Có thể kiện Tổng thầu Trung Quốc "đòi" 50 triệu USD tại đường sắt Cát Linh - Hà Đông?

Minh Hiếu Thứ ba, ngày 02/06/2020 12:38 PM (GMT+7)
Việc có thể kiện Tổng thầu Trung Quốc "đòi" 50 triệu USD để tiếp tục triển khai dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông hay không, theo luật sư Trương Anh Tú, cần phải xem lại hợp đồng để biết được chi tiết những vi phạm này. Tuy nhiên, hợp đồng này lại đóng dấu mật cho những thông tin không biết có thật sự "mật" không?
Bình luận 0

Câu chuyện Tổng thầu Trung Quốc "đòi" 50 triệu USD, chưa hẹn ngày chạy tàu tại dự á đường sắt Cát Linh - Hà Đông khiến dư luận bức xúc. Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là một dự án chỉ định thầu, tuy nhiên, trong thời gian triển khai, Bộ GTVT đã nhiều lần có văn bản xin điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ 8.769 tỷ đồng lên 18.001 tỷ đồng, tăng 205% so với tổng vốn đầu tư ban đầu được duyệt. Không chỉ vậy, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông còn 8 lần "lỡ hẹn" chạy tàu thương mại khiến người dân bất bình. 

Sự việc chưa dừng lại ở đó, khi mà Bộ GTVT báo cáo lên Chính phủ về việc Tổng thầu Trung Quốc "đòi" thêm 50 triệu USD mới có thể triển khai tiếp tục dự án, nhưng lại không có bất cứ một thông điệp nào cho thấy sẽ sau đó sẽ hoàn tất dự án, đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được đưa vào khai thác. 

Trước thực tế đó, câu hỏi đặt ra liệu Ban QLDA đường sắt Cát Linh - Hà Đông có thể kiện Tổng thầu Trung Quốc không? Trao đổi với Dân Việt, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm – Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông có thể nói là một dự án "thảm hoạ". Tại sao lại gọi như vậy, vì dự án này tiêu tốn tới hàng tỷ USD do chậm tiến độ, đội vốn gấp nhiều lần. 

"Trong bối cảnh đất nước đang còn nghèo thì tại sao lại phải xây dựng đường sắt Cát Linh – Hà Đông đắt đỏ, lãng phí lớn như vậy? Hậu quả đã thể hiện rõ rồi đó là đội vốn, tại nạn lao động cũng đã từng xảy ra tại dự án này. Đặc biệt, Hà Nội cũng đã từng chỉ ra dự án này mất an toàn khi vận hành, gây ô nhiễm môi trường,...", ông Tú phân tích.

Có thể khởi kiện Tổng thầu Trung Quốc "đòi" thêm 50 triệu USD về DA Cát Linh - Hà Đông? - Ảnh 1.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Theo ông Tú: "Nghiêm trọng hơn hết là việc ngành giao thông dù thiếu kinh nghiệm nhưng tại sao vẫn quyết định khởi công tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đến nay đã gần 10 năm trôi qua mà vẫn chưa thể vận hành?".

Có thể khởi kiện Tổng thầu Trung Quốc "đòi" thêm 50 triệu USD về DA Cát Linh - Hà Đông? - Ảnh 2.

Luật sư Trương Anh Tú.

Phân tích về việc phía Tổng thầu Trung Quốc đề nghị số tiền 50 triệu USD để thực hiện công tác vận hành hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao, luật sư Trương Anh Tú cho hay, căn cứ theo báo cáo của Bộ GTVT, việc chạy thử dự án là việc của Tổng thầu Trung Quốc phải thực hiện, phía Việt Nam không có trách nhiệm phải quyết toán thêm khoản tiền này. Như vậy, cần phải xác định, phía Tổng thầu Trung Quốc đang có dấu hiệu vi phạm hợp đồng không?

Đối với câu hỏi: "Chúng ta có thể khởi kiện phía Tổng thầu Trung Quốc về dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông hay không?", luật sư Trương Anh Tú cho hay trong trường hợp xảy ra tranh chấp thì hai bên nên đưa ra toà án để giải quyết, thường thì những vụ việc như thế này sẽ đưa ra trọng tài quốc tế để giải quyết.

"Tuy nhiên, chúng ta cần phải xem lại các điều khoản giữa Tổng thầu Trung Quốc và chúng ta đã ký kết trong hợp đồng khi phát sinh vấn đề thì quy định đưa ra trọng tài quốc tế hay cơ quan nào để giải quyết?. Đồng thời, đánh giá xem thiệt hại, tổn thất từ dự án gây ra là bao nhiêu để có căn cứ khởi kiện", luật sư Tú nói.

Luật sư Tú nhấn mạnh thiệt hại của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông ai cũng thấy rõ, đội vốn gấp nhiều lần, thiệt hại lớn nhất chính là chưa biết đến khi nào vận hành. Nếu muốn xác định được cụ thể, chi tiết những vi phạm của Tổng thầu Trung Quốc thì cần phải rà soát lại hợp đồng ký mới có thể xác định được.

"Để tiếp cận được hồ sơ, hợp đồng dự án Cát Linh – Hà Đông là điều rất khó, bởi hợp đồng này có thể đã đóng dấu mật. Như tôi dự đoán, có khả năng hợp đồng này được đóng dấu mật, mặc dù nội dung thực sự mật hay không thì không thể biết được", luật Sư Trương Anh Tú bình luận.

Có thể khởi kiện Tổng thầu Trung Quốc "đòi" thêm 50 triệu USD về DA Cát Linh - Hà Đông? - Ảnh 3.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa rõ ngày vận hành chính thức.

Để làm rõ hơn về việc Tổng thầu Trung Quốc của dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đòi 50 triệu USD trước khi bàn giao, trao đổi với PV Dân Việt, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết: "Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã cơ bản hoàn thành khối lượng công việc thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị. Các công việc còn lại chủ yếu là hoàn thiện hiện trường, mỹ quan, chỉnh sửa 1 số thiết bị để chuẩn bị cho vận hành thử toàn hệ thống; chỉnh sửa, hoàn thiện Hồ sơ hoàn công để phục vụ công tác nghiệm thu, bàn giao Dự án.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến nay các nhân sự của Tổng thầu Trung Quốc, tư vấn giám sát, tư vấn đánh giá an toàn hệ thống (Tư vấn ACT của Pháp) vẫn chưa thể sang Việt Nam tiếp tục thực hiện dự án do khó khăn trong các thủ tục cấp visa, vận chuyển đưa đón nhân sự, cách ly phòng chống dịch bệnh liên quan đến chính sách của các quốc gia khác nhau.

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của Dự án, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, đã chỉ đạo và giao trách nhiệm cho Ban QLDA Đường sắt thường xuyên tổ chức các cuộc họp trực tuyến với Tổng thầu, Tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan để thống nhất giải quyết từng vấn đề cụ thể của Dự án.

Theo Lãnh đạo của Ban QLDA Đường sắt, Bộ GTVT cho biết: "Tại cuộc họp trực tuyến ngày 12/05/2020 giữa Ban QLDA Đường sắt với ông Tiêu Vu Thái - Tổng Giám đốc Công ty HH tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC), ông Tiêu Vu Thái đã trao đổi, hiện tại Tổng thầu đang gặp khó khăn về nguồn vốn, đặc biệt là việc thanh toán cho các nhà sản xuất, nhà thầu phụ".

Tại cuộc họp này Tổng thầu Trung Quốc đã kiến nghị "Chủ đầu tư thanh toán cho Tổng thầu 50 triệu USD trước khi thực hiện vận hành thử toàn hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao chính thức dự án".

"Đây là giá trị đã hoàn thành mà Tổng thầu đang hoàn thiện các thủ tục đề nghị Chủ đầu tư tiếp tục giải ngân thanh toán trong phần giá trị còn lại của hợp đồng EPC, không phải là chi phí phát sinh tăng thêm của Hợp đồng. Hiện nay, Ban QLDA Đường sắt đã thanh toán cho Tổng thầu khoảng 80% giá trị hợp đồng EPC, phần còn lại khoảng 20%", Bộ GTVT khẳng định.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết: "Việc Tổng thầu Trung Quốc đề nghị thanh toán như trên là chưa phù hợp với các điều khoản thanh toán của Hợp đồng EPC và các Phụ lục hợp đồng đã ký. Ban QLDA Đường sắt sẽ thực hiện thanh toán cho Tổng thầu Trung Quốc theo các quy định của Hợp đồng và các quy định của pháp luật liên quan. Hiện nay, Bộ GTVT đang phối hợp cùng UBND TP Hà Nội và các Bộ, ngành liên quan để giải quyết những vấn để thủ tục, cũng như những vướng mắc, sớm đưa nhân sự của Tổng thầu Trung Quốc và các đơn vị Tư vấn quay lại Việt Nam nhằm triển khai các phần việc còn lại để hoàn thành Dự án.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem