Đề Văn cuối kỳ 1 lớp 12 ở An Giang gây tranh cãi, khiến nhiều người "hoang mang"

Tào Nga Thứ tư, ngày 20/12/2023 15:42 PM (GMT+7)
Đề Văn cuối kỳ 1 lớp 12 ở An Giang ngay sau khi được chia sẻ đã gây tranh cãi lớn trong cộng đồng mạng với ngữ liệu được đưa ra và cách đặt câu hỏi.
Bình luận 0

Đề Văn cuối kỳ 1 lớp 12 ở An Giang gây tranh cãi có nội dung gì?

Ngày 19/12, Sở GDĐT An Giang tổ chức kiểm tra cuối kỳ I cho học sinh khối 12 năm học 2023-2024. Đề thi có thời gian 90 phút với 2 phần Đọc hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm).

Tuy nhiên, ngay sau khi học sinh thi xong và đề thi cuối kỳ 1 lớp 12 ở An Giang được chia sẻ trên mạng xã hội đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. 

Đề Văn cuối kỳ 1 lớp 12 ở An Giang gây tranh cãi vì "khiến cả nước hoang mang" - Ảnh 1.

Đề Văn cuối kỳ 1 lớp 12 ở An Giang đang nhận được nhiều quan tâm. Ảnh: CMH

Cụ thể, ở phần Đọc hiểu, đề Văn cuối kỳ 1 lớp 12 ở An Giang có nội dung đọc văn bản "Đêm nghe dạ cổ hoài lang trên Tam Đảo" và thực hiện các yêu cầu bài thơ được viết theo thể thơ nào? Dạ cổ hoài lang có nghĩa là gì?...

Có nhiều người cho biết cảm thấy "hoang mang" khi đọc đề thi này. Trong khi đó nhiều người cho rằng đây là một đề thi dễ và hay. Nếu hoang mang là do học sinh học không trúng "tủ". Đề này cần cảm xúc, tư duy và nền tảng kiến thức cảm thụ tốt, còn học vẹt thì xem như bó tay.

Giáo viên nhận xét đề Văn cuối kỳ 1 lớp 12 ở An Giang gây tranh cãi

Trước tranh cãi đề thi với những ý kiến trái chiều, thầy Lê Đình Hùng, một giáo viên dạy Văn ở TP.HCM bày tỏ quan điểm: "Đề thi yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về bài "Dạ cổ hoài lang" với tâm tình của người phụ nữ là chưa phù hợp. Thật sự, từ khi cải lương không còn được giới trẻ quan tâm nhiều, bản nhạc này không phải ai cũng biết, nhất là thế hệ 9X ở khu vực thành thị. 

Bên cạnh đó, làm sao học sinh biết được: "Tình cảm của người dân đồng bằng sông Cửu Long dành cho bài Dạ cổ hoài lang" như trong đáp án đưa ra? Đồng bằng sông Cửu Long có 13 tỉnh thành, muốn biết được thì học sinh phải làm điều tra xã hội học mới có đáp án. Yêu cầu học học nói "khơi khơi" như vậy thực sự rất khó".

Phần đáp án giải thích cụm "dạ cổ hoài lang" cũng sai. "Cổ" trong "dạ cổ hoài lang" là tiếng/cái trống. Dạ cổ hoài lang là bài hát, điệu hát về tâm sự, nỗi niềm của người đàn bà "đêm nghe tiếng trống nhớ chồng". Muốn giải thích được nhan đề và nội dung bài hát này thì học sinh phải thuộc ca từ cả bài: "Từ là từ phu tướng Bảo kiếm sắc phong lên đàng...".

Vì vậy, câu hỏi "Dạ cổ hoài lang là gì?" sẽ khiến nhiều học sinh không trả lời được. Đáng lẽ đề kiểm tra cần có chú thích vì ngữ liệu này không có trong chương trình sách giáo khoa".

Theo thầy Hùng, đề thi này hay nhưng hệ thống câu hỏi chưa phù hợp. Có thể thay đổi câu 2 hỏi về ý nghĩa của âm hưởng làn điệu dân ca là một gợi ý...

Nhận xét chung về đề thi Văn hiện nay, thầy Hùng đánh giá: "Các đề kiểm tra Văn lớp 12 nhìn chung ổn, không có vấn đề gì đáng bàn. Tuy nhiên, đề thi theo chương trình GDPT năm 2018 thì đòi hỏi giáo viên làm quen và thích nghi dần".

Thầy Hà Văn Vụ, giáo viên Trường THPT Lê Thánh Tôn, quận 7, TP.HCM nêu ý kiến: “Dạ cổ hoài lang là từ Hán Việt nên đề thi lớp 12 hỏi vẫn phù hợp, không gây khó với trình độ học sinh lớp 12. 

Dạ (đêm), cổ (có thể hiểu là cũ, từ này cần phải xác định đúng từ Hán Việt mới rõ thực nghĩa), hoài (ngóng trông, chờ đợi), lang (lang trong lang quân- có thể hiểu là chồng). 

Những từ Hán Việt này các em đã tiếp xúc nhiều ở lớp 9-11 chương trình cũ với các văn bản Văn học trung đại. Nhất là các tác phẩm có nhiều từ Hán Việt trong các bài thơ từ cổ chí kim của chương trình cũ như: Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, các tác phẩm của Nguyễn Công Trứ, Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương hay một số bài thơ trong "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh có rất nhiều từ Hán Việt mà các em đã được tiếp xúc, học tập. 

Vấn đề của đề này nằm ở thang điểm phần đọc hiểu: Câu 1 mức độ Nhận biết 0,75 (0,5 là hợp lý). Câu 2, 3 mức độ Thông hiểu thang điểm nên như nhau. Câu 4 mức độ nhận thức của câu này vận dụng, thang điểm là 0,5 là chưa thực sự hợp lý với mức độ nhận thức của câu hỏi. Câu này thang điểm nên 1,0. 

Nhìn chung đề tương đối bám sát cấu trúc thi tốt nghiệp THPT của Bộ. Nhưng với thời gian 90 phút so với 120 phút của Bộ, đề này vẫn khá nặng vì yêu cầu cần đạt mức độ vận dụng và vận dụng cao lên tới 80% số điểm. Ngữ liệu phân tích văn học cũng khá dài so với thời gian 90 phút mặc dù câu Nghị luận xã hội đã giảm từ 200 chữ xuống còn 150 chữ”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem