"Điệp khúc" khó khăn, EVN đề xuất “cơ chế lạ” để trả tiền điện mua chịu

An Linh Thứ sáu, ngày 28/07/2023 16:03 PM (GMT+7)
EVN cho biết đang khó khăn về tài chính, đề xuất được tăng giá điện bán lẻ trong thời gian tới. EVN cũng đề nghị Chính phủ, Bộ ngành cho phép thực hiện tạm thanh toán tiền mua điện ở mức phù hợp khả năng tài chính của EVN cho các đơn vị phát điện.
Bình luận 0

EVN gặp khó khăn, đưa hàng loạt kiến nghị, đề xuất

Tại hội thảo "Cơ chế, chính sách, giải pháp đảm bảo phát triển năng lượng bền vững tầm nhìn 2050" vừa tổ chức sáng nay ngày 28/7, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo về một số vấn đề cung ứng điện, khó khăn tài chính và đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách.

EVN đưa hàng loạt đề xuất "sốc" tăng giá điện, xin trả tiền điện mua chịu "trong khả năng" của mình - Ảnh 1.

EVN đưa ra hàng loạt đề xuất như tăng giá điện bán lẻ, sửa đổi Quyết định 24/2017/QĐ-TTg và đề xuất cho tạm thanh toán tiền điện với các đơn vị phát điện trong khả năng của mình (Ảnh EVN)

Theo EVN, giai đoạn 2020-2022, EVN đã cắt giảm chi phí sửa chữa lớn theo định mức từ trên 10% - 50% do không cân đối được nguồn vốn. Năm 2023, do không cân đối được tài chính, EVN tiếp tục cắt giảm chi phí này. Tuy nhiên, nếu việc sửa chữa tài sản tiếp tục bị cắt giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an toàn vận hành hệ thống điện.

Ngoài ra, EVN cho biết với những khó khăn như hiện tại, nếu EVN thanh toán tiền mua nguyên liệu (than, dầu) cho TKV, PVN theo đúng hợp đồng hoặc thanh toán tiền điện nợ của các công ty phát điện thì dự kiến bắt đầu từ tháng 7/2023 đến tháng 12/2023, EVN sẽ thiếu hụt dòng tiền.

Thực tế, việc EVN mua chịu than, khí sau đó phân bổ cho các nhà máy phát điện đã thực hiện trong thời gian qua. Bản thân EVN và Tổng công ty trực thuộc của EVN cũng đang nợ tiền mua điện của chính các nhà máy nhiệt điện; theo báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lên đến khoảng 1 tỷ USD.

Theo EVN, nếu việc thanh toán tiền mua điện đúng hợp đồng, EVN có khả năng không cân đối đủ tiền thanh toán cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và do đó ảnh hưởng đến việc cung cấp đủ điện.

Bên cạnh đó, trong năm 2023 kế hoạch đầu tư xây dựng của EVN là 94.860 tỷ đồng. Với kết quả sản xuất kinh doanh lỗ, EVN không thể trả nợ đúng hạn đồng thời các ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ khó khăn hơn trong việc phê duyệt các khoản vay, hạn mức vay cho EVN. Ngoài ra chi phí, lãi suất các khoản vay tăng lên do đánh giá mức độ rủi ro tăng thêm đối với bên cho vay.

Với những khó khăn trên, để đảm bảo cân đối tài chính của EVN cũng như đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội đất nước, EVN đề nghị Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương có giải pháp tháo gỡ khó khăn tài chính cho EVN.

Cụ thể, tập đoàn này kiến nghị các cơ quan chức năng cho phép điều chỉnh giá bán lẻ điện đầy đủ và kịp thời theo biến động các thông số đầu vào. Về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, EVN kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành cho phép EVN tiếp tục được sớm điều chỉnh trong thời gian tới để đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh.

EVN cũng kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, sớm cho phép thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg để có lộ trình xem xét tăng giảm giá điện theo thị trường, có lộ trình.

EVN kiến nghị Chính phủ hàng loạt chính sách, cơ chế đặc thù như chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho EVN vay không lãi suất để thanh toán tiền điện cho các đơn vị phát điện, đảm bảo kịp thời mua nguyên liệu phục vụ phát điện.

Ngoài ra, đề nghị cho phép EVN thực hiện tạm thanh toán tiền mua điện ở mức phù hợp khả năng tài chính của EVN cho các đơn vị phát điện đến khi giá bán lẻ điện được điều chỉnh kịp thời và phản ánh đầy đủ các chi phí.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem