Đại gia Navico Doãn Tới: Thế giới cuồng cá tra, thậm chí xếp hàng để ăn
Đại gia thủy sản Navico Doãn Tới: Thế giới cuồng cá tra, xếp hàng chờ được ăn, người Việt thì không
Hồng Phúc
Thứ bảy, ngày 22/07/2023 10:12 AM (GMT+7)
Cá tra Việt Nam xuất khẩu sang cả trăm nước trên thế giới và được đón nhận vì ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao; thậm chí, tại Trung Quốc còn có hiện tượng người dân xếp hàng chờ được ăn. Nhưng, sức tiêu thụ trong nước thì ngược lại.
Thực tế này được Tổng Giám đốc Công ty CP Nam Việt (Navico, HoSE: ANV) Doãn Tới chia sẻ tại buổi ký kết hợp tác với Bách Hóa Xanh nhằm đưa các sản phẩm của công ty vào chuỗi hệ thống phân phối, tiếp cận thêm nhiều người Việt. Navico là doanh nghiệp thủy sản chuyên cá tra hàng đầu cả nước hiện nay.
Kỳ lạ mức tiêu thụ cá tra của người Việt
Tổng Giám đốc Navico Doãn Tới cho biết, cá tra Việt Nam được thế giới biết đến rất nhiều và kim ngạch xuất khẩu rất lớn. Chỉ riêng năm ngoái, Navico xuất khẩu cá tra đi hơn 100 quốc gia, bao gồm nhiều thị trường lớn và khó tính như Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan…, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 150 triệu USD.
“Tại Đông Nam Á, gần nhất với chúng ta là Thái Lan. Nông nghiệp của họ thuộc tốp dẫn đầu khu vực. Họ chỉ có 60 triệu dân thôi nhưng mỗi tháng tiêu thụ cá của chúng tôi khoảng 2.000 tấn”, ông Tới nói.
Nhìn về thị trường nội địa, theo ông Tới, sản lượng cá tra của doanh nghiệp tiêu thụ trong nước lại rất thấp. Chưa đến 10% sản lượng cá tra của Navico hiện nay được tiêu dùng trong nước. Quầy kệ siêu thị cũng khó thấy sản phẩm cá tra, kể cả những thương hiệu của các doanh nghiệp đầu ngành.
Để thấy được sự kỳ lạ này, ông Tới lấy ví dụ, ngoài Mỹ thì Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ cá tra rất lớn của Việt Nam. Kể từ khi xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc, ông thấy họ ngày càng chuộng sản phẩm cá tra Việt Nam vì ngon, giá trị dinh dưỡng cao.
“Hiện nay, chúng tôi có rất nhiều sản phẩm mà những tập đoàn lớn nhất của Trung Quốc đặt mua”, ông Tới nói và cho biết.
Đại gia thủy sản nói thêm: Thậm chí, với sản phẩm cá tra của Việt Nam, Trung Quốc đa dạng cách chế biến, đưa cá tra thành món “ready to cook”, tức có thể sẵn sàng chế biến nhanh chóng với gia vị được tẩm ướp sẵn. Sản phẩm được phân phối đến hệ thống cả nghìn nhà hàng, khách chỉ cần đến là chế biến ngay.
“Ở Trung Quốc, có câu chuyện là họ xếp hàng chờ ăn con cá này. Như vậy có tiếu lâm không. Sau đó, chúng tôi tìm hiểu thì thấy kỹ thuật chế biến của Trung Quốc đạt đến đỉnh cao. Từ con cá thế này, họ biến thành hương vị giống như cá chẽm. Đó là điều kỳ diệu”, ông Tới nhận định.
Tổng Giám đốc Navico cho rằng, cá tra Việt Nam được thế giới quan tâm nhưng thị trường 100 triệu dân trong nước lại chưa phục vụ được bao nhiêu.
“Đây là sản phẩm xuất khẩu, chúng ta đã bán ra bao nhiêu nước rồi. Bà con chúng ta tại sao lại không được thưởng thức bởi họ không biết giá rất tốt, chất lượng tuyệt vời. Tại sao chúng ta không dùng, chúng ta tìm những cái gì. Trung Quốc họ mua kinh khủng lắm, nếu không muốn nói riêng Trung Quốc, thị trường đã lên đến cả tỷ USD mỗi năm”, ông Tới đặt vấn đề.
Thực sự người Việt có thích ăn cá tra không?
Tổng Giám đốc Navico Doãn Tới cho biết, với kênh tiêu thụ nội địa, công ty đang cung cấp sản phẩm cho một số hệ thống phân phối như Lotte Mart, MM Mega Market, doanh nghiệp phân phối tại Hà Nội và mới nhất là Bách Hóa Xanh. Sức mua cá tra tươi gần đây tại Bách Hóa Xanh khiến ông kinh ngạc.
“Chỉ trong 3 tháng thử nghiệm trước chính thức hợp tác, Bách Hóa Xanh bán được 600 tấn. Họ liên tục nâng sản lượng. Tôi nghĩ đây là mức đột biến kỷ lục. Tôi rất tò mò tìm hiểu họ làm thế nào. Mục tiêu là hỗ trợ họ bán tốt hơn, chi phí vận chuyển rẻ hơn, bảo quản chất lượng hơn, bởi nghề này phải có kỹ thuật chứ tay ngang không thể làm được”, ông Tới nói.
Sau khi quan sát thị trường trong nước, ông cho rằng cái khó hiện nay nằm ở khâu phân phối và thị hiếu tiêu dùng của người Việt. Doanh nghiệp xuất khẩu tính theo container trong khi bán lẻ lại tính theo tấn mỗi ngày, phân bổ về cả trăm điểm bán. Chưa kể, chi phí vận chuyển, hao hụt tăng mạnh.
“Dân Việt Nam mình coi vậy mà sang dữ dằn, thế giới không giống như Việt Nam. Tôi xuất khẩu toàn thế giới, cá phải cấp đông với chất lượng tốt nhất chứ không có chuyện cá sống. Người Việt thì ngược lại”, ông Doãn Tới nói và cho rằng, đây là một bài toán rất đau đầu với các doanh nghiệp bán lẻ.
Tuy nhiên, từ câu chuyện cung cấp 600 tấn cá tra kỷ lục cho hệ thống Bách Hóa Xanh chỉ trong 3 tháng, Tổng giám đốc Navico Doãn Tới cho rằng người Việt vẫn rất thích ăn cá tra, miễn là cá đảm bảo chất lượng, tươi ngon khi đến tay họ. Chưa kể, các sản phẩm từ cá tra, cách chế biến cũng phải đa dạng hơn thay vì chỉ làm những phương pháp đơn giản của Việt Nam như chiên, kho, nấu canh.
Ông kỳ vọng các nhà sản xuất và nhà phân phối phải hiểu khách hàng. Ở phía sản xuất, doanh nghiệp luôn chú trọng chất lượng, đạt tiêu chuẩn vùng nuôi, xuất khẩu. Phía phân phối, các nhà bán lẻ phải có cách đảm bảo hàng luôn tươi ngon, không giảm chất lượng.
“Chúng tôi là nhà bán sỉ, bán lẻ chúng tôi không làm được. Vì vậy, rất cần những nhà bán lẻ đưa cá tra ra thị trường. Sản phẩm bán ra làm sao phải để mọi người ăn rồi thì tiếp tục ăn nữa, giới thiệu người khác tới mua. Như vậy mới thành công, đưa được cá tra lên bàn ăn của người Việt”, ông Doãn Tới tâm tư.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.