Đánh thức tiềm năng chăn nuôi của Tây Nguyên (bài 1): Đột phá chăn nuôi bò sữa ở Lâm Đồng
Đánh thức tiềm năng chăn nuôi của Tây Nguyên (bài 1): Đột phá chăn nuôi bò sữa ở Lâm Đồng
Văn Long
Thứ ba, ngày 28/07/2020 06:18 AM (GMT+7)
Hiện nay, tại huyện Đơn Dương, 3 doanh nghiệp lớn là Công ty Vinamilk, Công ty Friesland Campina (cô gái Hà Lan) và Công ty cổ phần sữa Đà Lạt (Dalatmilk) đang đẩy mạnh việc liên kết với người dân trong việc thu mua và chế biến sữa tươi.
LTS: Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, các tỉnh Tây Nguyên có nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá, quy mô công nghiệp, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung kết hợp chặt chẽ với bảo vệ môi trường sinh thái, các vấn đề xã hội khác... Từ các hoạt động đó sẽ giúp bà con nông dân và đồng bào dân tộc vươn lên làm giàu.
Với tổng đàn bò sữa lên đến hơn 22.000 con, năng suất sữa tươi bình quân 20 lít/con/ngày, Lâm Đồng đang được ví như "thủ phủ" chăn nuôi bò sữa của khu vực Tây Nguyên. Điều đáng mừng là rất nhiều nông hộ là đồng bào dân tộc thiểu số đã biết cách làm giàu từ con bò sữa.
Doanh nghiệp lớn rót vốn nuôi bò
"Lâm Đồng đang thực hiện đề án phát triển chăn nuôi và lai tạo giống chất lượng kết hợp chuyển giao kỹ thuật cho người dân. Trong năm 2020, tỉnh Lâm Đồng có kế hoạch nâng tổng đàn bò sữa lên 23.000 con với sản lượng sữa tươi ước đạt 84.000 tấn".
Ông Phạm Phi Long - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y, Thủy sản Lâm Đồng
Lâm Đồng là tỉnh đứng đầu khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ về tổng đàn bò và sản lượng sữa. Bò sữa Lâm Đồng được chăn nuôi chủ yếu tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc, với khoảng 1.300 hộ, trang trại chăn nuôi.
Hầu hết bò sữa được bấm thẻ tai, lập hồ sơ, lý lịch cá thể để quản lý, tác động kỹ thuật nâng cao năng suất và chất lượng sữa. Đặc biệt, đàn bò sữa ở huyện Đơn Dương được đánh giá cho chất lượng sữa thơm ngon bậc nhất.
Hiện nay, tại huyện Đơn Dương, 3 doanh nghiệp lớn là Công ty Vinamilk, Công ty Friesland Campina (cô gái Hà Lan) và Công ty cổ phần sữa Đà Lạt (Dalatmilk) đang đẩy mạnh việc liên kết với người dân trong việc thu mua và chế biến sữa tươi.
Đến trang trại chăn nuôi của Công ty Vinamilk Đà Lạt tại xã Tu Tra (huyện Đơn Dương), phóng viên không khỏi bất ngờ trước sự quy mô, tiện nghi và sạch sẽ của những trại nuôi bò sữa. Hiện tại, trong trang trại nuôi khoảng 1.000 còn bò sữa theo tiêu chuẩn hữu cơ của EU.
Trong số này, có trên 50% đang cho khai thác sữa với năng suất 23 lít/con/ngày. Bò giống được nhập từ những trang trại chăn nuôi hữu cơ ở New Zealand, Australia.
Ông Hoàng Văn Trường - Giám đốc Trang trại Vinamilk Đà Lạt cho biết, hiện nay, xu hướng hữu cơ đang nở rộ trên thế giới. Thị trường ở Việt Nam cũng đang có sự chuyển biến lớn. Tháng 9/2019, các chuyên gia Trung Quốc đã đến trang trại để đánh giá về các tiêu chí hữu cơ, chuẩn bị cho việc doanh nghiệp xuất khẩu sữa chính ngạch.
Hiện nay, các quy trình, thủ tục đã hoàn tất và chuyên gia Trung Quốc đánh giá cao chất lượng bò sữa của trang trại.
Ông Hoàng Văn Trường - Giám đốc Trang trại Vinamilk Đà Lạt cho biết, hiện nay, xu hướng hữu cơ đang nở rộ trên thế giới. Thị trường ở Việt Nam cũng đang có sự chuyển biến lớn. Tháng 9/2019, các chuyên gia Trung Quốc đã đến trang trại để đánh giá về các tiêu chí hữu cơ, chuẩn bị cho việc doanh nghiệp xuất khẩu sữa chính ngạch.
Hiện nay, các quy trình, thủ tục đã hoàn tất và chuyên gia Trung Quốc đánh giá cao chất lượng bò sữa của trang trại.
Đến nay, Vinamilk là doanh nghiệp đầu tư nuôi bò sữa lớn nhất ở tỉnh Lâm Đồng. Song song với việc sản xuất sữa bò Organic, doanh nghiệp này cũng sản xuất sữa bò thông thường và đang liên kết với người dân tại các huyện Đơn Dương, Di Linh, TP.Đà Lạt, TP.Bảo Lộc để sản xuất, bao tiêu sản phẩm sữa nguyên liệu.
Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Quang Hưng (xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương) cho biết, cách đây khoảng 10 năm, vợ chồng ông không có đất sản xuất, nghề nghiệp không ổn định. Nhận thấy nghề chăn nuôi bò sữa có nhiều triển vọng, vợ chồng ông đã vay mượn tiền mua bò sữa giống về chăm sóc. Đến nay, đàn bò sữa của gia đình ông Hưng đã lên đến 30 con.
"Nghề nuôi bò sữa đã giúp vợ chồng tôi mua được đất và cất được căn nhà to. Trung bình, cứ mỗi năm 1 con bò sữa có thể cho lợi nhuận gần 30 triệu đồng, đó là chưa kể lợi nhuận từ những con bê được sinh ra" - ông Hưng vui vẻ chia sẻ.
Nâng cao chất lượng giống và sữa
Hiện nay, hầu hết các hộ dân liên kết với Công ty Vinamilk đều đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp về tiêu thụ sữa. Chính vì vậy, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Đơn Dương đã hướng đến việc thực hiện các biện pháp tăng số lượng đàn bò trong những hộ chăn nuôi từ nhỏ lẻ lên ít nhất 10 con/hộ để chuỗi liên kết được tốt hơn.
Một trong những khó khăn của các hộ chăn nuôi bò nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay là số lượng đàn bò không đủ 10-12 con/hộ. Trong khi đó, các công ty thu mua, chế biến lại chỉ kí hợp đồng tiêu thụ cho những hộ có đàn bò tối thiểu 10 con.
"Trong những năm qua, địa phương luôn khuyến cáo người dân theo hướng đầu tư phát triển đàn bò chất lượng để cho ra sản phẩm sữa đạt tiêu chuẩn của doanh nghiệp. Hơn nữa, việc xác định bò sữa, rau và hoa là sản phẩm thế mạnh của địa phương sẽ tạo động lực để chính quyền và người dân nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm" - bà Lê Thị Bé – Trưởng phòng NNPTNT huyện Đơn Dương cho biết.
Được biết, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng đang thực hiện phát triển đàn bò sữa theo hướng chọn lọc, nâng cao chất lượng giống. Bên cạnh đó, hỗ trợ người chăn nuôi trong việc lai tạo, phát triển giống thuần Holstein Friesian. Điều này nhằm hướng đến nâng tỷ lệ giống thuần trên 95% tổng đàn để tăng sức cạnh tranh trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.