Danh hài - Sự lạm dụng ngôn từ

Thứ bảy, ngày 29/08/2015 08:56 AM (GMT+7)
Giờ đây, vẻ như trong lĩnh vực Văn nghệ, người ta sẵn sàng gọi và ban phát một cách hào phóng các danh hiệu một thời là thiêng liêng, cao quý cho bất kỳ người nào có mặt trong lĩnh vực ấy, bất chấp tài năng và cả nhân cách của con người ấy.
Bình luận 0

Làm được hai ba câu văn vần, viết dăm ba dòng văn xuôi, bỏ tiền ra in “tác phẩm” thế là có thể đề trên danh thiếp của mình, rồi vài ông bạn tự xưng “nhà thơ, nhà văn”. Còn trong lĩnh vực biểu diễn thì cố gắng len lỏi vào một chương trình nào đấy để rồi cũng tự nhận, tự phong và cũng không ít kẻ dễ tính hay cũng nặng máu quảng cáo để kiếm lời, phong tặng một cách dễ dãi các danh hiệu “ông hoàng, bà chúa”, “danh ca”, “diva”,”danh hài”…

img

Cảnh trong “Đời cười” của Nhà hát Tuổi Trẻ. 

Hôm nay tôi chỉ muốn nói đến lĩnh vực mà đang có vẻ ăn khách đối với tầng lớp khán giả trẻ, trình độ thưởng thức chưa định hình và đa số là đang mắc phải tâm lý đám đông, nhưng thực sự là lĩnh vực gây ra sự thất vọng lớn nhất cho những khán giả có trình độ thưởng thức và am hiểu nghệ thuật đó là lĩnh vực hài và các diễn viên trong lĩnh vực này.

Trong báo cáo của Đại hội đại biểu nhà văn khoá 9 khi điểm lại thành tựu văn chương của nhiệm kỳ 5 năm thì thật đáng buồn vì không một chữ nào nói về thể loại hài. Một thể loại đáng ra phải rất phổ cập và có thành tựu lớn trong một xã hội có quá nhiều điều đáng phản ánh và đang rất cần thể loại này. Chưa bao giờ hiện thực nước ta lại nhiều mảng miếng, cốt truyện và nhân vật phong phú cho thể loại hài như hiện nay bên cạnh hiện thực bi và tráng. Sự vắng bóng các thể loại văn chương hài nhìn từ góc độ nào đấy là một sự bất thường của nền văn học “thừa thơ thiếu hài”. Ngay trong sân khấu kịch hài, tấu hài đích thực cũng hoàn toàn bị lép vế.

img

Hoài Linh, Việt Hương, Trấn Thành - những diễn viên ăn khách của hài kịch phía Nam.

Dường như thể loại hài - một thể loại mang đậm bản tính của dân tộc trở nên nhạt nhòa, không được coi trọng nếu không muốn nói là biến mất. Những tác giả chuyên hài trên dưới hai thập niên nay không còn tồn tại. Yếu tố hài (mặc nhiên nó luôn tồn tại trong sáng tác nghệ thuật) chỉ còn len lỏi, chìm sâu trong các tác phẩm ở mọi thể loại. Nhưng trớ trêu sao các diễn viên hài lại nở rộ và nhất là các bậc danh hài như tên gọi một cách dễ dãi và dường như không có chuẩn mực nào lại tăng lên với cấp số nhân một cách bất thường như vậy? Những diễn viên này đã đúng và đạt chuẩn như tên gọi cao quý đó chưa?

Tôi nhớ vào năm 1976, khi NSND Lộng Chương, đạo diễn cũng là kịch tác gia nổi tiếng, đã ghim vào lịch sử phát triển của ngành sân khấu Việt Nam bằng danh tác hài kịch “Quẫn”, nhận dựng kịch bản hài “Chuyện như thế thì cần phải nói” của tôi cho Đoàn kịch Công nghiệp Hà Nội, đã nói như sau: “Anh đề kịch bản là hài kịch là không đúng. Vì hài kịch đích thực là sau khi cười người xem phải suy nghĩ, thậm chí phải khóc. Còn kịch bản của anh chưa đạt được thế.

Đa số các mảng miếng gây cười trong kịch bản này mới chỉ dừng ở náo kịch là chủ yếu. Náo kịch là cười để mà cười. Đó là cái cười cơ giới”.

Nếu căn cứ vào sự phân loại và đánh giá của một trong những đại diện xuất sắc của nền kịch Việt Nam hiện đại thì tôi cho rằng: Mảng sân khấu nói riêng và nền nghệ thuật của ta nói chung trong khoảng trên dưới hai thập niên này hầu như vắng bóng tác phẩm hài, hoặc nói đúng hơn nó chỉ le lói ở chỗ này chỗ khác nhưng do không được khuyến khích, động viên, nuôi dưỡng. Không có hài nhưng nhu cầu cần cười và cần được thưởng thức cái cười của con người là bất diệt, vì thế để bù lấp vào sự thiếu vắng đó là sự bùng phát của những tác phẩm mà Lộng Chương gọi rất đúng là náo kịch. Trong sân khấu ở miền Bắc, Nhà hát Tuổi Trẻ là đơn vị nghệ thuật sân khấu nuôi dưỡng những đêm diễn mang đậm màu sắc náo kịch.

Cũng xin nói luôn là không hiểu sao mặc dù rất ưa chuộng thể loại kịch (tạm gọi là kịch cười) này nhưng Nhà hát Tuổi Trẻ trong từng ấy năm chưa bao giờ dựng một kịch bản hài dài hơi đúng nghĩa của nó mà chỉ là những kịch bản ngắn như những lát cắt vui vẻ các tác giả chợt nhặt được trong “đời cười”. Nhưng dù sao cũng phải đánh giá một cách công bằng. Ít nhiều các tác phẩm trong các chùm “đời cười” của Nhà hát Tuổi Trẻ cũng có không ít tác phẩm hay, những mảng miếng đạt tầm của thể loại hài kịch. Còn sân khấu phía Nam - một vùng đất ưa sự vui cười - thì có thể nói, hầu hết các tác phẩm trình làng đều chỉ dừng ở náo kịch. Từ kịch bản như vậy nên các diễn viên tham gia thể hiện các tác phẩm này cũng chỉ dừng ở mức độ “náo”.

Trong di sản của cha ông ta nói đến hài là mặc dù chỉ là nhân vật phụ điểm xuyết hay giữ vai trò hướng dẫn cảm xúc người xem nhưng khán giả nhớ ngay đến nhân vật hề chèo hiện ra dưới nhiều hình thức hề áo ngắn, hề áo dài, hề gậy, hề mồi… Các nhân vật hài lừng danh này có cả một lý lịch và cả một quá trình diễn biến tâm lý đủ sức cho các diễn viên bộc lộ, tung hứng khả năng diễn xuất của mình. Ở những diễn viên lột tả thần kỳ bản chất của các nhân vật hài này xứng đáng gọi là danh hài. Còn ở ta, hiện nay. Các diễn viên được “duy danh” là diễn viên hài, thậm chí là danh hài như nhận định của Lộng Chương chỉ là những diễn viên náo kịch. Hầu hết các diễn viên này dường như chưa tạo ra một nhân vật hài hoàn chỉnh nào ghi đậm trong trí nhớ người xem, tạo cho người xem những dư âm về nhân tình thế thái để từ đó tạo nên thương hiệu của mình mà chỉ là thể hiện những mảng miếng tách rời nhau để tạo ra những tiếng cười mang tính “cơ giới”. 

Về mặt thủ pháp thì hầu hết các diễn viên diễn tạm xếp là hài của ta cũng không sáng tạo ra thủ pháp nào đáng nói mà chỉ quanh đi quẩn lại có mấy thủ pháp diễn mang chất náo kịch như gái giả trai hoặc ngược lại, đồng tính, mô phỏng ở mức độ thấp các vai đã thành mẫu trong chèo cổ như Xã xệ, Lý toét, Phú ông, thằng mõ, Thị Mầu… sự nhại tiếng, hát những bài nhạc chế, bôi mặt, mặc quần áo lôi thôi gây cười, lôi những chi tiết, ngôn ngữ nói về những hành động, trạng thái nhậy cảm hoặc cùng lắm là cố tạo ra sự nhầm lẫn nào đó về ngôn từ, tình huống vụn vặt chẳng ăn nhập gì với vai diễn, hành động kịch… mà chỉ là những tiểu phẩm náo kịch gây cười đơn giản. Với các khán giả dễ dãi, dễ bị hoà đồng, a dua theo tâm lý đám đông thì cách diễn xuất của các diễn viên náo này cũng ít nhiều tạo ra những tiếng cười thuần tuý “cơ giới”.

Còn đối với những khán giả có khiếu thẩm mỹ, có trình độ thưởng thức thì lối diễn này gây ra sự khó chịu. Đáng tiếc số diễn viên náo này đang chiếm lượng đông trên sân khấu, cũng như trên truyền hình. Tôi nói vậy không phải không thấy rõ những tố chất hài bẩm sinh và thực sự có tài của một số diễn viên như Xuân Hinh, Chí Trung, Xuân Bắc, Quốc Trượng… Chỉ đáng tiếc những tài năng này không được thể hiện, nuôi dưỡng, phát huy và phát lộ ở mức độ cao với những tác phẩm sân khấu hoặc điện ảnh dài hơi hoàn chỉnh.

Mặc dù như vậy nhưng đáng buồn thay, mỹ từ cao quý”danh hài” vẫn đang bị lạm phát, lạm dụng. Chính thực trạng này đối chiếu với tình trạng sân khấu, điện ảnh của ta hiện nay đã làm giảm đi rất nhiều giá trị của mỹ từ này, đó là chưa kể làm một bộ phận không nhỏ vì sự lạm dụng, gán bừa này đã hiểu sai, đánh giá thấp hai chữ ”danh hài”.

Nguyễn Hiếu (Báo Lao Động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem