Đề xuất quy hoạch đường sắt Hạ Long - Móng Cái: Lãnh đạo ngành Đường sắt nói rõ "tâm tư"
Đề xuất quy hoạch đường sắt Hạ Long - Móng Cái: Lãnh đạo ngành Đường sắt nói rõ "tâm tư"
Thế Anh
Thứ năm, ngày 26/10/2023 17:22 PM (GMT+7)
Chủ tịch HĐTV Tổng công ty đường sắt (VNR) Đặng Sỹ Mạnh cho biết, để hút khách trở lại, đường sắt đang tập trung đầu tư cải tạo phương tiện chất lượng hơn, nâng cấp hệ thống ray cho êm thuận (dùng ray liên), nâng tốc độ chạy tàu.
UBND tỉnh Quảng Ninh kiến nghị Bộ GTVT quy hoạch thêm tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái, hoặc bổ sung đoạn Hạ Long - Móng Cái vào Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (điểm cuối tại TP Hạ Long) do Cục Đường sắt Việt Nam đang triển khai, làm cơ sở để tỉnh kêu gọi, xúc tiến đầu tư cũng như quản lý quỹ đất theo quy hoạch.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, phía Trung Quốc đang triển khai đầu tư tuyến đường sắt từ TP.Phòng Thành đến TP.Đông Hưng thuộc Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây. Sau khi hoàn thành, tuyến đường sắt này sẽ kết nối với mạng lưới đường sắt của Trung Quốc.
Việc sớm triển khai tuyến Hạ Long - Móng Cái sẽ tạo thành mạng lưới đường sắt khép kín kết nối từ Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng (Trung Quốc), góp phần quan trọng trong vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN.
Liên quan tới đề xuất này, trao đổi với PV Dân Việt, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty đường sắt (VNR) Đặng Sỹ Mạnh cho biết: "Đường sắt hiện chỉ khai thác được 20 đôi tàu/ngày đêm trên trục Bắc – Nam, chất lượng tàu cũng chưa đáp ứng được nhu cầu hành khách".
"Trong khi các loại hình vận tải khác như đường bộ, hàng không, đường biển được đầu tư và phát triển mạnh, nên đường sắt khó cạnh tranh, thị phần giảm cũng dễ hiểu", ông Mạnh chia sẻ.
Theo ông Mạnh, để hút khách trở lại, đường sắt đang tập trung đầu tư cải tạo phương tiện chất lượng hơn, nâng cấp hệ thống ray cho êm thuận (dùng ray liên), nâng tốc độ chạy tàu.
Đồng thời, xây dựng tàu kết nối các đô thị để khách có thể đi về trong ngày, bán vé tháng như giữa Hà Nội với Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định; tổ chức mô hình đón khách tận nhà, trả khách tận nơi. Khai thác hiệu quả hơn loại hình du lịch đường sắt, khi đường sắt Bắc – Nam được xếp là đẹp nhất thế giới. Cùng đó là thực hiện các bước đi cơ cấu lại Tổng công ty.
Tăng năng lực khai thác đường sắt liên vận quốc tế
Nói về đề xuất quy hoạch thêm tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái, ông Mạnh cho rằng: "Có thêm tuyến đường sắt này sẽ tăng hiệu quả, năng lực khai thác của ngành đường sắt".
Đường sắt đã tăng cường phát triển thị trường và khai thác nhiều đoàn tàu hàng nội địa cũng như liên vận quốc tế. Những đoàn tàu container liên vận quốc tế đi Trung Quốc, tới Trung Á và châu Âu được khai thác thường xuyên.
"Hiện tàu hàng xuất khẩu ngoài tổ chức từ ga Đồng Đăng (Lạng Sơn), đã có thể thực hiện thủ tục xuất khẩu từ ga Kép (Bắc Giang), ga Cao Xá (Hải Dương), ga Sóng Thần (Bình Dương) để đi thẳng quốc tế", ông Mạnh cho hay.
Vì vậy, quy hoạch thêm tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái, sẽ phát huy được năng lực vận tải đường sắt liên vận quốc tế. Khi đó, khi xây dựng hoàn thành đưa vào vận hành khác, có thể vận chuyển hàng hoá liên vận quốc tế đi/đến tỉnh Quảng Ninh thông qua đường sắt.
Được biết, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 3 tuyến đường sắt gồm:
Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân có chiều dài dự kiến 129km, khổ đường 1.000mm và 1.435mm, lộ trình đầu tư đến năm 2030.
Tuyến đường sắt Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh có chiều dài dự kiến 101km, khổ đường 1.435mm, lộ trình đầu tư sau năm 2030.
Tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái có chiều dài dự kiến 150km, khổ đường 1.435mm, lộ trình đầu tư sau năm 2030.
Triển khai quy hoạch mạng lưới đường sắt, Bộ GTVT đã giao Cục Đường sắt Việt Nam lập quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (điểm cuối tại thành phố Hạ Long).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.