Từ phim "Cậu Vàng" thấy gì qua cách làm phim "lấy cảm hứng"?

Vũ Hoàng Thứ sáu, ngày 15/01/2021 16:30 PM (GMT+7)
Không phải ngẫu nhiên mà các nhà làm phim "Cậu Vàng" đã phải nhấn mạnh ngay từ dòng chữ đầu tiên hiện lên ở đầu phim rằng: "Đây là tác phẩm lấy cảm hứng từ những truyện ngắn của nhà văn Nam Cao và tâm nguyện của cố NSND Bùi Cường".
Bình luận 0

Việc xác định chỉ "lấy cảm hứng" đã tạo cho những người làm phim "Cậu Vàng" một tâm thế thoải mái trong việc chuyển dịch, cải biên tác phẩm văn học. Nhà biên kịch, nhà đạo diễn đã đẩy tác phẩm ra xa bản gốc, chỉ lấy một số điểm đinh, sáng rồi gia cố, xử lý, thêm thắt.

Từ phim "Cậu Vàng" thấy gì từ cách làm phim "lấy cảm hứng" - Ảnh 1.

"Cậu Vàng" - phiên bản điện ảnh được lãng mạn hóa.

Lãng mạn, trữ tình hóa và đem màu sắc tươi sáng hơn cho "Cậu Vàng"

Tinh thần chung và hướng đi mà họ chọn thể hiện trong bộ phim "Cậu Vàng" là làm lãng mạn hóa, trữ tình hóa và đem màu sắc tươi sáng hơn cho câu chuyện vốn đầy u ám, bế tắc và theo phong cách hiện thực phê phán của cố nhà văn. Việc chọn lựa thủ pháp, phương tiện, kĩ thuật, kĩ xảo... luôn là những vấn đề quan trọng góp phần kiến giải ý nghĩa và giá trị của câu chuyện "viết trên giấy trắng" hay "viết trên hình ảnh". 

Chính việc lựa chọn thay đổi phong cách và thủ pháp thể hiện theo hướng lãng mạn, trữ tình, thiên về tính duy mỹ (làm đẹp hóa) đã biến "Cậu Vàng" trở thành một phiên bản "cổ tích" lý tưởng.

Từ phim "Cậu Vàng" thấy gì từ cách làm phim "lấy cảm hứng" - Ảnh 2.

"Cậu Vàng" muốn minh chứng cho thông điệp "Tình yêu có thể vượt lên chiến thắng mọi nghịch cảnh".

Cụ thể, bộ phim đã xuất hiện thêm hai tuyến nhân vật với hai câu chuyện tình yêu giữa Cải và Cò (con trai Lão Hạc); giữa bà vợ ba của Bá Kiến và chàng nghệ sĩ. Hai câu chuyện này được lồng vào bối cảnh ngôi làng thời phong kiến - với đầy áp bức, bất công và sự cùng khổ của người dân sống trong cảnh sưu cao thuế nặng – như là minh chứng cho sức mạnh của tình yêu có thể vượt lên chiến thắng mọi nghịch cảnh. 

Các nhà làm phim đã dụng công không ít trong việc tạo dựng những bối cảnh nên thơ lãng mạn, duy mỹ như cảnh đồng hoa cải vàng rực rỡ như một giấc mơ hạnh phúc của Cải và Cò; cảnh bà Ba và chàng nghệ sĩ gặp nhau trong đêm xem rối nước ở bến sông mờ sương… Bối cảnh làng quê cũng hiện lên thật thanh bình với dòng sông bến nước con đò, triền đê, cánh đồng ngày mùa với những đôi trai gái đối đáp giao duyên… Các nhà làm phim có dụng ý không nêu rõ bối cảnh không gian và thời gian cụ thể của câu chuyện mà chỉ mang tính ước lệ.

Từ phim "Cậu Vàng" thấy gì từ cách làm phim "lấy cảm hứng" - Ảnh 4.

Trang phục, hóa trang của các nhân vật trong phim "Cậu Vàng" khá hiện đại, sạch sẽ sáng sủa.

Tinh thần lãng mạn ở trong phim "Cậu Vàng"

Tinh thần lãng mạn còn thể hiện rõ trong việc giải quyết mâu thuẫn xung đột giữa các nhân vật theo nguyên lý "ác giả ác báo", "cứu vật vật trả ơn, giết vật vật báo oán" đúng như trong truyện cổ tích dân gian.

Từ phim "Cậu Vàng" thấy gì từ cách làm phim "lấy cảm hứng" - Ảnh 5.

Mâu thuẫn giai cấp giữa các nhân vật trong truyện của Nam Cao đã được chuyển thành mâu thuẫn cá nhân.

Mâu thuẫn giai cấp giữa các nhân vật trong truyện của Nam Cao đã được chuyển thành mâu thuẫn cá nhân giữa bố con Bá Kiến – Lý Cường với Lão Hạc và Cậu Vàng theo cách rất duy tâm: chỉ một lời phán của ông thầy bói rằng: "Đất nhà lão Hạc có Long mạch" mà kéo theo một loạt những âm mưu thủ đoạn tranh chấp sau đó. 

Các nhà làm phim đã biến chuyển vai trò của lão Hạc và Cậu Vàng từ người bị hại – nạn nhân của tầng lớp cường hào ác bá trở thành những người hùng đấu tranh với cái ác, cái xấu. Nếu lão Hạc chọn cái chết và giấu văn tự đất đai để phản kháng "bất bạo động" thì Cậu Vàng đã dùng cách trả thù cho chủ một cách khốc liệt, từ đó giải quyết mọi mâu thuẫn của phim khá dễ dàng.

Cái kết phim có thể coi là có hậu cho các nhân vật khi bố con Bá Kiến phải trả giá. Các cặp đôi được bên nhau và khép lại với hình ảnh hạnh phúc của Cải và Cò vui đùa với cậu Vàng giữa đồng hoa vàng rực. Một cái kết "happy-ending" giống như trong các câu chuyện cổ tích "và từ đó họ sống bên nhau hạnh phúc mãi mãi…".

Từ phim "Cậu Vàng" thấy gì từ cách làm phim "lấy cảm hứng" - Ảnh 6.

Một cái kết "happy-ending" giống như trong các câu chuyện cổ tích.

Các nhà làm phim rất muốn xoa dịu người xem, ngay cả cái chết của lão Hạc cũng được làm nhẹ đi nhiều so với cái chết đau đớn, tức tưởi trong truyện. Nhưng vì thế mà một khán giả xem phim xong ra khỏi rạp đã nói: "Sao tôi không thấy thương cho nhân vật lão Hạc?". Có lẽ, bởi tình thương chỉ đến khi người xem cảm nhận được nỗi đau, nỗi khổ của nhân vật. Còn trong phim, các nhân vật đã bớt khổ nhiều rồi!.

Sa đà vào tình tiết, chưa tô đậm giá trị nhân văn

Điểm sáng của bộ phim đọng lại vẫn là tinh thần nhân văn của những hình ảnh cảm động như: lão Hạc ôm Cậu Vàng vuốt ve thủ thỉ, tình làng xóm sẻ chia lúc khó khăn hoạn nạn, hình ảnh chú chó đầy tình nghĩa đã lan tỏa, cảm hóa được cả một tên giang hồ Binh Tư tưởng chỉ biết có rượu và tiền. "Đến con chó nó còn biết sống sao cho phải đạo, nữa là con người!". Câu nói (tuy hơi lộ liễu phô bày chủ đề) của Binh Tư đã đọng lại được trong người xem những suy ngẫm về đạo lý làm người. Tiếc rằng các nhà làm phim đã quá tham và sa đà vào những tình tiết mang tính "mê-lô" như chuyện tình bà Ba, ham muốn của Lý Cường… mà chưa tô đậm, làm sâu sắc hơn những giá trị nhân văn và nỗi đau của các nhân vật chính.

Từ phim "Cậu Vàng" thấy gì từ cách làm phim "lấy cảm hứng" - Ảnh 7.

Các nhà làm phim đã quá tham và sa đà vào những tình tiết như: chuyện tình bà Ba, ham muốn của Lý Cường…

Trong quá trình chuyển thể, cải biên hay phóng tác từ tác phẩm văn học sang điện ảnh, những nhà làm phim hoàn toàn có quyền sáng tạo và thay đổi để làm nên một tác phẩm mới, thoát ra khỏi cái bóng của nguyên gốc. Nhưng điều quan trọng là tập trung giải quyết những gì đã đưa ra và làm nổi bật mục tiêu cũng như sự lựa chọn cho tinh thần của tác phẩm để người xem có được cảm nhận sâu sắc.

Trong cuốn "Những thế giới song hành: từ truyện ngắn đến điện ảnh" (NXB Đại học Huế, 2020), tác giả Nguyễn Văn Hùng đã đưa ra quan điểm: "Giữa truyện ngắn và điện ảnh có mối quan hệ đặc biệt, xuyên thấm, cộng sinh, bổ trợ cho nhau, chứ không phải tồn tại theo hai đường thẳng song song… Trong sự song hành giữa truyện ngắn và điện ảnh, người đọc được thưởng thức và trải nghiệm ở một không gian, một hình hài, một đời sống khác và tiếp tục giải mã, làm đầy các kí hiệu theo vốn sống mà mình có. Như thế, mỗi thể loại đều có những thế mạnh, phương thức diễn đạt riêng, nhưng đều không tách rời tính thẩm mỹ".

 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem