“ĐBQH không thể nói việc này em không học, không làm nên không biết”

PVCT Thứ ba, ngày 09/06/2020 15:24 PM (GMT+7)
“Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) không thể nói việc này em không học, không làm nên không biết, không tham gia được, mà phải biết để tham gia. Do đó cần phải có tiêu chuẩn cụ thể đối với ĐBQH, đây là điều rất quan trọng để cử tri xem xét khi lựa chọn bầu”, ĐBQH Bùi Văn Phương, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Ninh Bình nói.
Bình luận 0

Chiều nay (9/6), Quốc hội thảo luận tại hội trường trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Phát biểu góp ý, ĐBQH Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đã đặt vấn đề: ĐBQH đứng ở vị trí nào trong hệ thống chính trị. Theo ông, yêu cầu tiêu chuẩn của ĐBQH chắc chắn phải cao, để trở thành nghị sĩ Quốc hội chắc chắn không hề dễ dàng.

"Nhưng hiện nay ĐBQH của chúng ta chưa xếp vào hàng nào trong hệ thống cán bộ. Tất cả cán bộ từ chức cao nhất đến chức thấp nhất là ở thôn, xóm, tổ dân phố, đã là cán bộ đều có quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, chủ động bố trí khi cần thiết, nhưng với ĐBQH thì không", ĐB Phương nói.

“ĐBQH không thể nói việc này em không học, không làm nên không biết” - Ảnh 1.

ĐBQH Bùi Văn Phương (Ảnh quochoi.vn).

Theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Ninh Bình, đối với công tác cán bộ sau nhiều lần đổi mới sự đột phá nhất của Nghị quyết Trung ương, đó là cán bộ ngoài tiêu chuẩn chung, phải có thêm tiêu chuẩn cụ thể. Đó là yêu cầu quan trọng để lựa chọn những người được lựa chọn bố trí vào vị trí công tác.

"Còn với ĐBQH chỉ có tiêu chuẩn chung như hiện hành thì soi vào đâu chúng ta cũng tìm thấy ĐBQH. Nếu dễ như thế thì chất lượng Quốc hội thì ra sao, trong khi Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, quyết định những vấn đề quan trọng trong đời sống từ chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Do đó ĐBQH phải có am hiểu tương đối toàn diện các lĩnh vực của đất nước.

ĐBQH không thể nói việc này em không học, không làm nên không biết, không tham gia được, mà phải biết để tham gia. Do đó, ĐBQH cần phải có tiêu chuẩn cụ thể, đây là điều rất quan trọng để cử tri xem xét khi lựa chọn bầu", ĐB Bùi Văn Phương nhấn mạnh. 

Theo ông, hiện nay Trung ương đã có quy định tiêu chuẩn cụ thể cho từng chức danh, chức vụ thì ĐBQH cũng cần phải có tiêu chuẩn cụ thể (ngoài tiêu chuẩn chung đã quy định). Ngoài 5 tiêu chuẩn chung, thì ĐBQH cần có tiêu chuẩn cụ thể như phải có am hiểu tương đối toàn diện các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, có khả năng phân tích, tổng hợp, tư duy phản ứng, có kỹ năng diễn đạt và trình bày ý kiến… "Nếu tiêu chuẩn đó được đề ra thì không dễ gì ngay trong vài ngày được ĐBQH", ĐB Bùi Văn Phương nói.

“ĐBQH không thể nói việc này em không học, không làm nên không biết” - Ảnh 3.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Ảnh quochoi.vn).

Đồng tình với ĐB Phương, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) bổ sung thêm: Hệ thống của chúng ta có cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, mỗi loại cơ quan có chức năng riêng, chính vì thế mỗi cán bộ đều có tiêu chuẩn riêng. 

"Tại sao ĐBQH là người của cơ quan dân cử lại không có tiêu chuẩn riêng, lại hòa lẫn tiêu chuẩn với cán bộ công chức. Tôi đề nghị phải quy định rõ tiêu chuẩn của ĐBQH, làm rõ quan điểm chúng ta xây dựng ĐBQH là chính khách quốc gia. Như thế sẽ đảm bảo cho vai trò, vị thế của ĐBQH trong các hoạt động của Nhà nước", ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói.

ĐB Nhưỡng nói thêm, không nên quy định tuổi đối với ĐBQH, áp tuổi đối với ĐBQH giống như đối với cán bộ công chức là không phù hợp.

Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), cần đề xuất người có điều kiện, tài năng và có thời gian để tham gia làm ĐBQH. Nếu ai không thấy mình đáp ứng được thì nên từ chối. "Tới đây sẽ bầu cử ĐBQH khóa XV, rất mong để ý điều này", ĐB Nguyễn Anh Trí nói.

Tiêu chuẩn của ĐBQH theo Luật hiện hành:

1. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.

4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem