Đào tạo tiến sĩ: Sẽ chấm dứt nạn "gánh vàng đi đổ sông Ngô"

GS-TSKH-NGND Vũ Minh Giang (Đại học Quốc gia Hà Nội) Thứ bảy, ngày 10/07/2021 11:42 AM (GMT+7)
Ngày 28/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GĐ-ĐT) đã ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, ban hành kèm Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT. Văn bản quy phạm mới này nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ sở đào tạo tiến sĩ, các nhà khoa học và nghiên cứu sinh. Dân Việt xin giới thiệu bài viết của GS-TSKH-NGND Vũ Minh Giang.
Bình luận 0

Quyết định bám sát nhu cầu và đáp ứng đòi hỏi cấp bách

Quy chế là loại văn bản có hai đặc tính hết sức quan trọng. Đó là những quy định buộc phải theo những chuẩn tắc để đảm bảo tính nghiêm minh và thống nhất cho một loại hình hoạt động nào đó. Nhưng đồng thời, Quy chế còn có chức năng điều chỉnh hành vi, tác động tới những người tham gia hoạt động hướng tới mục tiêu cần đạt. Văn bản mới ban hành này chưa phải là một Quy chế "mới", bởi phần nhiều vẫn giữ những nội dung trong Quy chế đã được ban hành ngày 04/4/2017 cùng Thông tư số/08/2017 TT-BGDĐT của Bộ GĐ-ĐT. Tuy nhiên, Quy chế chỉnh sửa, bổ sung sung lần này có một số điểm mới quan trọng, sẽ có tác động ngay đến quá trình đào tạo tiến sĩ.

Đào tạo tiến sĩ: Sẽ chấm dứt nạn "gánh vàng đi đổ sông Ngô" - Ảnh 1.

GS-TSKH-NGND Vũ Minh Giang. Ảnh: Đại học quốc gia Hà Nội

Có một thực tế là sau khi Quy chế 2017 được ban hành với quy định cả người hướng dẫn và nghiên cứu sinh buộc phải có công bố quốc tế nằm trong danh mục ISI/SCOPUS thì hầu hết các cơ sở đào tạo tiến sĩ trong cả nước đều lâm vào tình trạng khó khăn. Thậm chí có ngành không có nghiên cứu sinh nào ứng thí. Thoạt nhìn thì dễ đi tới nhận xét rằng các cơ sở đào tạo của ta kém quá, không đáp ứng được trình độ quốc tế. Do đó đưa ra quy định này là để nâng chất lượng tạo tiến sĩ từng bước hội nhập với thế giới. Trên thực tế vấn đề không đơn giản như vậy.

Có nhiều cách phân loại khoa học, nhưng để nói về tính quốc tế ở mức độ cao chỉ có một số lĩnh vực mà điển hình là Toán và sau đó là Lý, Hóa… Rất nhiều lĩnh vực khoa học còn lại mang tính khu vực. Ngay cả trong khoa học tự nhiên đối tượng và kết quả nghiên cứu cũng phụ thuộc vào những khu vực cụ thể như Sinh, Địa.... Khoa học xã hội và nhân văn là những lĩnh vực không thể thoát ly khỏi hoạt động của con người trong một không gian nhất định, phụ thuộc rất nhiều đặc điểm văn hóa, xã hội, chính trị của từng quốc gia, dân tộc mà trước hết và chủ yếu phải phục vụ đường lối, chính sách và sự phát triển của quốc gia dân tộc mình. Vì vậy, bắt buộc những nhà nghiên cứu, các nghiên cứu sinh trong các lĩnh vực này phải đưa kết quả nghiên cứu ra nước ngoài công bố cần phải xem xét lại.

Các công trình trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của ta chủ yếu viết về Việt Nam. Để đăng, thường phải chen vào các tạp chí viết chung về Đông Nam Á (có hơn chục nước) hoặc châu Á (có gần 60 nước) nên mỗi năm số bài về Việt Nam được chấp nhận đăng là rất ít. Thứ hai, không dễ gì các tạp chí trong danh mục ISI/SCOPUS của các nước phương Tây chấp nhận quan điểm, cách tiếp cận dựa trên học thuyết Mac-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của các học giả Việt Nam, nên cửa đăng bài về Việt Nam càng hẹp hơn. Thứ ba, điều tôi muốn nhấn mạnh là để thích ứng với những "quy định cứng" này đang có xu hướng tìm đường có công bố quốc tế bằng mọi giá, vừa không thực chất vừa xa dần tính thực chất của nghiên cứu khoa học. Trong vài năm trở lại đây bắt đầu xuất hiện những bài về KHXH&NV của tác giả Việt Nam trên một tạp chí nằm trong danh mục ISI/SCOPUS của một số nước, nhưng nói một cách thẳng thắn, những bài viết như vậy khó có thể đăng được trên tạp chí chuyên ngành ở Việt nam.

Trong tình hình như vậy tôi đánh giá rất cao những điều chỉnh mới trong Quy chế đào tạo tiến sĩ, hướng tới thực chất của hoạt động nghiên cứu khoa học. Tôi hiểu việc Quy chế đưa ra quy định các bài công bố tại các tạp chí trong nước theo tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước đạt từ 0,75 điểm công trình trở lên (thay vì bắt buộc phải có công bố quốc tế), các công bố nghiên cứu khoa học bằng những kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ đã đăng ký và được cấp bằng độc quyền sáng chế quốc gia hoặc quốc tế; hoặc giải thưởng chính thức của cuộc thi quốc gia hoặc quốc tế trong lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành thể dục, thể thao, được công nhận bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền vừa phản ánh đúng thực tế, vừa tạo động lực để các tạp chí trong nước không ngừng nâng cao chất lượng.

Quyết định này của Bộ GD- ĐT có tầm nhìn, bám sát nhu cầu và đáp ứng đòi hỏi cấp bách của tình hình thực tiễn. Bởi các cơ sở đào tạo sau đại học, đặc biệt là cơ sở đào tạo tiến sĩ, trong một thời gian khá dài đã gặp nhiều vướng mắc với quy chế cũ. Tôi tin rằng chỉnh sửa mới của Bộ GDĐT sẽ đáp ứng được yêu cầu mà các cơ sở đào tạo đang chờ đón.

Đào tạo tiến sĩ: Sẽ chấm dứt nạn "gánh vàng đi đổ sông Ngô" - Ảnh 3.

Lễ trao bằng tiến sĩ năm 2020 tại Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội - ảnh minh họa).

Phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng

Về một phương diện khác tôi cho rằng, nơi công bố (NXB, Tạp chí) rất quan trọng nhưng mới chỉ là những "bao bì đẹp". Điều quan trọng là chất lượng bên trong của công bố mới có ý nghĩa quyết định. Đối với nghiên cứu Việt Nam thì bài đăng trên tạp chí nước ngoài không hẳn đã có chất lượng cao hơn đăng trên tạp chí trong nước. Điều rất đáng nói là với điều chỉnh mới này Bộ GD-ĐT đã đặt lòng tin vào đánh giá của các nhà khoa học trong nước, trước hết là các chuyên gia của Hội đồng Giáo sư nhà nước.

Nên có những quy định khuyến khích công bố quốc tế bằng cách đưa ra điểm công trình cao nhưng nếu đưa nó thành thành một tiêu chí bắt buộc và duy nhất là không khoa học. Tôi đánh giá cao điểm mới lấy tiêu chí chất lượng khoa học là chính. Điều này rất phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là phải đi vào thực chất, không chạy theo hình thức..

Quy chế cũ lấy tiêu chí bài báo được đăng trong hệ thống ISI/SCOPUS như một điều kiện tiên quyết, bắt buộc, với mong muốn nhanh chóng quốc tế hóa hoạt động đào tạo tiến sĩ của Việt Nam. Nhưng có lẽ khi đó, chúng ta chưa lường tính được hết. Ở đây, tôi chỉ nói đến những lĩnh vực mà tôi có hiểu biết.

Thứ nhất, ISI/SCOPUS chỉ là một cách phân loại, không tuyệt đối đúng với tất cả các lĩnh vực khoa học. Như trên đã nói, nếu chúng ta tuyệt đối hoá, coi đây là chuẩn mực quốc tế duy nhất để đánh giá chất lượng công trình thì chẳng những mục tiêu đề ra không đạt được mà còn dẫn đến tình trạng nghiên cứu sinh tìm mọi cách "lách" để có bài đăng trên tạp chí quốc tế một cách không thực chất. Hiện tượng khá phổ biến (bắt đầu thấy ở một số trường đại ở địa phương) là tìm đến những tạp chí ISI/SCOPUS ít được biết đến, chỉ cần đáp ứng yêu cầu nộp 1-2000 USD và được chấp nhận in rất nhanh. Nhiều khi tạp chí chẳng liên quan quan gì đến chuyên môn, chẳng hạn như Nghiên cứu Lâm nghiệp (forestry studies) nhận đăng bài về lịch sử Việt Nam. Tệ hại hơn là bắt đầu hình thành một số trung tâm viết bài quốc tế thuê mà thực chất là được ghép tên vào một tập thể nào đó sau khi phải trả một khoản phí.

Đấy là chưa kể những trung tâm dịch vụ đăng bài quốc tế, nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến tình trạng thương mại hoá. Nhiều cơ sở đào tạo bỏ tiền ra thưởng cho bài quốc tế (kể cả dạng thuê viết này) một khoản tiền nhiều hơn chi phí nộp cho các trung tâm viết thuê, có những quỹ khoa học cấp kinh phí nhiều trăm triệu chỉ cần sản phẩm có 1,2 bài báo quốc tế. Rõ ràng những sản phẩm kiểu này không thực chất, không nâng cao chất lượng nghiên cứu mà còn hao phí nguồn lực theo kiểu "gánh vàng đi đổ sông Ngô".

Thứ hai, không phải tạp chí nào cũng phù hợp với lĩnh vực chuyên môn nói chung, cũng không phải tạp chí nào cũng góp phần phát triển khoa học Việt Nam.

Nếu không cẩn thận và duy ngoại thì các bài báo tốt nhất các tác giả tìm mọi cách đưa ra nước ngoài thì các tạp chí trong nước sẽ không phát triển được. Đấy là chưa kể nếu cứ tiếp tục tình trạng này thì khoa học Việt Nam sẽ rơi vào bế tắc trong tư tưởng sùng bái nước ngoài.

Về KHXH&NV trong nước có rất nhiều tạp chí tốt đang rất cần nguồn lực (bài có chất lượng và đầu tư kinh phí) để phát triển, nhưng xu thế hướng ngoại tràn lan đã khiến việc này dần trở nên khó thực hiện.

Phải loại ngay những công bố không thực chất

Ở một phương diện khác, chúng ta đang không chú ý những công bố bất lợi cho hình ảnh Việt Nam đang ngày càng gia tăng trên các tạp chí ngước ngoài như vấn đề ô nhiễm môi trường, các vấn nạn xã hội, những tiêu cực trong kinh tế-xã hội… Những bài viết rất khách quan, số liệu và phân tích rất khoa học, nhưng chúng ta thử hình dung hình ảnh của Việt Nam trong mắt thế giới sẽ như thế nào khi công bố khoa học quốc tế chỉ xoay quanh những chủ đề như vậy mà hầu như rất ít nói về những điểm sáng, những thành tựu về phát triển kinh tế, xã hội và ổn định chính trị ở Việt Nam.

Thứ ba, tôi đánh giá rất cao tầm nhìn của Bộ GD-ĐT trong việc bám sát thực tế bởi tạp chí khoa học trong nước chưa chú trọng hình thức chứ chất lượng không kém. Để đưa vào xếp hạng và phân loại, các tạp chí trong nước chủ yếu phải phấn đấu về mặt hình thức. Tôi thấy rất nhiều nhà khoa học ủng hộ điều chỉnh này, nhưng cũng có người cho rằng "chấp nhận"các bài công bố tại các tạp chí trong nước theo tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Giáo sư Nhà nước đạt từ 0,75 điểm trở lên là bước thụt lùi, hạ thấp chuẩn đầu ra đối với tiến sĩ.

Trước hết, tôi thấy không nên dùng từ "chấp nhận". Bởi tư duy "chấp nhận" các bài công bố trên tạp chí trong nước là một tâm lý mặc cảm tự ty, mặc nhiên coi tất cả các bài được đăng trên các tạp chí trong danh mục ISI/SCOPUS là ở đẳng cấp cao hơn các bài đăng trong nước. Điều này không đúng cả trên lý thuyết lẫn thực tiễn nên cần căn chỉnh lại.Như đã nói ở trên, không ít bài viết về KHXH&NV công bố ở nước ngoài chất lượng không hơn công bố trong nước. Thậm chí có những bài khó được đăng trên tạp chí chuyên ngành được Hội đồng chức danh cho điểm cao. Chúng ta phải có sự tự tin trong giới khoa học của Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế, xã hội của đất nước trong thời gian vừa qua.

Tôi tin là sau khi Quy chế này ban hành thì những hiện tượng tiêu cực như thuê viết bài, trả tiền để được đăng bài quốc tế là một nỗi đau cho các nhà khoa học, các nghiên cứu sinh, mà nhìn xa ra là giới khoa học trong nước sẽ biến mất.

Phải loại ngay những công bố không thực chất. Cần sớm chấm dứt vấn nạn "gánh vàng đi đổ sông Ngô" về những bài báo công bố quốc tế không phục vụ gì nhiều cho Việt Nam, lãng phí nguồn lực quốc gia.

Chúng ta cần những quy định điều tiết sự phát triển của khoa học đất nước. Trong đó có việc là dần dần, các tạp chí của chúng ta sẽ phải nâng cao chất lượng, đồng thời, hội nhập quốc tế theo cách của mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem