Đà Nẵng: Đất chật, người đông, nhà nông thành phố trồng rau, nuôi cá kiểng trên sân thượng, vừa làm vừa giải trí
Đà Nẵng: Đất chật, người đông, nhà nông thành phố trồng rau, nuôi cá kiểng trên sân thượng, vừa làm vừa giải trí
Trần Hậu
Thứ hai, ngày 02/11/2020 15:40 PM (GMT+7)
Ngày 2/11, tại thành phố Đà Nẵng, Ban Kinh tế thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Vai trò của tổ chức Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển nông nghiệp đô thị”.
Tham dự Hội thảo có đại diện Ban Kinh tế thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Đà Nẵng, Hội Nông dân 5 tỉnh, thành phố gồm Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Nam, TP HCM và Cần Thơ, cùng với hơn 100 đại biểu khách mời.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Khắc Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, nông nghiệp đô thị được hiểu là việc sử dụng diện tích nhỏ, các lô đất trống, sân vườn, thảm cỏ, ban công, sân thượng…trong các thành phố lớn, khu dân cư đô thị để trồng trọt hoặc chăn nuôi gia cầm nhỏ, gia súc nhỏ, chim cảnh, cá kiểng phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, thủy văn.
Mô hình nông nghiệp sân thượng, ban công đảm bảo sự cân bằng sinh thái, tạo hiệu quả sản xuất, lợi ích kinh tế, nâng cao chất lượng môi trường sống…các sản phẩm sau đó toàn bộ hoặc một phần được thương mại hóa.
Theo ông Toàn, nông nghiệp đô thị là ngành kinh tế trong và ven đô thị, sản xuất chế biến và cung ứng cho người dân lương thực, thực phẩm tươi sống, hoa, sinh vật và thực vật cảnh.
Dùng phương pháp canh tác hữu cơ và công nghệ cao không cần nhiều đất đai, không gây ô nhiễm môi trường, sử dụng và tái sử dụng tài nguyên thiên nhiên và chất thải đô thị, tăng thêm không gian xanh và cơ hội thư giản cho nông dân đô thị.
Ông Nguyễn Đình Khánh Vân – Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng cho biết, trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân thành phố đã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp hướng đến tạo ra sản phẩm chủ lực, đặc trưng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao và nâng cao chất lượng chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Đã vận động hội viên nông dân xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao như: Mô hình trồng hoa cao cấp (hoa lan mokara, các loại hoa treo là dạ yến thảo, cúc sao băng, thu hải đường) với doanh thu từ 1- 2,5tỷ đồng/năm/trang trại. Mô hình trồng rau, củ quả các loại trong nhà kính sử dụng hệ thống tưới tự động với doanh thu trung bình từ 2 – 2,5tỷ đồng/năm.
Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng đã chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vận động hội viên nông dân tập trung sản xuất các giống lúa trung, ngắn ngày và sản xuất theo hướng hữu cơ với diện tích gần 300/4.980ha. Phát triển và nhân rộng các diện tích trồng rau, trồng dưa hấu, trồng lạc theo hướng hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGAP để đáp ứng yêu cầu về sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân đô thị.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân thành phố đã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân tham gia xây dựng nông thôn mớigắn với việc xây dựng và phát triển kinh tế tập thể...
"Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị đã và đang là xu thế của các thành phố ở các nước trên thế giới cũng như trong khu vực, Thủ đô Hà Nội cũng không nằm ngoài xu thế đó. Các cấp Hội Nông dân thành phố Hà Nội tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt để hoàn thành mục tiêu "Phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại", đại diện Hội Nông dân thành phố Hà Nội cho hay.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về vai trò của Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đồng thời đưa ra những ý kiến, cũng như những khó khăn, thách thức, các giải pháp, để phát triển nông nghiệp đô thị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.