Ngân hàng Nhà nước ngày 23/12 đã thông tin về diễn biến lãi suất của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng tháng 11/2024.
Theo đó, lãi suất tiết kiệm bằng VND bình quân của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,1- 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,0- 3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4-5,1%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,1-6,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,8-7,2%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Cuộc đua tăng lãi suất tiết kiệm
Còn theo khảo sát của PV, tính từ đầu tháng 12 đến nay, thêm hàng loạt ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm mức tăng phổ biến 0,3-0,5%.
Danh sách các ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm trong tháng 12 gồm: MB, Techcombank, BVBank, CB, Dong A Bank, VPBank, VIB, OCB, MSB, GPBank, TPBank, ABBank, IVB...
Hiện, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng đang phổ biến ở mức 5 - 5,5%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất mà ngân hàng áp dụng riêng cho khách VIP có thể lên tới 5,8-6,4%/năm.
Chia sẻ với PV, bà Trần Thị Khánh Hiền – Giám đốc Khối Nghiên cứu MBS thông tin, lãi suất tiền gửi bắt đầu tăng trở lại vào tháng 4 do việc rút dần tiền gửi của công chúng khỏi hệ thống ngân hàng khiến huy động khó khăn. Xu hướng tăng trở nên rõ rệt hơn từ tháng 6, khi tăng trưởng tín dụng tăng tốc từ 3,4% vào cuối tháng 5 lên 6,1% vào cuối tháng 6. Tăng trưởng tín dụng vượt xa tăng trưởng huy động từ 2-3 lần đã thúc đẩy cuộc cạnh tranh tăng lãi suất tiền gửi, với một số ngân hàng vượt quá 6%/năm tại một số thời điểm.
Đồng quan điểm, song ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT, phân tích: Tính đến ngày 7/12, tăng trưởng tín dụng đạt 12,5%, tăng 0,6 điểm % chỉ trong một tuần. Điều này phản ánh nhu cầu tín dụng tăng tốc trong giai đoạn cuối năm, tạo điều kiện cho các ngân hàng cạnh tranh điều chỉnh lãi suất tiết kiệm nhằm thu hút nguồn vốn mới.
Ông Hinh dự báo lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân sẽ dao động từ 4,9% đến 5% vào cuối năm nay. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang trạng thái hút ròng với thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện đang ổn định, biểu hiện qua sự hạ nhiệt của lãi suất liên ngân hàng.
"Tính đến ngày 6/12, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng (257 triệu USD) khỏi hệ thống ngân hàng, khác biệt hoàn toàn so với giai đoạn đầu tháng 11 khi thanh khoản được bơm ròng lên mức cao nhất, vượt 70 nghìn tỷ đồng (2,7 tỷ USD). Lãi suất liên ngân hàng qua đêm giảm xuống 3,98% (tính đến ngày 9/12), cho thấy môi trường lãi suất VNĐ đang dần ổn định", ông Hinh thông tin thêm.
Bước sang năm 2025, ông Hinh dự báo dư địa điều hành chính sách tiền tệ của NHNN sẽ hạn chế hơn. Tuy nhiên, ông nhận định Ngân hàng Nhà nước khó có động cơ để tăng lãi suất điều hành, đặc biệt khi các ngân hàng trung ương khác trong khu vực có xu hướng cắt giảm lãi suất.
Mặc dù vậy, ông dự đoán lãi suất tiết kiệm sẽ tăng nhẹ, khoảng 0,3% trong năm 2025. Xu hướng này chủ yếu do nhu cầu tín dụng cao và áp lực tỷ giá kéo dài. Tuy nhiên, mức lãi suất tiết kiệm này vẫn thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19 (khi lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 6,8-7%/năm).
Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) nhận định rằng, khả năng giảm lãi suất trong thời gian tới là rất khó, thậm chí ông cho rằng có thể cần tăng nhẹ để duy trì ổn định. So với thời điểm trước đại dịch Covid-19, mặt bằng lãi suất hiện nay đã thấp hơn đáng kể. Nếu như trước đây, lãi suất tiết kiệm dao động từ 7 – 8%/năm, thì hiện chỉ khoảng 6%, thậm chí thấp hơn ở một số ngân hàng.
Ông Thế Anh nhấn mạnh, lãi suất phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó lạm phát là yếu tố then chốt. Hiện nay, Việt Nam đang tận dụng lợi thế từ hàng hóa và nguyên vật liệu giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc. Khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, giá hàng hóa giảm nhanh và duy trì ở mức thấp. Tương tự, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm cũng kéo giá hàng hóa xuống thấp.
Sắp tới, chính sách thuế của chính quyền Trump, với việc khuyến khích khai thác dầu đá phiến và chuyển đổi sang năng lượng thay thế, có thể tiếp tục duy trì giá nguyên liệu ở mức thấp. Điều này tạo điều kiện để chi phí sản xuất tại Việt Nam trở nên "dễ chịu" hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng tăng trưởng tín dụng và cung tiền của Việt Nam vẫn ở mức cao, điều này khiến lạm phát khó giảm xuống dưới 1 – 2%. Trong bối cảnh đó, việc duy trì lãi suất hiện nay ở mức ổn định là điều tốt, và không nên kỳ vọng lãi suất sẽ giảm sâu trong thời gian tới.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường của Chứng khoán VPBankS
"Lãi suất sẽ tăng dần vào nửa cuối năm 2025"
Mặt bằng lãi suất trong năm 2025 được giữ nguyên đã là một tín hiệu tích cực, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước đã linh hoạt trong việc điều tiết lãi suất liên ngân hàng và sử dụng các công cụ như phát hành tín phiếu để kiểm soát thanh khoản và duy trì ổn định tỷ giá trong năm 2024. Trong nửa đầu năm 2025, sự ổn định này có thể tiếp tục được giữ vững, đặc biệt trong bối cảnh thị trường quốc tế chưa có biến động lớn. Tuy nhiên, những biến động khó lường như sự tăng giá mạnh của đồng USD, lạm phát tăng cao trở lại hoặc tăng trưởng tín dụng bùng nổ có thể gây áp lực buộc Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh lãi suất dần tăng vào nửa cuối năm.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế
"Ngân hàng tăng huy động vốn tháng cuối năm để "đẩy" tín dụng"
Việc một số ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động thời gian có hai nguyên nhân, một là thanh khoản có vấn đề, hai là nợ xấu tăng cần có nguồn để bù đắp. Ngoài ra, không loại trừ ngân hàng tăng huy động vốn tháng cuối năm để "đẩy" tín dụng làm đẹp số liệu. Hiện đang là tháng cao điểm tín dụng của năm. Việc đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao năm nay sẽ là cơ sở thuận lợi để các ngân hàng được cấp hạn mức tín dụng cao trong năm tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.