Còn nhiều chênh lệch
Theo Văn phòng Điều phối NTM TP.HCM, kết quả điều tra giai đoạn 2017 cho thấy, cơ cấu thu nhập của lao động khu vực nông thôn chiếm tỷ trọng lớn nhất là làm công, làm thuê (chiếm 69%) và sản xuất kinh doanh phi nông lâm thủy sản 16,4%. Còn tỷ trọng thu từ nông lâm thủy sản, mặc dù là khu vực nông thôn nhưng lại thấp nhất, chỉ chiếm 7,9%.
Trong giai đoạn thực hiện nâng chất NTM, thu nhập của lao động nông thôn TP.HCM đã có nhiều cải thiện đáng kể. Ảnh: Nguyên Vỹ
TP.HCM đặt mục tiêu đến cuối năm 2018, có 30 xã đạt tiêu chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí đặc thù vùng nông thôn thành phố, đến năm 2019 đạt thêm 26 xã còn lại đạt chuẩn NTM. |
Theo ông Thái Quốc Dân - Phó chánh Văn phòng điều phối NTM TP.HCM, do điều kiện phát triển kinh tế của thành phố, quá trình đô thị hóa tại các vùng nông thôn nhanh, đất dùng cho sản xuất nông lâm thủy sản ngày càng bị thu hẹp nên lao động ở khu vực nông thôn phải chuyển hướng từ nông nghiệp sang làm công ăn lương và sản xuất kinh doanh phi nông lâm thủy sản.
Xem xét tỷ trọng thu nhập của từng huyện cũng cho thấy xu hướng dịch chuyển tương tự. Tỷ trọng thu nhập từ sản xuất nông lâm thủy sản ở các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè rất thấp; lần lượt là 3,2%, 3,3% và 2,6%. Ở huyện Củ Chi và Cần Giờ, tỷ lệ này có cao hơn, là 11% và 25,7%. So với 5 huyện còn lại, Cần Giờ có tỷ trọng thu từ tiền công tiền lương thấp nhất, chỉ chiếm 48,8% trong tổng nguồn thu.
Nếu chia đều tổng hộ dân thành 5 nhóm có mức thu nhập bình quân đầu người từ thấp đến cao, nhóm 5 (nhóm giàu) có mức thu nhập 6,546 triệu đồng; gấp 2,8 lần so với nhóm 1 (nhóm nghèo) có mức thu nhập 2,359 triệu đồng.
Nhóm 5 có thu nhập từ sản xuất kinh doanh phi nông lâm thủy sản là 1,524 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 23,3%), trong khi đó nhóm 1 chỉ có thu nhập 237 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 10%. Điều này cho thấy khoảng cách giàu nghèo vẫn còn ở mức cao. Nhóm thu nhập cao có tỷ lệ thu nhập do tự làm chiếm tỷ trọng lớn và ngược lại ở nhóm nghèo thì tỷ lệ làm công ăn lương cao hơn hẳn.
Tiếp tục cải thiện
Tuy nhiên, kết quả điều tra cũng cho thấy nhiều kết quả khả quan. Thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn trên địa bàn thành phố năm 2017 là 4,098 triệu đồng/tháng; tăng 22,8% so với năm 2014.
Nhìn chung thu nhập bình quân giữa các huyện không có sự chênh lệch nhiều. Chênh lệch thu nhập bình quân đầu người giữa huyện cao nhất và huyện thấp nhất có xu hướng giảm. Nếu năm 2014 là 1,7 lần thì năm 2017 còn 1,2 lần.
Thu nhập bình quân đầu người cao nhất trong 5 huyện là Bình Chánh đạt 4,391 triệu đồng/tháng, tăng 30% so với năm 2014. Thu nhập bình quân đầu người thấp nhất trong 5 huyện là Cần Giờ: 3,649 triệu đồng/tháng, tăng 61% so với năm 2014. Thu nhập bình quân 1 người/tháng của nhóm 5 gấp 2,8 lần thu nhập của nhóm 1. Tỷ lệ này giảm nhiều so với năm 2014 là 3,7 lần. Thu nhập bình quân 1 người/tháng theo khảo sát mức sống hộ dân cư cũng cho thấy phân bố thu nhập nông thôn không có sự bất bình đẳng so với toàn thành phố.
Theo ông Trần Ngọc Hổ - Chánh văn phòng Điều phối NTM TP.HCM, kết quả điều tra năm 2017 cho thấy qua quá trình xây dựng NTM, thu nhập của người dân vùng nông thôn thành phố ngày càng tăng lên, đời sống của người dân ngày càng tốt hơn. Cụ thể, năm 2014, thu nhập bình quân/đầu người tại các xã xây dựng NTM là 39,72 triệu đồng thì đến nay đã là 49,18 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.