Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đổ tội cho cấp dưới, cán bộ ở TP.HCM nói không tư lợi

Nguyễn Hoà - Gia Huy Thứ tư, ngày 16/09/2020 14:16 PM (GMT+7)
Trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai", xảy ra tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP.HCM), cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chỉ thừa nhận trách nhiệm người đứng đầu.
Bình luận 0

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ thừa nhận vai trò người đứng đầu

Cụ thể, theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) truy tố cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cùng nhiều đồng phạm trong vụ án trên, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm.

Theo đó, vụ án xảy ra tại Bộ Công Thương và TP.HCM, có liên quan đến dự án xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê trên khu đất 6.080m2, tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Ngé, quận 1, TP.HCM).

Trong vụ án này, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng được xác định có nhiều vi phạm.

Cáo trạng thể hiện, ông Hoàng là người có trình độ, kinh nghiệm và kiến thức trong công tác quản lý nhà nước về kinh tế, công nghiệp và thương mại.

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đổ tội cho cấp dưới, cán bộ ở TP.HCM nói không tư lợi - Ảnh 1.

Cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chỉ thừa nhận trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu, ông Hoàng cho rằng trách nhiệm chính thuộc về Hồ Thị Kim Thoa - nguyên Thứ trưởng Bộ đã bỏ trốn.

Ông này cũng đã trải qua các cương vị công tác quan trọng, được bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Công Thương vào năm 2007 đến ngày 8/4/2016, có nhiệm vụ lãnh đạo và quản lý toàn diện các mặt công tác của Bộ Công Thương.

Vị cựu Bộ trưởng thường xuyên tham dự họp Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về quản lý ngành Công Thương; thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác thuộc Bộ Công Thương quản lý, trong đó có Sabeco (Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn).

Mặc dù ngay từ những năm 2011, 2012, Chính phủ đã có các Nghị quyết yêu cầu các Bộ, Ngành, Tổng Công ty Nhà nước không đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính, đồng thời khi Sabeco triển khai thực hiện dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, công ty này không bố trí được số tiền phải nộp để chuyển mục đích sử dụng là hơn 1236 tỷ đồng, nhưng Vũ Huy Hoàng vẫn quyết định cho đầu tư dự án.

Hành vi của bị can Vũ Huy Hoàng và các đồng phạm ở Bộ Công thương đã vi phạm quy định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, gây thiệt hại, thất thoát hơn 2.700 tỷ đồng.

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đổ tội cho cấp dưới, cán bộ ở TP.HCM nói không tư lợi - Ảnh 2.

Bà Hồ Thị Kim Thoa được xác định cùng với 1 người khác giúp sức cho Vũ Huy Hoàng.

Đáng chú ý, trong quá trình điều tra, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ thừa nhận trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu Bộ. Ông này cho rằng trách nhiệm chính thuộc về Hồ Thị Kim Thoa.

Việc chấp thuận cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án, được thuê đất tại khu 2-4-6 Hai Bà Trưng ông Hoàng cũng cho rằng thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của TP.HCM.

Với việc phê duyệt giá cổ phần làm giá khởi điểm và giá cổ phần khi dự án có thêm chức năng căn hộ ở trên cơ sở báo cáo của Sabeco, bị can Hoàng chỉ nêu chủ trương chứ không kết luận, phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá.

Tuy nhiên, với các chứng cứ, tài liệu đã thu thập được trong quá trình điều tra, đủ căn cứ xác định hành vi của Vũ Huy Hoàng đã phạm tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 với vai trò chính, trực tiếp.

Với nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa và nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Phan Chí Dũng, 2 người này là đồng phạm giúp sức cho Vũ Huy Hoàng.

Hành vi của Thoa, Dũng đã phạm tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Bà Thoa hiện đã bỏ trốn, còn ông Dũng, tại cơ quan điều tra đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Cán bộ ở TP.HCM hầu hết nói không tư lợi

Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín cũng được xác định có liên quan trong vụ án này.

Cáo trạng xác định, ông Tín biết khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng đã được sắp xếp cho Sabeco xây dựng khu phức hợp 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và cao ốc văn phòng cho thuê, không áp dụng việc liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân mới để thực hiện dự án theo quyết định 86/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đổ tội cho cấp dưới, cán bộ ở TP.HCM nói không tư lợi - Ảnh 3.

Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín thừa nhận vi phạm nhưng nói không có tư lợi. (Ảnh: Hữu Khoa/VNE)

Trường hợp này nếu thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, Sabeco phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính (nộp tiền), và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Sabeco mới được dùng quyền sử dụng đất đó để góp vốn vào Sabeco Pearl.

Trong trường hợp Sabeco không có khả năng thực hiện dự án theo quy hoạch của TP.HCM đã được phê duyệt thì Thành phố phải tiến hành các thủ tục thu hồi khu đất, sau đó định giá, tổ chức đấu giá theo quy định của pháp luật hiện hành.

Nhưng Nguyễn Hữu Tín vẫn ký các văn bản cho Sabeco Pearl, không phải là doanh nghiệp Nhà nước được thực hiện nghĩa vụ tài chính, được làm chủ đầu tư và được thuê đất thực hiện dự án tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Hành vi này của bị can Tín là trái quy định của pháp luật, không đúng đối tượng, không thông qua đấu giá. Tại cơ quan điều tra, ông Tín thừa nhận hành vi ký quyết định công nhân Sabeco Pearl là chủ đầu tư và cho Sabeco Pearl thuê đất là sai, nhưng nói không có tư lợi.

Với các bị can Lâm Nguyên Khôi – nguyên Phó Giám đốc và bị can Lê Quang Minh, nguyên Trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, hành vi của các bị can này đã vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Tại cơ quan điều tra, Khôi và Minh đề thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng không thừa nhận có tư lợi.

Đào Anh Kiệt – nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, Trương Văn Út – Phó Trưởng phòng Quản lý đất và Nguyễn Lan Châu – Chuyên viên phòng Quản lý đất cũng được xác định có sai phạm.

Tại cơ quan điều tra, Kiệt, Út thừa nhận hành vi phạm tội, không thừa nhận có tư lợi. Bị can Châu thừa nhận đã thực hiện các hành vi nhưng cho rằng thời điểm đó bị can nghĩ là làm đúng theo quy định, sau này làm việc với cơ quan điều tra mới biết là sai.

Riêng Trương Văn Út, sau khi nhận bản kết luận điều tra, có đơn trình bày và cho rằng tại thời điểm thực hiện hành vi tham mưu cho thuê đất, bị can nhận thức là đúng với quy định của quyết định số 86/2010QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, căn cứ tài liệu điều tra thu thập được, đủ cơ sở xác định các bị can Út, Châu biết và buộc phải biết việc cho Sabeco Pearl thuê đất là không đúng quy định của pháp luật nhưng các bị can vẫn thực hiện.

Điều đó thể hiện các bị can thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp.

Nguyên Phó Chánh văn phòng UBND TP.HCM và Nguyễn Thanh Chương – nguyên Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP.HCM cũng được xác định đã phạm tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai". 2 người này có vai trò đồng phạm trong vụ án.

Lê Văn Thanh, Nguyễn Thanh Chương đều thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng không thừa nhận có tư lợi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem