Đào Cam Giá nức tiếng hướng tới mục tiêu thành sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu Thái Nguyên
Đào Cam Giá nức tiếng hướng tới mục tiêu thành sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu Thái Nguyên
Hà Thanh - Kiều Hải
Thứ tư, ngày 14/06/2023 11:26 AM (GMT+7)
Người dân làng nghề hoa đào Cam Giá nhiều năm trở lại đây có cuộc sống đổi thay nhờ trồng đào cổ thụ, đào thế và đào cành bán Tết. Năm nay, đào Cam Giá vinh dự được Hội Nông dân TP.Thái Nguyên đề cử tham gia bình chọn sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh.
Nhiều hộ dân làng nghề hoa đào Cam Giá có thu nhập cao nhờ trồng đào. Clip: Hà Thanh
Cây đào trở thành cây trồng mũi nhọn
Nhiều năm nay, cây đào đã trở thành cây trồng mũi nhọn, góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều hộ gia đình ở làng nghề hoa đào Cam Giá (TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), từ đó giúp bà con trong vùng có cuộc sống sung túc và khấm khá hơn hẳn.
PV Dân Việt về làng đào Cam Giá những ngày đầu tháng 6, khi người dân nơi đây đang tập trung chăm sóc, tỉa lá cho những cây đào.
Anh Lê Minh Sơn - Phó Chủ tịch Hội trồng hoa đào phường Cam Giá chia sẻ, bà con làng nghề hoa đào Cam Giá đã trồng đào từ những năm 1990 nhưng khi đó đào Cam Giá chưa được nhiều người biết đến và ưa chuộng như hiện nay.
Sau một thời gian nhân rộng, phát triển về quy mô, diện tích, đến nay, làng nghề đã phát triển lên trên 200 hộ trồng, kinh doanh hoa đào. Những năm gần đây, người dân làng nghề hoa đào Cam Giá đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, sáng tạo những dáng, thế mới, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, như đào cổ thụ, đào thế, đào bon sai, đào cành…
Chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc đào, anh Sơn cho biết, đối với cây đào, mặc dù có những thời điểm không cần chăm sóc nhưng phải theo dõi sát và thường xuyên để kịp thời phát hiện và xử lý sâu bệnh. Đặc biệt, ở giai đoạn đầu khi mới ghép cành, cần nắm bắt thời điểm sâu bệnh đẻ trứng để phun thuốc phòng trừ định kỳ, tránh trường hợp sâu bệnh cắn mất ngọn cây.
Thông thường đào hay mắc một số bệnh như rệp, nhện đỏ, xoăn lá, sâu đục thân… nên khi phát hiện cần xử lý ngay để ngăn chặn nguy cơ lây lan trên diện rộng.
Đào sau khi mua về ở thời điểm tháng 10, tháng 11 sẽ được trồng và bón lót. Sau đó, tùy thuộc vào tình hình thời tiết mà chọn thời điểm tưới nước để cây có đủ nước sinh trưởng và phát triển.
Đối với quá trình bấm lá, trung bình mỗi năm, người trồng đào sẽ bấm khoảng 3 – 4 lần tùy thuộc vào chất lượng của cây. Đối với cây khỏe, người trồng có thể bấm tỉa nhiều lần để tăng số lượng cành và hoa cho cây.
Người trồng đào lựa chọn thời điểm uốn cành vào khoảng tháng 3, tháng 4 hằng năm. Để điều chỉnh thời điểm đào ra hoa đúng dịp Tết, những người trồng đào lâu năm sẽ lựa tình hình thời tiết để bón phân, cắt tỉa cành, tuốt lá cho phù hợp. Thông thường sẽ lựa chọn thời điểm tỉa cành, xuống lá vào khoảng tháng 10 âm lịch hằng năm.
Người dân giàu lên nhờ trồng đào
Theo Phó Chủ tịch Hội trồng hoa đào phường Cam Giá, so với trồng lúa, trồng ngô, thu nhập từ trồng đào cao hơn hẳn. Năm 2022, lượng đào bán ra và cho thuê của gia đình anh đạt tỷ lệ khoảng 80 – 90% trên tổng số lượng cây của cả vườn, mang về thu nhập tương đối lớn so với trồng những loại cây lâu năm khác.
Anh Sơn cho biết thêm, đến nay đào Cam Giá đã khẳng định được uy tín và chất lượng trên thị trường, được nhiều khách hàng ưa chuộng không kém đào Nhật Tân (Hà Nội), đào Đằng Hải (Hải Phòng)… Nhờ trồng đào mà nhiều hộ gia đình ở đây có thu nhập cả trăm triệu đồng, điển hình như hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hiển.
Ông Nguyễn Văn Hiển (70 tuổi, trú tại tổ 5, phường Cam Giá, TP.Thái Nguyên) cho biết, gia đình ông đã trồng đào khoảng 5 năm nay và hiện có khoảng hơn 700m2 đất trồng đào.
"Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng lúa, sau này khi thấy bà con trong vùng trồng đào mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nên gia đình đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất này sang trồng đào với các loại đào cành, đào thế. So với trồng lúa, trồng đào thu nhập cao hơn hẳn do tiền vốn bỏ ra lớn và công chăm sóc cũng tương đối nhiều" - ông Hiển cho hay.
Ông Hiển cho biết thêm, ông mong muốn qua chương trình bình chọn sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên, đào Cam Giá sẽ ngày càng phát triển và có thương hiệu trên thị trường, để sản phẩm đến với khắp mọi miền của đất nước. Qua đây, ông cũng mong muốn các cấp, các ngành địa phương quan tâm đến nông dân làng nghề hoa đào Cam Giá để bà con có công việc và thu nhập ổn định, nhất là những người hết tuổi lao động như ông.
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga – Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Giá cho biết, làng nghề hoa đào Cam Giá được hình thành cách đây gần 20 năm. Hiện tại tổng diện tích trồng đào của làng đào Cam Giá khoảng 20ha với hơn 200 hộ trồng đào. Đây là cây trồng mũi nhọn của địa phương, mang về thu nhập tương đối lớn cho bà con nhân dân trong vùng. Năm 2022, theo thống kê, tổng thu nhập của làng đào Cam Giá đạt khoảng 30 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.