ĐBQH chất vấn về kế hoạch phục hồi kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói gì?

Thanh Phong Thứ năm, ngày 11/11/2021 16:41 PM (GMT+7)
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để phục hồi nền kinh tế, gói hỗ trợ phải có quy mô đủ lớn, thời gian phù hợp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
Bình luận 0

Các nước chấp nhận tăng nợ công để phục hồi kinh tế

Trong phiên chất vấn chiều 11/11, ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư về kinh nghiệm quốc tế trong triển khai các gói hỗ trợ và việc thực hiện ở Việt Nam.

Ngoài ra, ĐBQH Ma Thị Thúy cũng đặt vấn đề về mục tiêu, phạm vi, đối tượng của chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và ý kiến của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư về việc nên sớm triển khai tuyến đường cao tốc nối Phú Thọ - Tuyên Quang - Hà Giang.

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đại dịch Covid-19 chưa có tiền lệ, tác động nặng nề đến toàn bộ các mặt kinh tế - xã hội cả thế giới, trong đó có Việt Nam.

Về kinh nghiệm triển khai các gói hỗ trợ của các nước trên thế giới, Bộ trưởng Chí Dũng cho biết, các nước thường đưa ra các gói hỗ trợ rất lớn, quyết định rất nhanh, bất chấp kỷ luật tài chính, chấp nhận tăng nợ công, nợ chính phủ của họ... và thực hiện dễ dàng, làm nhanh qua đó khôi phục kinh tế rất nhanh.

ĐBQH chất vấn về kế hoạch phục hồi kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói gì? - Ảnh 1.

ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang). Ảnh: Văn phòng Quốc Hội

"Vừa qua Mỹ đã bỏ ra 27,9% GDP và tăng nợ công 21% đẩy tỷ lệ nợ công lên 133% GDP. Tương ứng như vậy, Trung Quốc tăng nợ công thêm 9,7%, tổng nợ công lên 66,8%. Thái Lan tăng nợ công thêm 9,4%, hiện tổng nợ công nước này là 50,5%,…

Chính sách tài khóa các nước đều tăng chi y tế và phòng chống dịch. trợ giúp xã hội và người thu nhập thấp bằng cấp tiền mặt, hỗ trợ tiền điện, an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, miễn giảm thuế,…", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu ví dụ.

Qua đó, quan điểm mục tiêu phạm vi, đối tượng của chương trình hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nghiên cứu, đối với Việt Nam, gói hỗ trợ phải có quy mô đủ lớn, thời gian phù hợp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra, kết hợp linh hoạt chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, gắn kết chặt chẽ với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, chính sách tái cơ cấu nền kinh tế. Tính toán đến cả những tác động trong ngắn hạn, dài hạn; hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm khả thi, hiệu quả...

Qua đó, giúp nền kinh tế phục hồi, phát triển nhanh theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng chống dịch hiệu quả, bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn 2020-2025 đã đề ra.

Trả lời câu hỏi về tuyến cao tốc nối Phú Thọ - Tuyên Quang - Hà Giang, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo quy hoạch tuyến này sẽ được triển khai sau năm 2025 đến năm 2030.

"Tuy nhiên, nếu được triển khai sớm hơn sẽ đem lại nhiều hiệu quả", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm.

Cụ thể, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc sớm triển khai tuyến cao tốc này sẽ giúp kết hợp với các tuyến cao tốc khác, sẽ hình thành mạng lưới đường cao tốc, kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc với thủ đô Hà Nội, đồng bằng Bắc bộ,...

Theo đó, tuyến đường này sẽ kết nối trục dọc hướng tâm về Hà Nội, hướng đến các cửa khẩu, là một trong 5 tuyến cao tốc quan trọng của Tây Bắc để mở ra không gian phát triển mới và kết nối với thị trường xuất, nhập khẩu Trung Quốc.

Bội chi có thể ở mức 1%

Cũng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 11/11, trả lời đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) về việc xác định chỉ tiêu phục hồi kinh tế đã tính toán vấn đề lạm phát hay chưa, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ sở xác định các chỉ tiêu này đã căn cứ vào tình hình thực tiễn.

Theo đó, mục tiêu lạm phát đã được tính trên khả năng khống chế được dịch bệnh vào quý IV, khả năng phục hồi của nền kinh tế khi mở cửa trở lại và lạm phát được kiểm soát.

ĐBQH chất vấn về kế hoạch phục hồi kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói gì? - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Văn phòng Quốc hội)

Ngoài ra, ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn cũng hỏi nội dung đầu tư công đã được tính toán trong kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế chưa? Trả lời nội dung trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, vấn đề này chưa tính vào bội chi và nợ công.

"Nếu được Quốc hội thông qua, bội chi có thể tăng khoảng 1%", Bộ trưởng Dũng cho biết.

Theo đó, chỉ tiêu bội chi nói trên vẫn trong tầm kiểm soát. Đồng thời, hiệu quả của chương trình hỗ trợ giúp kinh tế tăng trưởng sẽ giúp giải quyết nhiều mục tiêu. GDP tăng lên không chỉ làm tăng quy mô nền kinh tế mà các chỉ số về nợ công và bội chi cũng sẽ giảm đi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem