Cuối năm doanh nghiệp địa ốc càng gặp khó

Quốc Hải Thứ hai, ngày 26/10/2020 06:48 AM (GMT+7)
Dòng tiền “tắc nghẽn” vẫn là một vấn đề của rất nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản hiện nay…
Bình luận 0

Tìm nguồn vốn để duy trì, phát triển dự án của nhiều DN địa ốc đang càng trở nên bức thiết, khi 3 quý vừa qua, trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19, các DN chủ yếu dựa vào nguồn vốn tích lũy nhưng nay đã dần cạn kiệt.

Doanh nghiệp địa ốc tiếp tục “gặp khó” trong quý 3 - Ảnh 1.

Dù dịch Covid-19, nhiều DN BĐS vẫn bung hàng trong quý 3/2020

Doanh nghiệp tiếp tục "hụt hơi" trong quý 3

Tại Công ty CP Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán NLG), trong quý 3 DN địa ốc này ghi nhận mức doanh thu là 683 tỷ đồng, tăng hơn 74% so với cùng kỳ; tuy nhiên lợi nhuận thuần giảm mạnh 76%, xuống chỉ còn 42 tỷ đồng. Theo giải trình, doanh thu quý 3 tăng mạnh do công ty đã hoàn tất chuyển nhượng bất động sản thuộc dự án Tân Thuận Đông, đạt 246 tỷ (chiếm 38% tổng doanh thu). Phần còn lại được đóng góp từ bàn giao căn hộ, biệt thự, sản phẩm đất nền là 43 tỷ (chiếm 6% doanh thu) và doanh thu dịch vụ tổng thầu, xây dựng với số tiền 344 tỷ đồng (chiếm 54%).

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, NLG ghi nhận tổng doanh thu 1.342 tỷ đồng; lợi nhuận thuần đạt 258 tỷ đồng, giảm 29,5% so với cùng kỳ. Kéo theo đó, LNST của NLG chỉ đạt 217 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ (cùng kỳ đạt đến 447 tỷ đồng).

Như vậy, so với kế hoạch 822 tỷ LNST đặt ra hồi đầu năm, kết thúc 9 tháng NLG mới chỉ thực hiện được hơn 26% chỉ tiêu cả năm 2020.

 "Ông lớn" Đất Xanh (Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh; DXG) cũng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 với doanh thu thuần đạt 797 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của công ty trên báo cáo tài chính công ty mẹ là hơn 32 tỷ đồng, giảm tới gần 86%; còn lợi nhuận sau thuế của công ty trên báo cáo tài chính hợp nhất là hơn 100 tỷ đồng, giảm gần 72% so với cùng kỳ. 

Lũy kế 9 tháng, doanh thu Đất Xanh đạt 1.876 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ âm 388 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 906 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp 9 tháng đầu năm của DXG âm 152 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lãi 1.354 tỷ đồng.

Tuy lợi nhuận quý 3 của DXG giảm 72% so với cùng kỳ nhưng đây vẫn là mức tăng trưởng khả quan so hơn mức lỗ 29 tỷ đồng của quý 2/2020. Đồng thời, tình hình tài chính của DXG cũng có sự cải thiện đáng kể về khoản phải thu do tăng cường thu hồi công nợ, mang về cho doanh nghiệp 459 tỷ đồng. Mặt khác, khoản mục tiền và tương đương tiền của tập đoàn ghi nhận tăng 364 tỷ đồng, nâng số tiền và tương đương tiền mà DXG nắm giữ lên gần 2.000 tỷ đồng.

Ở một số DN bất động sản khác, dù kết quả kinh doanh quý 3 có tăng trưởng nhưng lại không đến từ hoạt động kinh doanh chính.

Chẳng hạn, tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (AGG), hầu hết doanh thu trong kì của doanh nghiệp đến từ dịch vụ tư vấn môi giới và tiếp thị. Đặc biệt, nhờ hạch toán lãi hơn 41 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng 60% cổ phần tại Công ty CP Đầu tư và Quản lý Sơn Lâm trước ngày chốt số tài chính (ngày 29/9) đã giúp An Gia có lãi.

Nếu loại trừ khoản khoản lãi chuyển nhượng vốn nói trên, nhiều khả năng An Gia phải báo lỗ trong quí III năm nay, thay vì lãi ròng khoảng 9 tỷ đồng.

Hoặc, tại Công ty CP DRH Holdings (DRH), doanh thu quý 3 giảm gần một nửa so với cùng kì khi chỉ đạt hơn 5 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp vẫn lãi ròng gần 8 tỷ đồng, gấp 2 lần con số ở cùng kì. Nguyên nhân được DRH Holdings lý giải là do tiếp tục có khoản lãi hơn 11 tỷ đồng từ công ty liên kết là Công ty CP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB).

Tồn kho tiếp tục tăng mạnh

Tính đến hết quí 3, hàng tồn kho của các doanh nghiệp BĐS vẫn tiếp tục tăng mạnh. Theo các chuyên gia BĐS, tồn kho bất động sản  tăng cao sẽ trở thành gánh nặng cho DN và cho nền kinh tế nếu đây là bán thành phẩm, do vướng mắc về pháp lí nên dự án bị dừng triển khai, không ra được sản phẩm... Điều này sẽ làm tăng gánh nặng chi phí hoặc lãi vay cho doanh nghiệp.

Tại Nam Long, tính đến cuối tháng 9, lượng hàng tồn kho của DN địa ốc này tăng mạnh, đạt 5.398 tỷ đồng, hơn con số ghi nhận đầu năm là 1.100 tỷ đồng. Trong đó, các dự án chiếm giá trị hàng tồn kho lớn nhất của Nam Long là dự án Paragon Đại Phước (1.705 tỷ đồng), dự án Akari (1.685 tỷ đồng), dự án Vàm Cỏ Đông là 1.090 tỷ đồng...

Tính đến ngày 30/9/2020, BĐS Phát Đạt cũng tăng mạnh tồn kho với giá trị 9.781 tỷ đồng. Trong đó, gần một nửa giá trị hàng tồn kho tập trung ở hai dự án gồm The EverRich 2 (River City) và The EverRich 3 chiếm 4.480 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong báo cáo tài chính quí 3, danh mục hàng tồn kho của Phát Đạt cũng phát sinh thêm dự án Khu du lịch Bến Thành - Long Hải với giá trị gần 1.984 tỷ đồng.

Tương tự, "ông lớn" Đất Xanh cũng tăng mạnh hàng tồn kho, chiếm 44% tổng giá trị tài sản với giá trị tương đương 9.756 tỷ đồng và tăng 44% so với đầu năm. Trong các dự án tồn kho của DXG, dự án Gem Sky World ở Long Thành, Đồng Nai là dự án đang chiếm giá trị tồn kho lớn nhất với gần 3.410 tỷ đồng, cao gấp đôi giá trị ghi nhận hồi đầu năm.

Ngoài ra, dự án Gem Riverside vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, theo ghi nhận giá trị tồn kho tại dự án này vẫn còn hơn 1.580 tỷ đồng tại thời điểm 30/9.

An Gia cũng là một trong những doanh nghiệp có hàng tồn kho tăng mạnh. Tính đến cuối quý 3, doanh nghiệp này tồn kho gần 5.190 tỷ đồng, chiếm 60% tổng giá trị tài sản và gần gấp 2 lần con số ở đầu năm. Trong đó, The Sóng, dự án condotel duy nhất của An Gia, chiếm giá trị tồn kho lớn nhất với 2.142 tỷ đồng.

Hiện dự án này đang được thế chấp cho các khoản vay bằng trái phiếu của doanh nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem