Covid-19 tái bùng phát, kinh tế tăng trưởng đạt bao nhiêu?
Dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát, tăng trưởng kinh tế năm 2021 thế nào?
Huyền Anh
Thứ năm, ngày 11/02/2021 08:35 AM (GMT+7)
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trong kịch bản bất lợi, bệnh dịch Covid-19 trong nước tái bùng phát khiến hoạt động kinh tế bị gián đoạn. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 1,8 - 2,0%.
PGS.TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định, những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế bao gồm: Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 từ giai đoạn sớm giúp duy trì hoạt động kinh tế trong nước, kỳ vọng về triển vọng kinh tế do việc hoàn tất ký kết Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA) đem lại; tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh hơn.
Đồng thời, làn sóng dịch chuyển đầu tư và thương mại nhằm phân tán rủi ro từ cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung; môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát được ở mức chấp nhận được, tạo môi trường cho việc thực thi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.
Sang năm 2021, PGS.TS Phạm Thế Anh đưa ra dự báo tăng trưởng cho Việt Nam theo 2 kịch bản. Trong đó, kịch bản thứ nhất là kịch bản cơ sở. Tại kịch bản này, bệnh dịch Covid-19 không lan rộng trong nước trong phần lớn thời gian của năm và hoạt động kinh tế nội địa tiếp hoạt động bình thường với sự dần trở lại trạng thái bình thường của kinh tế toàn cầu.
Đặc biệt, bệnh dịch Covid-19 ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới có thể tái xuất hiện cục bộ trên quy mô nhỏ ở một số quốc gia. Theo đó, mức độ tác động của dichj Covid–19 lên các ngành nông lâm ngư nghiệp, sản xuất chế biến chế tạo và các ngành trong khu vực dịch vụ sẽ không nghiêm trọng hơn so với năm 2020. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 5,6 – 5,8%.
Kịch bản thứ hai là kịch bản bất lợi. Ở kịch bản này, bệnh dịch Covid-19 trong nước bùng phát với biến thể mới trong năm 2020 khiến hoạt động kinh tế bị gián đoạn. Đồng thời, bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới không có nhiều cải thiện, dù các nỗ lực đưa vaccine Covid-19 vào đời sống đã diễn ra, nhưng hiệu quả tới người dân chưa đạt quy mô lớn.
Việc đi lại trên thế giới chưa phục hồi. Do đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống không có động lực hồi phục do thiếu khách du lịch nước ngoài, trong khi nhu cầu trong nước với các loại hình dịch vụ này cũng bị hạn chế do tình trạng hạn chế đi lại và sinh hoạt do bệnh dịch.
Hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân, bắt đầu bộc lộ những tổn thương lớn do khả năng chống chọi dần suy kiệt. Đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy nhằm hỗ trợ tổng cầu. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 1,8 - 2,0%.
Tuy nhiên, "chúng tôi vẫn nghiêng về kịch bản cơ sở hơn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng trong khoảng 5,6 – 5,8% trong cả năm 2021", chuyên gia VEPR nêu quan điểm.
Nhiệm kỳ mới, kỳ vọng chính sách mới
Trong mọi tình huống, các chuyên gia đến từ VEPR nhấn mạnh mục tiêu phải ổn định kinh tế vĩ mô, cụ thể là lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định. Đây là điều hết sức cần thiết để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch.
Đa dạng hóa thị trường xuất/nhập khẩu cũng cần được chú trọng hơn nữa nhằm tránh phụ thuộc nặng nề vào một số đối tác kinh tế lớn.
Trong khó khăn, nhiều bất cập trong việc điều hành chính sách kinh tế cũng đã bộc lộ nên các nỗ lực cải thiện thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh cần tiếp tục được duy trì.
Đáng chú ý, năm 2021 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ lãnh đạo mới của Đảng và Nhà nước. Do đó, đây là năm được kỳ vọng sẽ có nhiều bước đi mới, chính sách mới và hành động cụ thể để phát triển kinh tế-xã hội.
Đồng thời, về mặt quốc tế, nước Mỹ cũng đã có một tổng thống mới được dự báo là sẽ dễ dự đoán hơn, và có khuynh hướng hành động đa phương thay vì đơn phương, khiến môi trường quốc tế có thể bớt bất định hơn.
Tuy nhiên, việc cạnh tranh Mỹ-Trung tiếp tục có những diễn biến mới không loại trừ những rủi ro mới sẽ xuất hiện. Do đó, chính sách hữu ích nhất trong bối cảnh hiện nay là các chính sách trọng cung, nhằm củng cố các yếu tố nền tảng của nền kinh tế.
Cụ thể, các chuyên gia của VEPR cho rằng đó là các chính sách cải cách hành chính, nâng cao chất lượng bộ máy quản lý nhà nước, đặc biệt ở địa phương, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó là những nhóm chính sách vẫn được kêu gọi cần thực hiện trong suốt những năm qua nhưng chưa được thực hiện quyết liệt và hữu hiệu, từ lĩnh vực giáo dục cho tới tài chính-ngân hàng, từ khoa học-công nghệ đến cơ sở hạ tầng, từ chính sách ngành tới cải cách doanh nghiệp nhà nước… đều cần tiếp tục thúc đẩy với một tinh thần mới và phương pháp mới, tôn trọng thị trường nhiều hơn, đặt người dân vào trung tâm, và tôn trọng các xu thế phát triển mới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.