Nguyên nhân nào khiến "Cậu Vàng" gặp phản ứng gay gắt của khán giả?
Nguyên nhân nào khiến "Cậu Vàng" gặp phản ứng gay gắt của khán giả?
Vũ Hoàng
Thứ năm, ngày 14/01/2021 14:25 PM (GMT+7)
Gần 40 năm sau bộ phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" (1982), "Cậu Vàng" - một tác phẩm điện ảnh lấy cảm hứng từ những truyện ngắn của Nam Cao mới lại được đưa lên màn ảnh rộng.
"Cậu Vàng" được đánh giá là bộ phim dồn tụ tâm huyết của hai thế hệ trong gia đình cố NSND Bùi Cường – người từng gắn liền với vai diễn Chí Phèo trước đây. Nhiều nghệ sĩ cùng thời với cố NSND Bùi Cường đã bày tỏ lòng tri ân và trân trọng những tâm nguyện cuối đời của ông. Tâm nguyện ấy đã được người con rể - đạo diễn Trần Vũ Thủy hiện thực hóa bằng phim "Cậu Vàng". Song bên cạnh đó cũng có những ý kiến trái chiều về nhiều điểm còn hạn chế từ kịch bản đến cách thể hiện của bộ phim.
Bỏ qua những chuyện lùm xùm không đáng có xung quanh phim "Cậu Vàng", chúng ta nên nhìn nhận tác phẩm một cách đa chiều và công bằng hơn.
"Cậu Vàng" ngay từ buổi công chiếu cho khách mời đã thu hút sự quan tâm của giới nghệ sĩ và những người làm nghề ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Mỗi người đều có cảm nhận riêng sau khi xem bộ phim với những khen chê trái ngược, tạo một bầu không khí tranh luận khá sôi nổi.
Phần lớn các ý kiến đều tập trung xoay quanh việc bộ phim lấy cảm hứng và phóng tác từ nguyên gốc văn học của cố nhà văn Nam Cao. Bên cạnh những lời khen cho biên kịch và đạo diễn đã có nhiều sáng tạo mới mẻ trong việc xây dựng một câu chuyện mới từ những chất liệu, nhân vật đã quen thuộc trong văn học với một góc nhìn khá độc đáo, hiện đại thì vẫn có những ý kiến khác.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: "Các nhà làm phim có sự lẫn lộn giữa tôn trọng tác phẩm gốc và thu hút người xem"
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần - tác giả của nhiều bộ phim điện ảnh và truyền hình có tiếng như: "Chiếc bình tiền kiếp", "Em còn nhớ hay em đã quên", "Ma làng", "Gió làng Kình"... đưa ra nhận định: "Bộ phim được phóng tác từ những truyện ngắn của Nam Cao nhưng còn sơ lược và đơn giản, mới chỉ là đặt các sự kiện vào đó.
Phim không thấy rõ nhân vật chính nên khán giả không biết tập trung theo dõi chuyện gì. Các nhân vật khác chỉ như những hình mẫu được xác định sẵn tính cách, không thấy sự chuyển biến tính cách một cách sâu sắc, hợp lý.
Tôi nghĩ rằng, hiện nay, các nhà làm phim có sự lẫn lộn giữa việc tôn trọng tác phẩm văn học gốc và việc muốn thu hút người xem. Nếu tôn trọng tác phẩm gốc thì có lẽ nên chọn cách thể hiện theo phong cách hiện thực phê phán như của Nam Cao. Còn nếu để hấp dẫn khán giả thì lại theo kiểu của phim "Tấm Cám: Chuyện chưa kể" là một chuyện "bịa" hư cấu lại hoàn toàn để thuần túy giải trí thôi".
Nhà biên kịch Phạm Trình: "Các cú hích, điểm nhấn trong phim chưa đủ lớn để phát triển câu chuyện một cách hợp lý"
Đề cập đến những lý do khiến phim "Cậu Vàng" nhận phản ứng gay gắt của khán giả, nhà biên kịch Phạm Trình - biên kịch một số chương trình như "Gặp nhau cuối năm" và các chương trình, phim truyền hình cũng chia sẻ: "Nửa đầu bộ phim, Cậu Vàng giống vai phụ hơn khi phim chủ yếu khai thác cuộc đời những nhân vật khác. Tuy nhiên, chú chó tỏa sáng ở đoạn cuối khi đóng đạt nhiều cảnh khó, đòi hỏi khả năng biểu đạt nội tâm hay hành động.
Dàn nhân vật đông đảo phần nào khiến mạch phim rời rạc, dài dòng. Ê-kíp phải dành nhiều thời lượng triển khai các câu chuyện phụ về Lý Cường, bà ba hay Binh Tư. Một số câu chuyện nhỏ không được triển khai hết. Vụ kiện của ông giáo Thứ với tầng lớp quan lại chưa đi đến hồi kết. Xung đột giữa cha con Bá Kiến - Lý Cường bị bỏ ngỏ. Cuộc chiến "hậu cung" của ba bà vợ ít được nhắc tới trong phim… Cách kể chuyện theo hướng liệt kê sự việc, không tạo kịch tính hay hứng khởi cho người xem.
Các cú hích, điểm nhấn trong phim chưa đủ lớn để phát triển câu chuyện một cách hợp lý. Chuyển biến tính cách các nhân vật diễn ra có phần đột ngột, ngẫu hứng, chưa đủ thuyết phục."
Những ý kiến trên đã phần nào chỉ ra một số điểm yếu cơ bản trong phim "Cậu Vàng". Đó là kịch bản ôm đồm quá nhiều sự kiện và tuyến nhân vật, không rõ nhân vật chính là ai và vấn đề trong việc phóng tác từ văn học sang điện ảnh. Người viết sẽ đi sâu vào việc bộ phim đã kế thừa và thay đổi những gì từ nguyên gốc văn học cũng như hiệu quả nghệ thuật đạt được đến đâu.
Trong quá trình chuyển thể, cải biên hay phóng tác từ tác phẩm văn học sang điện ảnh, những nhà làm phim hoàn toàn có quyền sáng tạo và thay đổi để làm nên một tác phẩm mới, thoát ra khỏi cái bóng của nguyên gốc. Nhưng đúng như đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã nhận định ở trên, cần tránh lẫn lộn và xác định rõ mục đích làm phim là gì: tri ân, tôn trọng tinh thần của tác phẩm văn học hay muốn thu hút khán giả bằng những yếu tố khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.