Có 3 lý do để ta chọn Thất Khê: 1- Đây là những tiểu đoàn cơ động chiến lược của địch, nếu bị tiêu diệt sẽ tác động trực tiếp đến Binh đoàn Sactong; 2- Đến Đông Khê, bị tiến công liên tục nên lực lượng của Lơpagiơ đã bị tiêu hao, tinh thần sẽ dao động vì không chiếm lại được Đông Khê, cũng không thực hiện được kế hoạch đón Sactong ở Nậm Nàng; 3- Một bộ phận của Đại đoàn 308 đã tiếp cận được binh đoàn này, nên càng có điều kiện để triển khai chiến đấu nhanh.
Phòng Tham mưu chuyển lệnh của Chỉ huy trưởng động viên bộ đội khẩn trương tiêu diệt Binh đoàn Lơpagiơ trước, đồng thời kiềm chế, ngăn chặn và tạo thế chuẩn bị tiêu diệt nốt binh đoàn Sactong. Bộ Chỉ huy hạ quyết tâm: dù lực lượng ta có bị tiêu hao cũng kiên quyết tiêu diệt cho kỳ được hai binh đoàn địch. Với quyết tâm đó, ta đã đi nước cờ quyết định số phận của cả 7 tiểu đoàn Âu - Phi tinh nhuệ của địch.
Địch tan vỡ và tháo chạy dây chuyền
Đêm 7.10, nghe báo cáo của trực ban tác chiến, Bộ Chỉ huy đứng trước một tình huống ngoài dự kiến: Cánh quân Lơpagiơ về cơ bản đã bị tiêu diệt nhưng viên chỉ huy thì đang tìm đường lẩn trốn. Ngược lại, Binh đoàn Sactong quân số còn đông nhưng viên chỉ huy đã bị bắt. Lại thêm “đội quân cứu hỏa” của De la Beaume từ Thất Khê lên đang bị Trung đoàn 174 chặn đánh ở Lũng Phầy, không thể tiến tới điểm hẹn ở Nà Cạo. Chỉ huy trưởng gọi điện cho Đại đoàn trưởng 308: địch đã đưa Binh đoàn De la Beaume lên Lũng Phầy để đón Lơpagiơ và Sactong. Đại đoàn 308 phải phối hợp với các đơn vị bạn hoàn thành nốt nhiệm vụ tiêu diệt binh đoàn địch này.
Đoàn xe cam-nhông của Pháp chở quân lên ứng cứu Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới 1950, nhưng sau đó đã bị quân ta chặn đánh. Ảnh tư liệu.
Sau khi Binh đoàn Sactong tiến vào khu vực điểm cao 477 (chiều tối ngày 6.10) liền bị quân ta từng bước khép chặt vòng vây. Chỉ có một bộ phận địch phản kích, còn số đông tháo chạy nhưng cuối cùng, chiều hôm sau binh đoàn này đã bị ta tiêu diệt hoặc bị bắt, một số nhỏ tàn quân khác thì lẩn lút trong rừng. Đó cũng là thời điểm “cánh quân cứu hỏa De la Beaume” phải "đằng sau quay" và tháo chạy. Sau hai ngày lẩn trốn, chiều ngày 9, đến lượt Lepage bị bắt cùng với một số sĩ quan tùy tùng. Tối hôm đó, tại trại tù binh, cuộc hội ngộ Lơpagiơ - Sactong được báo chí Pháp sau này gọi là một cuộc hẹn hò kỳ lạ (un étrange rendez-vous).
Cả hai binh đoàn địch đã bị tiêu diệt chỉ sau 8 ngày chống đỡ trong tuyệt vọng. Phòng tham mưu chuyển lệnh cho các đơn vị gấp rút củng cố lực lượng để xuống cùng với Trung đoàn 174 chuẩn bị tiến công Thất Khê. Chỉ một bộ phận nhỏ ở lại truy lùng tàn binh của Sactong. Đây được coi là đợt 3 của chiến dịch đánh địch.
Nhưng sáng ngày 10.10 có tin kỹ thuật báo cáo: địch đã rút khỏi Thất Khê (cùng ngay với việc rút khỏi Thái Nguyên). Sau Thất Khê là cả một cuộc tháo chạy dây chuyền liên tiếp khỏi Na Sầm (14.10), Đồng Đăng (17.10), Lạng Sơn - Lạng Giai (18.10), Lộc Bình - Đình Lập (20.10), An Châu (23.10). Chỉ trong vòng hơn một tuần lễ, tuyến phòng thủ của địch trên đường số 4 bị rút ngắn thêm trên 100 kilômét. Do tinh thần địch hoảng loạn sau khi hai binh đoàn bị tiêu diệt, cuộc tháo chạy đã diễn ra hoàn toàn ngoài dự kiến của cơ quan tham mưu chiến dịch. Địch tháo chạy nhanh hơn nhiều so với dự kiến của quân ta. Điều đó giải thích vì sao các đơn vị bỏ lỡ nhiều cơ hội diệt địch, điểu hình là sáng ngày 10.10. Hôm đó, địch vừa ra khỏi Thất Khê thì hàng ngàn tên đã bị dồn đống ở bắc sông Kỳ Cùng chỉ trong mấy giờ đồng hồ, vì cầu bản Trại vừa bị công binh Đại đoàn 308 của ta đánh sập từ đêm trước.
Chủ động kết thúc chiến dịch
Nhận thấy bộ đội đã trải qua gần nửa tháng vận động chiến đấu liên tục trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địa hình phức tạp, sức khỏe đã giảm sút nhiều, khả năng truy kích hạn chế, Tham mưu trưởng chiến dịch Hoàng Văn Thái báo cáo và đề nghị Chỉ huy trưởng và Bộ Chỉ huy chiến dịch cho kết thúc chiến dịch vào ngày 14.10.
Nhìn lại cả 5 năm đầu kháng chiến chống Pháp, lần đầu tiên chỉ trong một mùa khô, trên chiến trường toàn quốc, quân ta đã diệt và bức hàng, bức rút 217 cứ điểm địch, giải phóng 17 thị trấn và nhất là 5 thị xã có tầm quan trọng khác nhau về chiến lược như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Lao Cai, Hòa Bình. Căn cứ địa kháng chiến được mở rộng thêm chừng 4.000 km2.
Thắng lợi có tầm quan trọng về chiến lược của chiến dịch, làm thay đổi hẳn cục diện chiến trường, nhất là chiến trường chính Bắc Bộ, tạo nên bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn tiến công và phản công chiến lược.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.