Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đầu tháng 4 Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu đề nghị giảm lãi suất cho vay thêm 2%/năm. Ngay sau đề nghị này, các ngân hàng đã đồng loạt hạ lãi suất cho vay. Có ngân hàng giảm tới 4,5% cho khách vay mới. Theo đó, lãi suất huy động cũng có xu hướng giảm dần từ đầu tháng 4 tới nay.
Mức lãi suất tiền gửi có xu hướng giảm so với thời điểm trước dịch(ảnh minh họa)
Đối với lãi suất huy động tiền đồng từ cá nhân, tổ chức, các ngân hàng thương mại duy trì ở mức 0,1 - 0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng. Ở kì hạn 1 - 6 tháng, lãi suất tiền đồng dao động từ 4,3 - 4,75%/năm; 6 - 12 tháng lãi suất 5,3 - 6,8%/năm; trên 12 tháng 6,6 - 7,4%/năm. Lãi suất tiền gửi kì hạn 24 tháng tại quầy tiếp tục dao động từ 5,7%/năm đến 8,4%/năm. Mức lãi suất niêm yết cao nhất tại quầy ở kì hạn 24 tháng hiện tại là 8,4%/năm được áp dụng tại Eximbank.
Tại các ngân hàng khác như NCB, SCB, VietBank,..lãi suất tiền gửi tiếp tục được điều chỉnh giảm so với trước đó. NCB có lãi suất 24 tháng là 8,3%/năm; SCB có lãi suất 8,25%/năm và VietBank lãi suất tiền gửi đã xuống 7,9%.
Techcombank là ngân hàng có lãi suất huy động thấp nhất ở kì hạn 24 tháng chỉ từ 5,7% - 5,9%/năm.
Tại nhóm Big4, Agribank và Vietcombank tiếp tục duy trì ở 6,8%/năm, BIDV giảm về 6,6%/năm và VietinBank giảm về 6,3%/năm.
Tiết kiệm online được một số ngân hàng ưu đãi tăng lãi suất cho khách hàng. Tại ngân hàng Bản Việt, mức lãi suất tăng lên ở các kỳ hạn từ 0,02 - 0,6%. HDBank tăng thêm 0,1% so với lãi suất tại quầy cho khách hàng cá nhân có tài khoản Internet Banking và Mobile Banking, thực hiện gửi tiền tiết kiệm online với số tiền tối thiểu chỉ từ 1 triệu đồng với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.