Đầu tư FDI vào Việt Nam: Khắc phục các rào cản để “làm tổ” đón… đại bàng

Quốc Hải Thứ năm, ngày 11/08/2022 16:14 PM (GMT+7)
Bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn đang và sẽ là điểm đến đầu tư hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, để biến cơ hội thành hiện thực đòi hỏi phải khắc phục nhiều rào cản mới khơi thông được làn sóng đầu tư đó…
Bình luận 0
Khắc phục các rào cản để “làm tổ” đón… đại bàng - Ảnh 1.

Việt Nam vẫn đang và sẽ là điểm đến đầu tư hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ảnh minh họa: Thaco

Đây là ý kiến được các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế đưa ra tại Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam 2022 chủ đề "Khơi thông làn sóng đầu tư mới", do Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, diễn ra tại TP.HCM sáng nay (11/8).

Cơ hội vàng để đón vốn đầu tư FDI sau dịch

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã thu hút hơn 15,54 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới; vốn giải ngân đạt trên 11,57 tỷ USD tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua. Trong đó, các khu kinh tế, khu công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất.

Hiện, cả nước có 564 khu công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích 211.700 ha, trong đó có 292 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, giai đoạn sau đại dịch, thu hút FDI vào Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để có thể đón được một làn sóng đầu tư mới.

Khắc phục các rào cản để “làm tổ” đón… đại bàng - Ảnh 2.

Các diễn giả, chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam 2022 chủ đề "Khơi thông làn sóng đầu tư mới". Ảnh: Quốc Hải

Cụ thể, theo ông Tuấn, trước hết, với việc kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, duy trì ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, tiềm năng và hấp dẫn trong chính sách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu của các nhà đầu tư.

Thêm vào đó, vị thế quốc tế của Việt Nam đang được nâng cao; sự quan tâm cao của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của các doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng trở lên thông thoáng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. Đặc biệt, lợi thế về nhân lực và thị trường nội địa với gần 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tạo nên một thị trường có sức mua khá lớn, đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, theo ông Tuấn, doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu; Việt Nam có cơ hội đón đầu xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất toàn cầu để thu hút nguồn vốn FDI phát triển một số lĩnh vực mới tại Việt Nam.

Cũng đánh giá về cơ hội lớn của Việt Nam trong thu hút nguồn vốn FDI, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, cho biết, những năm gần đây, trung bình hàng năm, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35-40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước.

Nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thì vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm 70 - 80% tổng vốn đăng ký cả nước.

Đặc biệt, khu công nghiệp, khu kinh tế đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, hiện là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu như: Samsung, Canon, LG, Sumitomo, Foxconn, VSIP…

Khắc phục các rào cản để “làm tổ” đón… đại bàng - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. Ảnh: Quốc Hải

Theo ông Phương, nhiều doanh nghiệp trong nước với khởi đầu là nhà đầu tư phát triển và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đã phát triển thành những tập đoàn đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực, dần vươn tới các thị trường ngoài nước, góp phần khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế như Phú Mỹ 3, Viglacera, Trường Hải, Becamex, Sonadezi, Kinh Bắc…

Đây là những đóng góp đáng ghi nhận của các khu công nghiệp, khu kinh tế về thu hút đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh.

Sớm khắc phục các rào cản để "làm tổ" đón… đại bàng

Dù cơ hội để thu hút nguồn vốn FDI vào các khu công nghiệp của Việt Nam là rất lớn, nhưng các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận hiện tại chúng ta còn khá nhiều rào cản cần tháo gỡ.

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn cho hay, hiện có 4 rào cản lớn khiến dòng vốn có thể bị "tắc": Thứ nhất, thủ tục hành chính còn rườm rà, chồng chéo, thời gian thực hiện quá dài tăng thêm chi phí và thời gian, làm giảm hiệu quả dự án đầu tư; Thứ hai là việc giải phóng mặt bằng cho các khu công nghiệp mới thành lập còn nhiều vướng mắc, kéo dài; Thứ ba là các vấn đề về thực thi pháp luật, nhất là chính sách ưu đãi đầu tư, hoàn thuế với doanh nghiệp chế xuất;  Thứ tư là vấn đề thiếu hụt nguồn cung lao động chất lượng cao cho các khu công nghiệp, vấn đề nhà ở, phúc lợi xã hội cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp - khu kinh tế.

Khắc phục các rào cản để “làm tổ” đón… đại bàng - Ảnh 4.

Các diễn giả tại phiên thảo luận mở tại diễn đàn. Ảnh: Quốc Hải

Đồng tình quan điểm này, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, cũng nhấn mạnh, hiện nay, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế theo chiều rộng gặp khó khăn do nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên đã tới hạn trong khi năng suất lao động, hiệu quả khai thác tài nguyên chưa cao; chưa đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với yêu cầu về bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội,…

"Đặc biệt, việc duy trì lợi thế cạnh tranh của khu công nghiệp, khu kinh tế trong điều kiện các ưu đãi về thuế, đất đai đang có xu hướng giảm dần; liên kết và hợp tác sản xuất công nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế của Việt còn hạn chế…", thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, nhìn nhận.

Theo ông Phương, vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Nghị định này đã bổ sung các loại hình khu công nghiệp, khu kinh tế mới, bỏ thủ tục thành lập khu công nghiệp để giảm bớt thủ tục hành chính và bổ sung, sửa đổi một số quy định để nâng cao hiệu quả sử dung đất trong phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế…

"Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các bộ, ngành và các địa phương tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách và đồng hành cùng với nhà đầu tư để xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh của khu công nghiệp, khu kinh tế ngày càng minh bạch, thuận lợi", ông Phương khẳng định.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cũng đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường thu hút đầu tư trong bối cảnh mới.

Trong đó, chuyên gia này đặc biệt nhấn mạnh đến việc sớm hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cân đối, hợp lý giữa các vùng, miền; phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy liên kết và lan tỏa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hiện đại hóa và đa dạng hóa công tác xúc tiến đầu tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem