"Công chức, đảng viên không bị kỷ luật nếu sinh con thứ 3 là bước đi linh hoạt" (Bài 2)
"Công chức, đảng viên không bị kỷ luật nếu sinh con thứ 3 là bước đi linh hoạt" (Bài 2)
Gia Khiêm
Thứ ba, ngày 31/12/2024 13:00 PM (GMT+7)
Đó là chia sẻ của PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội với PV Dân Việt trước đề xuất chính sách mới liên quan đến việc sinh con thứ 3 của Bộ Y tế.
Ngày 31/12, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc mức sinh thay thế ở Việt Nam giảm xuống chỉ còn 1,91 con/phụ nữ vào năm 2024 là một tín hiệu đáng lo ngại, nhất là khi xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài.
"Đây không chỉ là con số thống kê mà còn là lời cảnh báo về những thách thức mà chúng ta phải đối mặt, từ nguy cơ già hóa dân số đến sự thiếu hụt nguồn lao động trong tương lai. Tôi nhận thấy đề xuất của Bộ Y tế về việc công chức và đảng viên sẽ không bị kỷ luật nếu sinh thêm con, là một bước đi linh hoạt và cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Chúng ta cần sự thay đổi để tháo gỡ những rào cản tâm lý lâu nay và khuyến khích các gia đình cân nhắc việc sinh thêm con", ông Sơn nêu quan điểm.
Cũng theo ông Sơn, đề xuất này sẽ có tác động quan trọng với những đối tượng như công chức và đảng viên, những người thường chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các quy định và chế tài trước đây.
"Tôi cho rằng nếu đề xuất này được thông qua sẽ góp phần thay đổi nhận thức trong xã hội, từ việc hạn chế sinh con sang việc xem trọng việc sinh đủ hoặc sinh thêm con để đảm bảo cân bằng dân số. Tuy nhiên, sự thay đổi này cần được hỗ trợ bởi các chính sách đồng bộ khác như cải thiện phúc lợi xã hội, hỗ trợ nuôi dạy con, và giảm áp lực kinh tế cho các gia đình.
Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu không chỉ là tăng mức sinh mà còn đảm bảo chất lượng cuộc sống cho thế hệ tương lai. Tôi tin rằng đây là một hướng đi đúng đắn, vừa kịp thời, vừa thể hiện sự linh hoạt của các nhà làm chính sách trước những thách thức lớn về dân số và phát triển bền vững", ông Sơn đánh giá.
Đồng quan điểm trên, trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ Mai Xuân Phương, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế) cho hay, việc Bộ Y tế đề xuất không kỷ luật cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 trong bối cảnh mức sinh giảm liên tục có thể mang lại một số lợi ích trong tình hình hiện tại, nhưng cũng cần xem xét các khía cạnh khác để đánh giá toàn diện.
Ông Phương nêu ra lợi ích của đề xuất này.
Thứ nhất thúc đẩy mức sinh: Gỡ bỏ rào cản tâm lý và pháp lý đối với cán bộ, Đảng viên có mong muốn sinh thêm con, từ đó khuyến khích gia tăng mức sinh. Giúp điều chỉnh mức sinh trong bối cảnh nhiều địa phương, đặc biệt ở khu vực đô thị và kinh tế phát triển, đang đối mặt với tình trạng sinh thấp.
Thứ 2, đảm bảo công bằng: Tránh tình trạng phân biệt giữa cán bộ, Đảng viên và người dân bình thường trong việc thực hiện chính sách dân số. Góp phần giảm áp lực và gánh nặng tâm lý cho cán bộ, Đảng viên khi quyết định sinh thêm con.
Thứ 3, ứng phó với già hóa dân số: Tăng số trẻ em trong tương lai để bổ sung lực lượng lao động, giảm áp lực lên hệ thống an sinh xã hội và cân bằng tỷ lệ dân số trong dài hạn.
Cụ thể, thứ nhất, khả năng hiệu quả không đồng đều. Đề xuất này có thể không tác động nhiều đến nhóm người dân ngoài cán bộ, đảng viên, do đó mức sinh chung có thể không tăng đáng kể nếu không đi kèm các chính sách hỗ trợ toàn diện hơn.
Thứ 2, áp lực kinh tế. Dù được khuyến khích, nhiều gia đình vẫn ngần ngại sinh thêm con do lo ngại về chi phí nuôi dạy, giáo dục và chăm sóc y tế.
Thứ 3, nguy cơ bất bình đẳng. Nếu chính sách chỉ áp dụng cho cán bộ, đảng viên mà không mở rộng ra toàn xã hội, có thể gây cảm giác bất công cho các nhóm dân cư khác.
Thứ 4, cần thay đổi tư duy xã hội. Việc tăng mức sinh không chỉ phụ thuộc vào việc gỡ bỏ các quy định mà còn cần thay đổi nhận thức xã hội về giá trị của gia đình đông con trong bối cảnh hiện đại.
"Với tinh thần đó, việc đề xuất này có thể là một bước đi tích cực và phù hợp trong ngắn hạn để ứng phó với tình trạng mức sinh giảm, đặc biệt ở những khu vực có mức sinh thấp. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả lâu dài, cần triển khai đồng bộ các chính sách khác như hỗ trợ tài chính, cải thiện hệ thống giáo dục, y tế và xây dựng môi trường thân thiện với gia đình.
Điều quan trọng là đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong việc thực hiện chính sách, tránh gây ra sự chia rẽ hoặc bất bình trong xã hội", ông Phương nhấn mạnh.
Không khuyến sinh nhanh, hậu quả rất nặng nề
Theo ông Phương, năm 2024 mức sinh trên toàn quốc chỉ đạt 1,91 con/phụ nữ. Đây cũng là mức thấp nhất trong lịch sử và ngược xu hướng sinh nhiều vào năm đẹp như Rồng. Ông lo ngại, mức sinh thấp ở Việt Nam có thể dẫn đến nhiều hậu quả đáng kể, tác động sâu rộng đến các khía cạnh kinh tế, xã hội và văn hóa của một quốc gia.
Với tư cách là một chuyên gia, ông Phương mạnh dạn nêu một số các tác động chính.
Thứ nhất về dân số: Việc giảm mức sinh thay thế khiến già hóa dân số. Theo đó, khi mức sinh thấp kéo dài, tỷ lệ người cao tuổi trong dân số sẽ tăng, trong khi số lượng người trẻ giảm, dẫn đến dân số già hóa nhanh chóng. Cùng với đó, thu hẹp quy mô dân số, số lượng dân giảm dần qua các thế hệ, ảnh hưởng đến khả năng phát triển lâu dài của quốc gia.
Thứ 2, thiếu hụt lao động. Lực lượng lao động giảm sút do số người trong độ tuổi lao động giảm, gây khó khăn cho các ngành công nghiệp và dịch vụ.
Áp lực lên hệ thống an sinh xã hội, tỷ lệ người cao tuổi tăng dẫn đến chi phí chăm sóc sức khỏe, lương hưu và phúc lợi xã hội tăng, tạo gánh nặng cho ngân sách quốc gia.
Giảm năng suất và tăng trưởng kinh tế, thiếu nhân lực trẻ có thể làm giảm động lực đổi mới và phát triển kinh tế.
Thứ 3, về xã hội: Thay đổi cấu trúc gia đình. Gia đình ít con hoặc không có con trở nên phổ biến, dẫn đến sự suy giảm trong hỗ trợ gia đình và mối liên kết giữa các thế hệ; gia tăng áp lực lên thế hệ trẻ, người trẻ sẽ phải gánh vác trách nhiệm kinh tế và chăm sóc nhiều hơn cho thế hệ lớn tuổi.
Thứ 4, về văn hóa: Mai một truyền thống gia đình.
Khi sinh ít con, các giá trị truyền thống liên quan đến gia đình đông con, sum họp có thể bị phai nhạt; giảm tính đa dạng văn hóa, sự giảm sút dân số có thể ảnh hưởng đến các nhóm dân tộc thiểu số, dẫn đến nguy cơ mất đi những giá trị văn hóa đặc thù.
Thứ 5, về chính trị: Mất cân bằng quyền lực quốc tế.
Những quốc gia có mức sinh thấp có thể mất đi vị thế cạnh tranh trong khu vực và quốc tế do suy giảm dân số và nguồn lực; áp lực chính sách, Chính phủ phải điều chỉnh nhiều chính sách, từ khuyến khích sinh đẻ đến cải cách an sinh xã hội và nhập cư.
Trước những tác động trên, ông Phương cho rằng, trước mắt chúng ta cần có những giải pháp đối phó. Để giảm thiểu hậu quả, các quốc gia thường triển khai các chính sách như khuyến khích sinh đẻ qua các chính sách hỗ trợ tài chính, giáo dục và chăm sóc trẻ em. Việc này không hề dễ chút nào và trên thực tế chưa có nước nào trên thế giới thành công về khuyến sinh.
"Bên cạnh đó, cải cách hệ thống an sinh xã hội để thích ứng với già hóa dân số. Thu hút lao động nhập cư để bổ sung nguồn nhân lực. Mức sinh thấp là một thách thức lớn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và xã hội để đảm bảo phát triển bền vững…", ông Phương nói thêm.
Khuyến sinh - "cuộc chiến" lâu dài và cần nhiều giải pháp (Bài 3)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.