 4.

Hội nghị Trung ương 4 Khóa 13 vừa qua, Trung ương đã thống nhất cao việc ban hành quy định mới về những điều đảng viên không được làm. Ảnh: TTXVN

Vừa qua Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 04 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hành sự về tham nhũng, kinh tế, trong đó khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt; nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần để kiểm soát tài sản chặt chẽ, hạn chế việc tẩu tán, che giấu, hợp thức hóa tài sản do phạm tội mà có, tạo thuận lợi cho công tác thu hồi tài sản tham nhũng.

Tinh thần của Chỉ thị thực sự là những định hướng căn bản cho công tác hoàn thiện pháp luật phòng, chống tham nhũng, cả về các biện pháp giải pháp trước mắt và lâu dài trong những năm tới.

Vì vậy, có thể khẳng định rằng, nếu đảng viên chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định, cơ quan chức năng có đầy đủ cơ chế giám sát, phát hiện và công cụ để xử lý, điều quan trọng là chúng ta thực sự quyết tâm.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng

Sau 10 năm thực hiện Quy định số 47-QĐ/TW, bám sát tinh thần nghị quyết Đại hội XII, nhất là Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết chuyên đề của Trung ương, của Bộ Chính trị và căn cứ vào dự báo những năm tới đây, việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định số 37-QĐ/TW rất đúng lúc, trong bối cảnh hiện nay.

Thực tiễn vừa qua, có những người lén lút nhập tịch nước ngoài. Từ thực tế công tác kiểm tra, giám sát của Đảng cho thấy, vi phạm có liên quan tham nhũng, tiêu cực phần lớn từ cán bộ, đảng viên, nên vi phạm đó cần phải được phát hiện trước hết trong nội bộ Đảng. Với các quy định hiện hành của Đảng thì có cơ sở để thực hiện việc chủ động, đi trước, làm tiền đề cho xử lý kỷ luật hành chính và xử lý hình sự.

Thời gian qua đã phát hiện những trường hợp ĐBQH, đảng viên nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài… Từ thực tiễn đó đặt ra yêu cầu phải quản lý cho chặt, tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng, từ đó mới đáp ứng được yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới.

- Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương

Tránh tình trạng "nhờn luật"

Quy định về những điều đảng viên không được làm có tác dụng rất tốt trong nhận diện, khống chế những dấu hiệu sai phạm, tuy nhiên vẫn lọt lưới rất nhiều phần tử suy thoái, cơ hội. Thể hiện cái nhìn tổng thể từ thực tiễn, Trung ương bổ sung vấn đề dư luận rất quan tâm, đó là hiện tượng cán bộ, đảng viên sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp, chạy chức, chạy quyền; nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định. Không ít trường hợp khó xử lý vì tài sản không rõ nguồn gốc và đứng tên người thân… Do đó, nhận diện phải đi liền với tiêu chí cụ thể, chi tiết hơn, dễ thực hiện để các quy định trở nên khả thi, tránh tình trạng quy định đưa ra mà hiệu quả thấp sẽ dẫn đến "nhờn luật".

Điều quan trọng, thực hiện hiệu quả thế nào phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu cấp ủy, đơn vị. Cần chọn người đứng đầu dám bảo vệ sự sáng tạo và cái đúng, đấu tranh khi thấy sai, trở thành chỗ dựa tin cậy cho người dũng cảm tố cáo sai phạm, khi đó mới khuyến khích tinh thần đoàn kết xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, liêm chính.

PGS, TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem