Diêm dân Làng muối Cần Giờ mong có hướng đi ổn định cho nghề làm muối
Diêm dân làng muối Cần Giờ mong có hướng bền vững để giữ nghề làm muối
An Hải
Thứ ba, ngày 10/10/2023 15:43 PM (GMT+7)
Mặc dù sản lượng và diện tích làm muối tại huyện Cần Giờ (TP.HCM) giữ ở mức ổn định, nhưng nghề này vẫn thường xuyên đối mặt với hàng loạt khó khăn, từ thời tiết, giá cả, công nghệ…
Đến đầu tháng 10/2023, diện tích muối của P.HCM đạt 1.547ha, sản lượng 87.527 tấn. So với kế hoạch đặt ra đầu năm, diện tích và sản lượng muối trên địa bàn thành phố hiện tại đã vượt chỉ tiêu - năm 2023, TP đặt kế hoạch diện tích muối đạt 1.545ha, sản lượng đạt 80.000 tấn.
Riêng làng nghề muối Lý Nhơn có 480 hộ tham gia sản xuất, năng suất muối bình quân đạt 89 tấn/ha/năm, tổng sản lượng đạt trên 88.000 tấn/năm. Tổng diện tích sản xuất muối của làng nghề 963ha. Hộ dân tại làng nghề chủ yếu sản xuất muối thô, là nguyên liệu phục vụ chế biến thủy sản tại các tỉnh miền Tây.
Tuy nhiên, theo nhiều diêm dân tại huyện Cần Giờ, nghề làm muối vẫn đối diện với nhiều khó khăn. Trong đó khó nhất là tác động của thời tiết khiến việc làm muối luôn trở ngại.
Lãnh đạo UBND xã Lý Nhơn cho biết trong vụ muối năm 2022, mưa trái mùa đã làm thiệt hại 19.260 tấn muối; năng suất giảm 10 tấn/ha, dẫn đến sản lượng giảm 9.630 tấn so với năm 2021.
Diêm dân Làng muối Cần Giờ mong có hướng đi ổn định cho nghề làm muối. Ảnh: T.Đ
Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết - Chủ cơ sở sản xuất muối Ngọc Long (ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An), cho biết sản lượng muối sản xuất tại địa phương năm nay giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nguyên nhân chính do thời tiết thay đổi thất thường, nên các công đoạn làm muối không diễn ra như dự tính.
"Bên cạnh đó, giá muối năm nay cũng không ổn định, lúc lên lúc xuống và lệ thuộc nhiều vào thị trường. Hiện nay, tại địa phương chưa có nơi nào thu mua, bao tiêu đầu ra sản phẩm muối mà phần lớn chỉ dựa vào thương lái. Do đó, việc sản xuất và mua bán muối của người dân luôn thường trực khó khăn", bà Tuyết cho hay.
Cơ sở sản xuất muối Ngọc Long của bà Tuyết chuyên sản xuất muối ớt, muối thảo dược từ nguồn muối thô ngay tại địa phương. Mỗi tháng cơ sở của bà cung cấp ra thị trường khoảng 300kg muối các loại. Sống cùng người dân làm muối, bà Tuyết nói mông muốn lớn nhất hiện nay của bà là giá muối ổn định để bà con yên tâm sản xuất.
"Do biến đổi thời tiết, lượng mưa ngày càng nhiều nên sản xuất chẳng được bao nhiêu, lại phải lo giá cả không biết thế nào?", bà Tuyết bày tỏ.
Bà Tuyết cũng mong muốn người làm muối tại đại phương được tiếp cận các chính sách hỗ trợ vốn. Từ đó, có thể xây dựng mái che, nhà xưởng… hoặc các giải pháp tương tự để đối phó với mưa trái mùa, giúp bà con không bị thất thoát sản lượng.
Với việc sản xuất muối ăn, bà Tuyết và diêm dân ở đây mong được hỗ trợ tiếp cận và sử dụng công nghệ giảm mặn, để phù hợp với thị hiếu người dùng.
Thời gian qua, huyện Cần Giờ đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, như hệ thống giao thông nội đồng vận chuyển muối, hệ thống thủy lợi cấp thoát nước cung cấp nước sản xuất muối, hệ thống điện. Triển khai mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, như mô hình muối trải bạt, mô hình trữ nước chạt, máy lăn khuôn muối, máy chế biến muối.
Cùng với đó, là triển khai các chính sách, như hỗ trợ lãi xuất vay vốn cho diêm dân, hỗ trợ hợp tác tiêu thụ muối, đào tạo nghề làm muối trải bạt, khuyến diêm (hỗ trợ bạt nhựa, hồ trữ nước chạt), tập huấn, tham quan, học tập các mô hình sản xuất muối tiên tiến tại các tỉnh lận cận.
Nghề làm muối truyền thống tại huyện Cần Giờ hiện nay tập trung ở 2 xã Lý Nhơn và Thạnh An. Hiện nay, muối ở Cần Giờ không chỉ cung cấp cho thị trường cả nước mà còn được xuất khẩu sang EU, hứa hẹn sẽ giúp người dân làng muối cải thiện được cuộc sống tốt hơn.
Được biết, nghề làm muối ở huyện Cần Giờ nằm trong danh sách những ngành nghề nông thôn được bảo tồn và phát triển trong giai đoạn 2022-2025.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.