ĐBQH đề nghị "thiến hóa học" kẻ xâm hại tình dục trẻ em

Hoàng Thành Thứ tư, ngày 27/05/2020 13:44 PM (GMT+7)
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, để răn đe và nghiêm trị kẻ xâm hại tình dục trẻ em cần mở rộng hình thức xử phạt như cần "thiến hóa học" kẻ xâm hại để ngăn ngừa loại đối tượng này.
Bình luận 0

Hôm nay (27/5), Quốc hội dành cả ngày họp toàn thể trực tuyến để thảo luận báo cáo giám sát "việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em". Nhiều đại biểu đã đề cập, chỉ ra những "mảng tối" đầy báo động của công tác phòng chống xâm hại trẻ em. 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết: Qua tiếp xúc cử tri, nhiều người quan tâm đến vấn đề xâm hại trẻ em và mong muốn sớm phát hiện, truy tố, xét xử các đối tượng xâm hại.

Thực tế đối tượng xâm hại trẻ em hầu hết là những người thân quen, lợi dụng sự ngây thơ của trẻ em để lạm dụng.

"Cử tri nhắc đến, ai cũng rùng mình, bức xúc, căm ghét, ám ảnh và mong muốn các hành vi xâm hại trẻ em sớm được phát hiện, xử lý nghiêm khắc. Từ thực tế, chúng ta không ngờ đối tượng xâm hại phần lớn lại là người thân quen, thậm chí bố mẹ ruột, với thủ đoạn dã man lợi dụng sự non nớt, ngây thơ của trẻ em" – đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói. 

Đề nghị "thiến sinh học" kẻ xâm hại tình dục trẻ em - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Phó trưởng Đoàn đại biểu chuyên trách tỉnh Quảng Bình.

Đại biểu tỉnh Quảng Bình dẫn chứng, có những tội phạm tái phạm nhiều lần khiến dư luận xã hội hết sức bức xúc. Đơn cử như những vụ ông nội, cha ruột xâm hại bé gái, dọa giết cháu nếu nói sự thật; vụ cháu gái ở chung cư bị đối tượng 70 tuổi xâm hại hay những vụ bảo mẫu, thầy, cô giáo bạo hành, xâm hại trẻ em trong thời gian dài… Những vụ án này thể hiện tính chất phức tạp, kéo dài.

Nhận định các em dù đã cố gắng chống lại, cầu cứu, tố cáo nhưng đâu đó vẫn thiếu cơ chế bảo vệ hiệu quả, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đặt câu hỏi: Liệu còn bao nhiêu trẻ em đang kêu cứu trong tuyệt vọng mà chưa được hồi đáp? Liệu còn bao nhiêu kẻ thủ ác tiếp tục phạm tội bởi pháp luật chưa đủ xử lý và răn đe? Vết thương lòng của các em khi nào lành lặn?...

Từ đó, Phó trưởng Đoàn đại biểu chuyên trách tỉnh Quảng Bình cho rằng, nhiều quy định pháp luật về tội "ấu dâm" chưa rõ ràng, chưa có phòng xử án "thân thiện"... Có vụ việc bị gia đình che giấu, không dám tố cáo. Nhiều vụ việc để lại hậu quả nghiêm trọng như trẻ tự tử, trẻ tự làm hại bản thân mình.

Theo ông, xã hội cần vào cuộc quyết liệt để bảo vệ, tạo hành lang pháp lý vững mạnh, tiếp nhận thông tin từ trẻ em, gia đình, công khai danh tính kẻ xâm hại, bảo đảm an toàn cao cho trẻ em.

Để răn đe và nghiêm trị, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị mở rộng hình thức xử phạt như: "Thiến hóa học" kẻ xâm hại để ngăn ngừa loại đối tượng này; nâng xử phạt hành chính, lao động công ích, công khai danh tính kẻ xâm hại, ghi tội danh vào hồ sơ lý lịch để răn đe các đối tượng xâm hại, tránh đối tượng tái phạm, cần có "phòng xử án thân thiện".

"Hình thức "thiến hóa học" đã có nhiều nước trên thế giới làm và có hiệu quả, tôi suy đoán, nếu mình đưa hình thức này vào chế tài xử phạt thì ít nhất là sẽ giảm được 50% xâm hại tình dục trẻ em" – đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói.

Đại biểu tỉnh Quảng Bình cũng cho rằng, các bộ ngành liên quan cần nghiên cứ để có cơ chế phối hợp trong quá trình lấy lời khai của trẻ bị xâm hại, cần phải có sự có mặt của bác sỹ tâm lý, người giám hộ, có thể ghi hình để làm bằng chứng trước khi tòa xét xử.

"Chúng ta phải quan tâm đến vấn đề tổn thương đến sức khỏe và tâm lý của những trẻ em bị xâm hại… Báo chí khi thông tin cần phải bảo mật hình ảnh và tên tuổi để tránh làm ảnh hưởng đến tương lai của trẻ bị xâm hại" – đại biểu Nguyễn Ngọc Phương lưu ý.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị, cần tập huấn cho đội ngũ điều tra, kiểm sát, xét xử nghiệp vụ, kỹ năng khi làm việc với trẻ em. Đặc biệt, phải thống nhất trong quan điểm không đưa ra lý do biện hộ cho hành vi xâm hại đến trẻ em do nạn nhân ăn mặc hở hang hay do say rượu.

"Đề nghị bổ sung trong Luật Giám định tư pháp theo hướng việc giám định tư pháp với những vụ việc xâm hại trẻ em là loại hình đặc biệt cần phải hết sức quan tâm" – đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nêu quan điểm. 

Xâm hại trên môi trường mạng để lại hậu quả rất lớn

Dành trọn thời gian phát biểu để phân tích tình trạng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (tỉnh Bắc Kạn) cho rằng, với sự phát triển của Internet, trẻ em đã sớm trở thành "công dân mạng", tham gia rất nhiều hoạt động trên mạng, hấp thụ cả những ảnh hưởng tốt và chịu chi phối cả những mặt tiêu cực trên mạng.

Đề nghị "thiến sinh học" kẻ xâm hại tình dục trẻ em - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (tỉnh Bắc Kạn).

Tuy nhiên, mặt trái của môi trường mạng đang gây ra nhiều nguy cơ với trẻ em, trong khi Việt Nam thuộc tốp các quốc gia dùng internet nhiều nhất thế giới. Do đó, nhiều hình ảnh về xâm hại, bạo lực trên môi trường mạng bị kẻ xấu đưa lên, chia sẻ, ảnh hưởng không nhỏ đến các em.

"Xâm hại trên môi trường mạng để lại hậu quả rất lớn. Nếu xâm hại ngoài xã hội chỉ được một vài người chứng kiến thì hình ảnh xâm hại bị đưa lên mạng có thể theo các em suốt cuộc đời", đại biểu Thủy nói và cho biết, mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh trẻ em bị xâm hại, trong đó phần lớn là xâm hại tình dục, được tung lên mạng xã hội.

Đại biểu tỉnh Bắc Kạn phân tích, thủ đoạn mà các kẻ xấu thường sử dụng là thiết lập các phòng chat ảo, dùng nhiều thủ thuật để lôi kéo, dụ dỗ trẻ em như cùng chia sẻ vấn đề trẻ quan tâm, giả làm người cùng giới để trò chuyện...

Khi đã gây được thiện cảm với trẻ, chúng bắt đầu chia sẻ, cho các em xem phim khiêu dâm, hướng dẫn đóng phim, rồi cuối cùng sử dụng chính hình ảnh đó để đe dọa, ép buộc các em gặp ngoài đời thực, ép quan hệ tình dục...

Từ phân tích trên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị các phụ huynh dành sự quan tâm và thời gian thỏa đáng để chia sẻ với các con các vấn đề này.

Đồng thời, Bộ Công an thông tin đầy đủ phương thức, thủ đoạn của tội phạm này và có các phương án đấu tranh mạnh mẽ, hiệu quả  đối với loại tội phạm này.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào chương trình giáo dục các biện pháp phòng, chống xâm hại trên môi trường mạng.

Mảng tối đáng báo động

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng: Những con số đau lòng khi mỗi ngày trung bình có 7 trẻ em bị xâm hại, 1 năm có 38 trẻ em bị giết hại, 133 trẻ em bị thương tích, 1286 trẻ em bị xâm hại và 84 trẻ em mang thai...cho thấy "mảng tối" của công tác phòng chống xâm hại trẻ em là đáng báo động.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Hòa, qua thực tế cho thấy còn nhiều trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, chưa đầy đủ xử lý nhất là các hành vi bạo lực gia đình xuất phát từ những người thân gây tổn hại về thể chất, tinh thần, sức khỏe cho trẻ em.

Công tác theo dõi thống kê chưa được đầy đủ, điều này phản ánh chưa đúng thực trạng trẻ em bị bạo hành và trách nhiệm của các ngành, các cấp về bảo vệ chăm sóc trẻ em không được quan tâm đúng mức.

Theo đại biểu, đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, có trình độ, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau. Nhiều đối tượng có mối quan hệ với trẻ như người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ chiếm trên dưới 90%. Có đối tượng là giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục, cán bộ công chức viên chức người cao tuổi…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem