DN có doanh thu vài tỷ muốn đầu tư Khu nghỉ dưỡng đèo Hà Lan 800 tỷ: Đắk Lắk tự "xé rào"?

Thanh Giang Thứ năm, ngày 25/02/2021 07:30 AM (GMT+7)
Điều khiến không ít người đặt câu hỏi vì sao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk nhanh chóng tiến hành xin ý kiến các sở ban ngành liên quan về đề xuất thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đèo Hà Lan có tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng của CTCP Đầu tư Phúc Nguyễn?
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, cuối quý IV/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành lấy ý kiến các Sở ban ngành, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Cục Thuế tỉnh và UBND thị xã Buôn Hồ về đề xuất dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đèo Hà Lan tại P. Bình Tân, thị xã Buôn Hồ của CTCP Đầu tư Phúc Nguyễn. Trước đó, giữa quý IV/2020, CTCP Đầu tư Phúc Nguyễn đã có văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư: Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đèo Hà Lan.

DN có doanh thu vài tỷ muốn đầu tư Khu nghỉ dưỡng đèo Hà Lan 800 tỷ: Đắk Lắk tự "xé rào"? - Ảnh 1.

Được biết, dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đèo Hà Lan nằm trong danh mục dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư năm 2018, định hướng đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định 2675/QĐ-UBND ngày 19/10/2018 của UBND tỉnh. 

Theo đó, dự án Khu đô thị sinh thái đèo Hà Lan được kêu gọi đầu tư với diện tích đất dự kiến sử dụng là 218,85ha, trong đó có 84,31ha đất do nhà nước quản lý và 134,54 ha do người dân sử dụng.

Sau khi khảo sát, CTCP Đầu tư Phúc Nguyễn đề xuất nhu cầu sử dụng đất khoảng 179 ha (đã trừ đi đất Quốc phòng, đất quốc lộ 14 và loại đất khác). Tổng vốn đầu tư 797,915 tỷ đồng. 

Trong đó, khu resort nghỉ dưỡng có diện tích 30 ha; khu cắm trại, dã ngoại, vui chơi giải trí có diện tích 33ha; khu du lịch văn hoá, khu trồng, chế biến, trưng bày các loại nông sản đặc trưng Tây Nguyên và điểm du lịch thương mại ẩm thực 116 ha.

Chưa đầy 1 tháng sau ngày CTCP Đầu tư Phúc Nguyễn gửi văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đèo Hà Lan, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh tiến hành lấy ý kiến các Sở ban ngành liên quan về đề nghị đầu tư dự án Đèo Hà Lan.

CTCP Đầu tư Phúc Nguyễn đã tăng vốn "thần tốc" từ mức 29 tỷ đồng hồi tháng 1/2020 lên 299 tỷ đồng vào tháng 10/2020, trước thời điểm gửi văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư nói trên. 

DN có doanh thu vài tỷ muốn đầu tư Khu nghỉ dưỡng đèo Hà Lan 800 tỷ: Đắk Lắk tự "xé rào"? - Ảnh 3.

Đắk Lắk chọn doanh nghiệp kinh phục vụ đồ uống làm dự án 800 tỷ đồng?

Tuy nhiên, điểm đặc biệt, CTCP Đầu tư Phúc Nguyễn có ngành nghề kinh doanh chính là dịch vụ phục vụ đồ uống (trừ kinh doanh quán bar, quán giải khát có khiêu vũ). Trong 3 năm kể từ ngày thành lập hoạt động kinh doanh của CTCP Đầu tư Phúc Nguyễn chưa một lần có lãi. Lỗ luỹ kế đến cuối tháng 10/2020 là 416 triệu đồng, doanh thu hàng năm dưới 10 tỷ đồng.

Vì vậy, việc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk nhanh chóng tiến hành xin ý kiến các sở ban ngành liên quan về đề xuất thực hiện dự án đầu tư có tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng của CTCP Đầu tư Phúc Nguyễn có khiến UBND tỉnh Đắk Lắk "tự xé rào" trong lựa chọn nhà đầu tư dự án bất động sản?

Trước đó, UBND tỉnh đưa ra điều kiện lựa chọn nhà đầu tư dự án bất động sản tại TP Buôn Ma Thuột, có chi phí đất khởi điểm hơn 533 tỷ đồng phải có kết quả kinh doanh 3 năm liền 2017, 2018, 2019 có lãi, không có lỗ luỹ kế. Nhà đầu tư phải chứng minh đã có kinh nghiệm thực hiện các dự án có tính chất, quy mô tương tự dự án muốn tham gia thực hiện.

Ở dự án quy mô nhỏ hơn, cuối năm 2017, tỉnh Đắk Lắk đã "từ chối" xem xét quyết định chủ trương tư đối với đề xuất thực hiện dự án Điểm du lịch Đồi thông Phan Gia của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phan Gia (Phan Gia). Một trong 2 lý do để tỉnh chưa xem xét quyết định chủ trương đầu tư là Phan Gia chưa đủ điều kiện về năng lực tài chính.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem