Doanh nghiệp phân bón kêu trời vì đại lý bán "bia kèm mồi"

P.V Thứ sáu, ngày 03/07/2020 13:19 PM (GMT+7)
Năm 2019, tình hình sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ phân bón. Lượng phân bón nhập khẩu trong năm 2019 cũng tăng cao, đặc biệt là phân NPK, cũng tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân NPK trong nước.
Bình luận 0

Mặt khác, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở, doanh nghiệp phân bón nhỏ lẻ trên thực tế vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, các sản phẩm phân bón kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả vẫn xuất hiện tràn lan nhưng chưa được xử lý nghiêm tiếp tục làm rối loạn thị trường phân bón, ảnh hưởng tới những nhà sản xuất kinh doanh phân bón chân chính.

Doanh nghiệp phân bón kêu trời vì đại lý bán "bia kèm mồi" - Ảnh 1.

Hiện thị trường có nhiều loại phân bón kém chất lượng như Kali, DAP, NPK được bày bán kèm với các sản phẩm của các doanh nghiệp uy tín. Muốn bán được lượng hàng kém chất lượng này, một số đại lý sẵn sàng bán sản phẩm chất lượng với giá thấp hơn cả giá xuất xưởng để bán kèm được các sản phẩm kém chất lượng và thu lợi nhuận cao nhờ "mồi kém chất lượng, giá lại cao". Việc này gây khó khăn không nhỏ đến các doanh nghiệp sản xuất phân bón uy tín trong nước.

Cuối năm 2019, cơ quan chức năng một số tỉnh như Tây Ninh, Bình Phước, Đắk Nông… đã tăng cường kiểm soát, phát hiện và xử lý hàng loạt công ty, cửa hàng vật tư nông nghiệp cung ứng phân bón giả, kém chất lượng.

Chẳng hạn như tại cửa hàng vật tư nông nghiệp (VTNN) Lê Văn Điền (xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh), cơ quan chức năng phát hiện hành vi buôn bán phân bón giả là sản phẩm Phân bón NPK 28-11-9 (loại 50kg/bao). Ngoài xử phạt 30 triệu đồng về hành vi buôn bán phân bón giả, cơ quan chức năng còn buộc cửa hàng VTNN Lê Văn Điền nộp lại 18,6 triệu đồng thu lợi bất chính do vi phạm.

Tại cửa hàng vật tư nông nghiệp Nguyễn Hữu Tài ở huyện Trảng Bàng, cơ quan chức năng phát hiện có tới 2 công ty cung ứng sản phẩm phân bón giả, chất lượng kiểm tra dưới 70% so với hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm. Đó là Sản phẩm phân bón PMC Áo Giáp Kẽm (sản xuất ngày 1/2/2019 có hạn sử dụng 2 năm, loại 500ml/chai) của một công ty ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Doanh nghiệp phân bón kêu trời vì đại lý bán "bia kèm mồi" - Ảnh 2.

Còn tại tỉnh Bình Phước, cơ quan chức năng đã phát hiện cửa hàng VTNN Phú Nghĩa (thôn 1 đường 10, huyện Bù Đăng) kinh doanh phân bón giả có chất lượng dưới 70% công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, là Sản phẩm Phân bón gốc hoà tan RICH NPK 15-15-15 +TE. Cơ quan chức năng đã phạt 30 triệu đồng về hành vi kinh doanh phân bón giả này…

Những hành động kịp thời đó, đã hạn chế phần nào nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng hoành hành, nhưng việc kiểm soát thiếu đồng bộ tại nhiều địa phương cũng đang phần nào còn tồn tại hiện trạng này. Như tại huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ, nhiều đại lý đang khai thác cách thức bán "bia kèm mồi" này khi đưa giá bán phân Urê của một số đơn vị sản xuất, kinh doanh uy tín xuống mức thấp không ngờ, một nghịch lý là giá Urê nhà sản xuất bán cho Đại lý cấp 1 ở mức 6.300 - 6.500 đồng/kg nhưng đại lý cấp dưới hơn bán cho nông dân chỉ ở 5.000-5.500 đồng/kg.

Có thể giải thích chênh lệch rất lớn này trong ngành phân bón chỉ là "bia chất lượng" để thu hút còn "mồi bán kèm" chính là những sản phẩm kém chất lượng được ngụy trang bởi những cái tên rất dễ gây nhầm lẫn theo kiểu như: Kali 61, Super Kali nhưng thực tế chỉ vào khoảng 31%, hoặc Đạm Hạt Đục 46% nhưng thực tế vào khoảng 25%; hay DAP 18-46-0 thì thực tế chỉ khoản 20% trong khi giá lại cao gần ngang ngửa với các sản phẩm chất lượng, có đủ hàm lượng được lưu hành trên thị trường.

Vậy nên, các cơ quan chức năng như Thanh tra nông nghiệp, Quản lý thị trường các địa phương cần tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các cửa hàng vật tư nông nghiệp bán phân bón kém chất lượng, phân bón giả, nhất là tình trạng bán "bia kèm mồi" như hiện nay.

Bà con nông dân cũng cần hết sức cẩn thận và kiểm tra kỹ khi mua phân bón theo khuyến cáo: lựa chọn cửa hàng có uy tín tại địa phương, chọn dòng sản phẩm quen thuộc với thương hiệu uy tín; khi mua nhớ kiểm tra mặt trước và mặt sau của bao bì sản phẩm với những thông số và tỷ lệ % hàm lượng các dưỡng chất thống nhất với nhau; kiểm tra bao bì còn nguyên, không bung bể hoặc có dấu vết tháo ra may lại miệng bao.

Chiêu trò bán "bia kèm mồi" để thu lợi nhuận cao làm ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, gây thiệt hại không nhỏ đến các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón uy tín, cũng như gây thiệt hại trực tiếp cho nông dân khi phải trả giá cao hơn thực tế rất nhiều, trong khi giá nông sản bấp bênh, hạn hán, dịch bệnh… lại phải chịu những khoản chi phí không đáng chỉ vì những chiêu trò của một số đại lý.


Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem