Ông Vũ Oanh kể về câu chuyện xuyên suốt của đời ông với PV Dân Việt.

"Công dân Thủ đô ưu tú" 2020 - Vũ Oanh: Chứng nhân một thời oanh liệt của Hà Nội - Ảnh 2.

Tháng 10/2020, hòa trong không khí Thủ đô Hà Nội ngập tràn trong sắc hoa và không khí của những ngày lễ lớn. Chúng tôi tìm đến căn hộ tập thể của ông Vũ Oanh trong một con ngõ ở phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội). Căn hộ đã nhuốm màu thời gian được bao bọc xung quanh bởi cây trái xanh mướt và những bông hoa đầy màu sắc.

Năm nay đã 97 tuổi, sức khỏe của ông có phần giảm sút nhiều nhưng ông vẫn dành thời gian tiếp đón chúng tôi hết sức cởi mở và thân tình. "Hôm qua tôi vừa tiếp một đoàn phóng viên quay phim. Nay tiếp các cháu, chiều lại có lịch… nhưng vui lắm, đến tuổi này rồi vẫn được các nhà báo quan tâm", ông Vũ Oanh mở đầu câu chuyện.

"Công dân Thủ đô ưu tú" 2020 - Vũ Oanh: Chứng nhân một thời oanh liệt của Hà Nội - Ảnh 3.

Trong câu chuyện dài nhiều giờ đồng hồ, chúng tôi thật sự bất ngờ trước giọng nói say sưa và trí nhớ diệu kỳ của vị Chủ tịch đoàn Thanh niên thành Hoàng Diệu hơn 70 năm về trước.

Hồi tưởng lại quá khứ hào hùng của một thời tuổi trẻ, ông vẫn nhớ như in những năm tháng hoạt động cách mạng nhiệt huyết như rằng ông cất giữ thời quá khứ trong trí nhớ, chỉ cần khơi lại nó sẽ như dòng suối nguồn tuôn chảy không ngừng nghỉ.

Thưa ông, được biết, có một lời "tiên tri" rằng ông chỉ sống được đến năm 40 tuổi. Thực hư câu chuyện này là như thế nào?

Trước kia tôi hoạt động cách mạng ở vùng Kim Bôi – Hạ Bì (Hòa Bình) bị "muỗi sốt rét" cực kì độc đốt. Ngay sau đó được các y bác sĩ hàng đầu của quốc gia cứu chữa. Họ bảo rằng tôi đã mắc phải một căn bệnh éo le, gan bị sơ nên phải cắt một bên mật đi để chữa trị. Từ đây, các bác sĩ cũng bảo tôi chỉ sống được đến năm 40 tuổi… Ấy vậy mà tôi vẫn sống đến giờ! Nhiều người ngạc nhiên nhưng tôi nghĩ đây là cái tình cờ của lịch sử tôi vượt qua được.

Vậy chắc hẳn ông có chế độ sinh hoạt và ăn uống riêng của mình?

Đúng vậy! Hàng ngày tôi chỉ ăn cháo có ruốc cá và hoa quả. Tôi không ăn được cơm vì khó tiêu mà không tiêu được thì chỉ có… Cùng đó, hàng ngày tôi vẫn đi lại, đọc sách báo, để khỏi bị ngã lúc đi lại phải có người dìu hoặc chống gậy. Nhiều người ngạc nhiên khi tôi sống đến bây giờ khi đã 97 tuổi (cười).

Ông nói chuyện với chúng cháu như này có mệt không ạ?

(cười). Thỉnh thoảng ngồi hay bị đau lưng! (rồi tiếp tục say sưa nói…)

"Công dân Thủ đô ưu tú" 2020 - Vũ Oanh: Chứng nhân một thời oanh liệt của Hà Nội - Ảnh 3.

Ông Vũ Oanh nhiều lần nhắc rằng, nếu "không có Bác Hồ, ông không thể sống được đến ngày hôm nay". Bởi lẽ, ông làm Cách mạng đúng vào lúc Bác Hồ về, việc đổi mới tư duy rất quan trọng. "Bác Hồ đặt vấn đề giải phóng dân tộc là trên hết, trước hết, thành ra tôi mới vào cuộc nắm ngọn cờ dân tộc tuyên truyền cho học sinh, các em mới theo. Sau này mới có những người bạn đồng hành; mấy trăm anh em cán bộ cùng làm việc với mình, ăn cơm nhà làm việc nước.

Nếu không say sưa, không đồng ý với chủ trương giải phóng dân tộc trên hết của Đảng, của Bác Hồ thì tôi không thể nào làm cách mạng tháng Tám được. Cho nên nếu không có Bác Hồ thì cũng không có tôi ngày hôm nay. Có Bác Hồ, có chủ trương đúng thì tôi và rất nhiều người khác làm theo và thành công", ông Vũ Oanh nói.

img
img
img
img
img

Dù đã 97 tuổi nhưng hàng ngày ông Vũ Oanh vẫn dành hàng giờ đồng hồ để đọc sách, báo.

 Kể về quá trình đi theo cách mạng của mình, ông Vũ Oanh cho hay, năm 12 tuổi, ông được người anh ruột là Vũ Duy Hiệu (vốn là một chiến sĩ cộng sản mới thoát khỏi nhà tù Côn Đảo trở về nhà dạy học và tuyên truyền vận động cách mạng) thường xuyên "giác ngộ" và dạy những bài học "vỡ lòng" về lòng yêu nước, về những chiến sĩ cộng sản.

"Các buổi chiều thứ bảy anh Hiệu về nhà thường dắt tay tôi đi quanh sân và giảng về lòng yêu nước, sự bóc lột đến tận xương tủy của bọn thực dân Pháp xâm lược, về nỗi nhục nước mất nhà tan", ông Vũ Oanh nói về quá trình được "vận động" theo cách mạng thuở bé.

"Công dân Thủ đô ưu tú" 2020 - Vũ Oanh: Chứng nhân một thời oanh liệt của Hà Nội - Ảnh 6.

Năm 15 tuổi (1939), khi lên học trường Bưởi (tức trường Chu Văn An, Hà Nội hiện nay), cậu trai Vũ Oanh đã tìm hiểu và bí mật gặp gỡ, vận động các bạn thân ủng hộ và tham gia cách mạng. Bởi những bài học "vỡ lòng" của anh trai Vũ Duy Hiệu luôn thôi thúc tâm hồn trẻ trung, sôi nổi của Vũ Oanh, cùng đó là việc hàng ngày phải chứng kiến cảnh tàn bạo của bọn thực dân Pháp  xâm lược và sớm nhận ra được thân phận nô lệ của người dân mất nước.

Trong quá trình học tập, Vũ Oanh tìm hiểu và phát hiện nhiều bạn, kể cả con nhà giàu có nhưng rất có tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, tỏ ra phẫn nộ trước sự tàn ác của thực dân Pháp. 

Tháng 9/1940, Vũ Oanh cùng một số các bạn trong trường lập ra tổ chức bí mật học sinh trường Bưởi và lấy tên là Đội Ngô Quyền. 

Ban đầu, Đội có 8 người do Vũ Oanh làm đội trưởng. Chỉ trong thời gian ngắn, Đội đã phát triển lên 40 người và gia nhập Đoàn Rồng, một tổ chức học sinh được nhà trường cho phép hoạt động công khai. Phương thức hoạt động của nhóm là: Giúp nhau học tập, tích cực rèn luyện sức khỏe, hướng dẫn cách ăn uống điều độ, ăn nhiều rau, nhiều chuối, ăn ít thịt, thỉnh thoảng tham quan thắng cảnh…

img
img

Ông Vũ Oanh đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng và nhiều Huân chương cao quý khác.

Kể từ đó, Vũ Oanh lợi dụng vỏ bọc đó để Đội Ngô Quyền có điều kiện tuyên truyền hoạt động… Ông bí mật chuyền tay các bạn những cuốn sách về Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Ái Quốc và làn sóng đỏ, về nguyên lý hoạt động của chủ nghĩa Mác… nhằm cho các bạn làm quen với những luồng tư tưởng cách mạng mới. Người đội trưởng giàu chí khí ấy luôn dìu dắt Đội xung kích đi đầu trong các hoạt động cách mạng và luôn cố gắng bắt liên lạc với tổ chức của Đảng.

"Công dân Thủ đô ưu tú" 2020 - Vũ Oanh: Chứng nhân một thời oanh liệt của Hà Nội - Ảnh 8.

Sau đó, Vũ Oanh được kết nạp vào Đoàn Thanh niên cứu quốc (TNCQ) thuộc Mặt trận Việt Minh tại Hà Nội. Một thời gian sau, lần lượt các đội viên Đội Ngô Quyền của trường Bưởi đã được Vũ Oanh giới thiệu vào Đoàn TNCQ. Vũ Oanh được cử làm Bí thư Ban chấp hành Đoàn TNCQ Hà Nội.

Đặc biệt, tháng 9/1942, tại điếm canh đê huyện Gia Lâm, Vũ Oanh cùng Hoàng Văn Khánh đã vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là bước ngoặt lớn trong cuộc đời của ông. Từ những hạt giống này, ngọn lửa cách mạng âm ỉ mỗi ngày một lan rộng trong phong trào thanh niên, học sinh Hà Nội.

Tháng 8/1943, Chi bộ Đảng trong tổ chức TNCQ được thành lập. Vũ Oanh được cử làm Bí thư Chi bộ khi vừa tròn 20 tuổi. Trong vai trò Bí thư, ông đề xuất với Ban cán sự Đảng TP.Hà Nội nhanh chóng thành lập Đội "Thanh niên tuyên truyền xung phong (TNTTXP) thành Hoàng Diệu" vào tháng 5/1944.

Đề nghị của ông được chấp thuận và ông cũng được phân công là Ủy viên Ban cán sự phụ trách công tác vận động thanh niên, trực tiếp làm nhiệm vụ xây dựng tổ chức Đội TTTTXP  thành Hoàng Diệu.

Vũ Oanh đã đích thân mời Hà Minh Tuân là học sinh trường Bưởi mới được kết nạp vào Đảng làm Đội trưởng gồm 5 đội viên, tất cả đều ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi. Vũ Oanh luôn theo sát các hoạt động của Đội, cùng lên kế hoạch, giao việc cho từng người, triển khai công tác tuyên truyền. Sau một thời gian hoạt động thắng lợi ở ngoại thành, Đội đã lập phương án táo bạo vào giữa lòng Hà Nội tổ chức tuyên truyền công khai.

Đội TNTTXP thành Hoàng Diệu hoạt động ngày càng sôi nổi và phát triển mạnh. Các hoạt động tuyên truyền của Đội không ngừng được đẩy mạnh, gây ảnh hưởng lớn trong thành phố…

"Công dân Thủ đô ưu tú" 2020 - Vũ Oanh: Chứng nhân một thời oanh liệt của Hà Nội - Ảnh 4.

Ở tuổi 97, dường như thời gian không ngăn được trí tuệ cùng nhiệt huyết của người chiến sĩ thành Hoàng Diệu năm xưa. Ông Vũ Oanh nhớ như in những ngày đầu khi ông đứng ra thành lập Đội TNTTXP thành Hoàng Diệu và tổ chức nhiều hoạt động cho tới khi tiến tới giành chính quyền. "Hà Nội là Thủ đô nên phải làm trách nhiệm giành chính quyền. Tôi hoạt động ở Hà Nội, trong mặt trận Việt Minh nên thấy trách nhiệm phải tuyên truyền để người Hà Nội hiểu Việt Minh, ủng hộ Việt Minh, theo Việt Minh. Tôi nghĩ phải thành lập một Đội lấy tên là Đội tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu, tuyên truyền là chính, quy tụ các anh em trẻ trí thức…", ông Vũ Oanh nhớ lại.

"Công dân Thủ đô ưu tú" 2020 - Vũ Oanh: Chứng nhân một thời oanh liệt của Hà Nội - Ảnh 10.

Ngưng một lúc, ông Vũ Oanh kể, lúc đầu, chỉ có vài thành viên, sau một thời gian đã quy tụ được vài chục người. "Tôi bàn với anh em làm địa bàn dễ trước, khó sau. Hoạt động ở những nơi địch dễ sơ hở. Làm ở ngoại thành hiệu quả thì chuyển vào nội thành. 

Ví dụ hoạt động trên toa xe lửa, nói với người cầm lái chúng tôi là Việt Minh, tuyên truyền cho bà con… Bà con ủng hộ, các thành viên xuất quỷ nhập thần. Hoạt động sôi nổi tại các nhà hát những nơi tập trung đông người và ảnh hưởng rất lớn…".

Sau khi đảo chính Pháp, phát xít Nhật tăng cường lực lượng mật thám, tay sai ngày đêm vây ráp, dùng mọi thủ đoạn nham hiểm nhằm tiêu diệt lực lượng Việt Minh. Nhiều cán bộ, đảng viên bị bắt, bị tra tấn, tù đày. 

Trước tình hình đó, ông Vũ Oanh đề xuất với Thành ủy Hà Nội cho thành lập Đội vũ trang đặc biệt để tiễu trừ những tên Việt gian đầu sỏ nguy hiểm. 

Đề xuất trên được chấp thuận, ông được giao nhiệm vụ thành lập và phụ trách Đội vũ trang đặc biệt, còn gọi là Đội danh dự Việt Minh. Những chiến công vang dội của Đội danh dự Việt Minh càng làm cho nhân dân cảm phục, tạo được thanh thế, làm cho uy tín của Việt Minh càng được nâng cao.

Sự kiện mà ông Vũ Oanh nhớ nhất là thời điểm chuẩn bị giành chính quyền, những thành viên Đội TNTTXP thành Hoàng Diệu (sau đổi tên thành Đoàn TNTTXP thành Hoàng Diệu) đã tham gia cướp diễn đàn và biến trở thành một cuộc mit tinh ủng hộ Việt Minh: "Hồi đó, tôi phụ trách phong trào Hà Nội. Địch tổ chức mit tinh, tuyên truyền ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim. Thanh niên Hoàng Diệu tham gia cướp diễn đàn, biến cuộc mít tinh thành cuộc biểu tình ủng hộ  Việt Minh. Tạo bước nhảy vọt tiến tới Tổng khởi nghĩa..".

Khi Hà Nội được giải phóng, ông Vũ Oanh không có mặt ở Thủ đô vào thời điểm đó vì đang nhận nhiệm vụ ở một địa bàn khác. Nhưng mỗi khi tới ngày kỷ niệm 10/10, những ký ức lịch sử lại tràn về đan  xen niềm hạnh phúc vì được chứng kiến những đổi thay của Hà Nội hôm nay: "Những ngày kỷ niệm, với tôi, thật sự quý giá. Còn  được sống trên đời thực sự là niềm hạnh phúc. Bởi đây là sự động viên mình, mình được chứng kiến sự đổi thay của Hà Nội, của  đất nước ngày một  đi lên…".

"Công dân Thủ đô ưu tú" 2020 - Vũ Oanh: Chứng nhân một thời oanh liệt của Hà Nội - Ảnh 11.

Thưa ông có thể nói ông đã "lập công" rất lớn trong việc Cách mạng tháng Tám năm 1945?

Đúng vậy! Thứ nhất, tôi lập Đoàn TNTTXP thành Hoàng Diệu cứ đi tuyên tuyền hết sức rộng rãi trong dân rằng: "Chúng ta phải độc lập, không thể nào cứ làm nô lệ mãi…". Thứ hai, tôi lập đội danh dự giết một số việt gian thân Pháp và thân Nhật. Tôi làm 2 việc đấy thế mà tôi thành công, nếu tôi không làm 2 việc đó thì cách mạng không thành công được. Như vậy là tôi đã góp phần rất lớn cho Hà Nội.

 Thưa nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Vũ Oanh, có thể nhận thấy ông đã có những đóng góp to lớn cho quá trình xây dựng và phát triển của Hà Nội. Đặc biệt, mới đây vào tháng 5/2020 ông đã đóng góp vào Dự thảo Báo cáo chính trị của thành phố Hà Nội. Trong đó, ông cho rằng chủ đề Đại hội cần làm sâu sắc về yếu tố "Anh hùng". Vì sao ông lại quan tâm đến điều này?

Tôi cho rằng Hà Nội cần làm sâu sắc yếu tố "anh hùng". Bởi vì có một vấn đề hết sức lớn, đó là đế quốc Mỹ vì lợi ích của họ đã cùng Pháp đánh chúng ta. Bác Hồ đã tiên đoán trước "thể nào Mỹ cũng đem bom B52 đánh phá Hà Nội. Nếu mình đánh thắng thì Mỹ mới ký quyết định rút lui". Và điều này đã trở thành hiện thực, tuy nhiên trong báo cáo chính trị Hà Nội không nói gì đến những truyền thống lịch sử chiến thắng B52 đã qua.

Thời điểm đó Hà Nội và Hải Phòng bị ném bom nặng nề, "Mỹ như tận diệt" hai thành phố này của ta... Cho nên khi đóng góp vào báo cáo chính trị của Hà Nội tôi đã thẳng thắn cho rằng Hà Nội phải thêm vào yếu tố "văn hiến" và "anh hùng". Việc chiến thắng B52 là một chiến thắng cực kỳ lớn của Hà Nội.

Máy bay chiến lược B52, vốn được mệnh danh là "Siêu pháo đài bay"; cao hơn 12 mét, dài hơn 49 mét, sải cánh hơn 56 mét và nặng trên 200 tấn. Một chiếc B52 có thể mang 30 tấn bom, bay cao 20 km và liên tục 20.000 km, không cần tiếp nhiên liệu. Với những tính năng ưu việt và được đội hình máy bay tiêm kích, máy bay gây nhiễu điện tử dày đặc bảo vệ, B52 là "con quái vật" rất khó bị tiêu diệt... Song, trong 12 ngày đêm kiên cường chiến đấu, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã đập tan cuộc tập kích chiến lược của không quân Mỹ. Tổng số 81 máy bay Mỹ trong đó có 34 chiếc B52, 5 chiếc F111A, 21 chiếc F4C-E... đã tan xác trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng...; hàng trăm giặc lái bị tiêu diệt hoặc bị bắt sống).

"Công dân Thủ đô ưu tú" 2020 - Vũ Oanh: Chứng nhân một thời oanh liệt của Hà Nội - Ảnh 6.

Trong sự nghiệp của mình, dù phụ trách lĩnh vực hoạt động nào, từ quân đội đến công tác tổ chức, dân vận của Ðảng; công tác mặt trận... ông luôn trăn trở tìm giải pháp góp phần hoàn thiện mục tiêu xây dựng đất nước độc lập dân tộc gắn với xây dựng CNXH, hướng tới "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

"Công dân Thủ đô ưu tú" 2020 - Vũ Oanh: Chứng nhân một thời oanh liệt của Hà Nội - Ảnh 14.

Ông Vũ Oanh giới thiệu với PV Dân Việt những "kỷ vật" được bạn bè, đồng đội tặng được cất giữ trang trọng trong ngôi nhà của mình.

Đặc biệt, ông từng kinh qua các chức vụ như Cục trưởng Cục Binh vận, Địch vận; 25 năm làm Phó ban Tổ chức Trung ương Đảng; Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương; Trưởng ban Kinh tế Trung ương…

Cả cuộc đời, ông thường xuyên nghiền ngẫm Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhận thấy còn rất nhiều việc phải làm. Bởi thế, sau khi về hưu, ông vẫn liên tục làm việc và có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố, huy động sự cộng tác xây dựng Hội Khuyến học, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

"Công dân Thủ đô ưu tú" 2020 - Vũ Oanh: Chứng nhân một thời oanh liệt của Hà Nội - Ảnh 15.

Kết thúc nhiệm vụ cùng cả nước giúp nhân dân Campuchia hồi sinh dân tộc, tôi về làm Phó Trường ban Thường trực Ban tổ chức T.Ư Đảng phụ trách xây dựng chi bộ nông thôn. Từ đây tôi phát hiện ra rằng một số nơi thực hiện đường lối hợp tác hóa của Đảng quá nóng vội đưa quy mô hợp tác xã  lên toàn xã, thực hiện cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp.

Trong khoán, mục đích của lao động là công, điểm, không phải là kết quả lao động. Làm dối, làm ẩu mất ít thời gian thì được nhiều công, điểm, làm mất nhiều thời gian thì được ít công điểm… Sau khi đi sâu vào tìm hiểu và nhận thấy rằng nếu cứ để như vậy thì nông dân không thể phát triển được. Bắt quần chúng cứ làm thế thì không được.

Theo đó, tôi quyết định đồng tình quan điểm cần "khoán sản phẩm đến người lao động" vì suy cho cùng mục đích của Đảng là mang lại đời sống tốt đẹp cho dân.

Tôi làm việc này vô cùng gian khổ, việc thay đổi khoán sản phẩm trong nông nghiệp làm sao cho phù hợp với thực tế, mang lại hiệu quả cao tạo đời sống ấm no, tốt đẹp cho nhân dân. Nhưng thời điểm đó đồng chí Trưởng ban nông nghiệp phản đối tôi rất ghê gớm, ông không cùng quan điểm với tôi.

Tôi đã đưa ra Ban bí thư và được Ban bí thư đồng ý nhưng đồng chí trưởng ban này vẫn phản đối. Và bảo rằng, đây là việc của cơ sở phải để cơ sở đồng ý, cho nên đã yêu cầu tôi lấy ý kiến các chi bộ, lúc này các chi bộ đồng loạt nhất trí đồng ý với cách làm của tôi. Tuy nhiên, sau đó, đồng chí này lại bảo rằng đây là việc của dân phải lấy ý kiến dân, phải đưa cho dân biểu quyết, khi đưa cho nhân dân biểu quyết thì đồng ý hết. Nhưng ông vẫn không hài lòng. Việc này tôi trăn trở ghê lắm, làm rất gian truân. Nhưng càng vấn đề khó càng bắt tôi làm vì tôi là người làm được việc, trẻ, năng nổ, đặc biệt là làm việc có lợi cho nhân dân.

Có thể khẳng định, tôi làm chỉ thị 100 để cứu vãn đất nước không thì đất nước tan rã bởi vì lúc đó nhân dân đói mà đói thì lòng dân không an…nên tôi làm Chỉ thị 100 để cho dân được no, có ăn, có mặc. Cuối cùng, khi Chỉ thị 100 được ban hành, đất nước ta từ chỗ thiếu gạo đến xuất khẩu được 3 triệu tấn. Và tôi đã làm được đến như vậy thời bấy giờ. Từ đó đến nay đời sống bà con nông dân mình bắt đầu khởi sắc.

"Công dân Thủ đô ưu tú" 2020 - Vũ Oanh: Chứng nhân một thời oanh liệt của Hà Nội - Ảnh 16.

Dân mình nông dân là chính, là đông nhất mà có bao nhiêu nông dân là vào hết hợp tác xã nhưng hợp tác xã làm ăn không tốt thì tự nhiên dân đói. Thế nên sau khi bắt tay vào nghiên cứu tôi làm Chỉ thị 100 khoán thành phẩm thì dân bắt đầu dân được no, thừa lương thực để xuất khẩu. Có thể nói, Chỉ thị 100 đã tạo nên thành công cho quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp, là tiền để tạo niềm tin, động lực cho tiến trình đổi mới thành công cơ chế quản lý kinh tế đất nước sau này.

Kết thúc cuộc trò chuyện với ông Vũ Oanh, chúng tôi hỏi ông về câu chuyện tình của ông với bà Chu Sa – vợ của ông Vũ Oanh, ánh mắt của ông rực sáng, miệng khẽ nở nụ cười. 

Ông kể: Bà Chu Sa sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng từ lúc chưa đầy 15 tuổi. Hai người quen biết nhau  cũng chính từ những lần cùng tham gia các hoạt động yêu nước. Rồi dần dà, cô thiếu nữ Hà Thành Chu Sa bén duyên với ông Vũ Oanh nhờ anh rể và hai chị gái hết lòng tác hợp. Sau hơn 3 năm tìm hiểu, đến năm 1950 hai ông bà chính thức nên duyên, một đám cưới đám cưới nho nhỏ mới được tổ chức. Cưới nhau được 2 ngày, mỗi người lại  tiếp tục công việc  hoạt động của mình.

Đến nay, ông bà có với 2 người con, tuy nhiên người con trai cả đã mất sớm. Bà Chu Sa mất năm 79 tuổi, ông Vũ Oanh sống với con gái còn các cháu đã lớn và lập nghiệp ở xa. "Tôi bây giờ quan tâm nhất là sức khỏe nên ăn uống phải cẩn thận theo hướng dẫn để dễ tiêu…Kỷ vật trong nhà là những quà tặng của mọi người là những câu đối, những bức ảnh, những huân, huy chương…", ông kết lại.

img
img

Ảnh lưu niệm ông Vũ Oanh chụp cùng gia đình.

Ông Vũ Duy Trương (tức Vũ Oanh), sinh năm 1924 - nguyên Trưởng ban liên lạc chiến sĩ Việt Minh thành Hoàng Diệu, nguyên Bí thư Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Từ năm 1941, ông tham gia Việt Minh, hoạt động trong Đoàn Thanh niên Cứu quốc. Tháng 3-1945, ông là Bí thư chi bộ Đoàn thanh niên cứu quốc của Thành ủy Hà Nội. Tổng khởi nghĩa nổ ra, ông được cử làm Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh thành Hoàng Diệu, phụ trách khối tự vệ thanh niên Hà Nội… Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa V, VI, VII; được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI, VII và Ủy viên Bộ Chính trị khóa VII, giữ các chức vụ: Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương, Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Tháng 10/2020 ông được thành phố Hà Nội vinh danh là 1 trong 10 "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2020.


Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem