Đại án xăng lậu: Phân hóa vai trò từng bị cáo, sẽ có nhiều người được trả tự do tại tòa
Đại án xăng lậu: Phân hóa vai trò từng bị cáo, sẽ có nhiều người được trả tự do tại tòa
Nha Mẫn
Thứ năm, ngày 08/12/2022 09:03 AM (GMT+7)
Trong đại án xăng lậu, HĐXX đã phân hóa, xác định vai trò của từng bị cáo như cầm đầu, giúp sức, liên quan... để đưa ra mức hình phạt phù hợp đối với các bị cáo trong đại án.
Nhiều bị cáo trong đại án xăng lậu sẽ được trả tự do tại tòa
Ngày 8/12, sau hơn 1 tháng đưa đại án xăng lậu ra xét xử, TAND tỉnh Đồng Nai đã tiếp tục phiên xử với phần tuyên án các bị cáo.
Theo HĐXX, căn cứ vào số lượng xăng buôn lậu và số tiền thu lợi bất chính, thời gian các bị cáo bị tạm giam để xác định vai trò của các bị cáo để đưa ra hình phạt đối với từng bị cáo.
Cụ thể, HĐXX xác định các bị cáo trực tiếp góp vốn mua xăng nhập lậu đưa qua biên giới gồm: Đào Ngọc Viễn, Phan Thanh Hữu và Nguyễn Minh Đức… Đây là nhóm các bị cáo có vai trò chính, chủ mưu, cầm đầu, do đó phải bị nghiêm trị. Trong nhóm này còn có các bị cáo giúp sức trong việc vận chuyển xăng nhập lậu trên các tàu và thu chi tài chính có vai trò thấp hơn.
Còn các bị cáo thuộc nhóm giúp sức trực tiếp, đặc biệt tích cực cho Phan Thanh Hữu trong việc vận chuyển xăng nhập lậu vào nội địa như Nguyễn Hữu Tứ và nhóm tiêu thụ số lượng đặc biệt lớn gồm: Nguyễn Hữu Tứ (hơn 161 triệu lít), nhóm Trần Thị Thanh Vân và Lê Thanh Tú (hơn 35 triệu lít).
Ngoài ra, Trần Thị Thanh Vân và Lê Thanh Tú còn dùng tàu chuyên dụng của mình để lấy xăng trực tiếp từ Hữu, do đó, cần có hình phạt thật nghiêm khắc.
Trong nhóm này, có các bị cáo giúp sức trong việc vận chuyển xăng nhập lậu trên các tàu như các thuyền viên, giúp sức trong việc thu chi tài chính như Trần Ngọc Thanh và các bị cáo thực hiện các công việc khác có vai trò thấp hơn.
Thứ ba, các bị cáo thuộc nhóm thành lập kho để phân phối chính, tức kho Nam Phong, để tiêu thụ hơn 101 triệu lít xăng gồm Lê Thanh Trung và đồng phạm. Các bị cáo được xác định giúp sức đặc biệt cho Nguyễn Hữu Tứ, do đó, cần phải có hình phạt nghiêm khắc.
Thứ tư, các bị cáo thuộc nhóm mua hàng nhập lậu, lấy hàng từ kho Nam Phong để bán lại. Nhóm này về cơ bản được chiết khấu ít hơn các nhóm trên và là nhóm mua lại nên được xác định có vai trò ít tích cực hơn. Do đó, cần xem xét số lượng xăng nhập lậu của từng bị cáo để có hình phạt phù hợp.
Trong đó, các bị cáo phạm tội với số lượng xăng buôn lậu đặc biệt lớn cần phải cách ly ra khỏixã hộimột thời gian để răn đe, phòng ngừa tội phạm.
Các bị cáo còn lại phạm tội với số lượng xăng buôn lậu và thu lợi bất chính ít hơn các nhóm bị cáo trên, đều đã bị tạm giam một thời gian nên đã đủ răn đe và giáo dục, do đó, không cần thiết tiếp tục xử phạt tù.
Việc xử phạt tiền hoặc áp dụng hình phạt khác nhẹ hơn là phù hợp và giúp thu ngân sách Nhà nước.
Riêng bị cáo là thuyền trưởng, thuyền viên trên các tàu vận chuyển đều bị tạm giam. Đối với các bị cáo có vai trò thấp, cần thiết xử bằng thời gian đã bị tạm giam, thể hiện sự khoan hồng củapháp luật. Các bị có có người thân cùng bị xét xử trong cùng vụ án như cha con, vợ chồng, anh em… tùy vào vai trò, được xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Ngô Văn Thụy phạm tội "Nhận hối lộ", đây là hành vi thuộc nhóm tội phạm về tham nhũng. Theo nguyên tắc xử lý trách nhiệm hình sự, cần phải bị nghiêm trị.
Đối với Phan Thanh Hữu, Nguyễn Hữu Tứ, Trần Ngọc Thanh, đã có hành vi đưa hối lộ cho Ngô Văn Thụy. Trước khi hành vi đưa hối lộ bị phát giác, các bị cáo đã chủ động khai báo hành vi đưa hối lộ. Ngày 20/1/2022, CQĐT đã ban hành quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự, đình chỉ điều tra bị can đối với các bị cáo trên về tội "Đưa hối lộ", đồng thời trả lại một phần đưa hối lộ cho các bị cáo.
HĐXX nhận thấy Phan Thanh Hữu, Nguyễn Hữu Tứ, Trần Ngọc Thanh là người chủ động đưa hối lộ, Ngô văn Thụy không gợi ý và không ép buộc các bị cáo phải đưa tiền. Việc CQĐT hủy trách nhiệm hình sự về tội Đưa hối lộ là đã cân nhắc và xem xét theo hướng có lợi cho các bị cáo nên việc trả lại một phần tiền đưa hối lộ cho các bị cáo là không phù hợp.
HĐXX xác định số tiền CQĐT quyết định trả lại cho các bị cáo là vật chứng của vụ án, dùng để thực hiện hành vi trái pháp luật, do đó cần thiết tịch thu sung công quỹ Nhà nước.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Đồng Nai, thông qua các mối quan hệ, Phan Thanh Hữu (65 tuổi, ngụ TP.HCM, Giám đốc Công ty TNHH Phan Lê Hoàng Anh) biết được Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, ngụ TP.HCM) đang điều hành hoạt động Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng (TP.Hải Phòng) chuyên mua bán và vận chuyển xăng dầu và có quan hệ với một số cán bộ nên Hữu đã liên hệ với Viễn để bàn bạc, thỏa thuận góp vốn thực hiện hành vi buôn lậu xăng từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ.
Viễn có trách nhiệm sử dụng tàu vận chuyển xăng từ Singapore về Việt Nam. Sau đó, Hữu sẽ điều động tàu khác vận chuyển số xăng này đến khu vực nhà nuôi yến của Nguyễn Hữu Tứ (trên sông Hậu thuộc thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) để bán cho Tứ; Trần Thị Thanh Vân (54 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Vân Trúc, tỉnh Bình Dương). Với số xăng dầu này, Tứ đã cung cấp cho 7 đầu mối khác nhau tại nhiều tỉnh, thành: An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long… Từ 7 đầu mối này, xăng dầu lậu tiếp tục được phân phối cho các cơ sở bán lẻ xăng dầu khác ở nhiều địa phương, trong đó có Đồng Nai.
Tính từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, Hữu và Viễn cùng các đối tượng đã vận chuyển 48 chuyến, tổng cộng hơn 198 triệu lít xăng lậu, trị giá gần 2.900 tỷ đồng và đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỷ đồng.
Trong đó, Viễn thu lợi hơn 46,7 tỷ đồng, Hữu hơn 156,2 tỷ đồng; Tứ thu lợi gần 83 tỷ đồng; Vân thu lợi bất chính gần 18 tỷ đồng.
Lực lượng chức năng đã tạm giữ, kê biên hơn 2,5 ngàn lít xăng, 17 tàu thủy, 22 xe bồn, 3 xe ô tô, 65 điện thoại di động, hàng chục nhà ở, đất ở; tạm giữ số tiền hơn 221 tỷ đồng.
Riêng Ngô Văn Thụy là Đội trưởng Đội 3, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) bị truy tố tội “Nhận hối lộ” với số tiền hơn 830 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.