Doanh nghiệp "sốc" tỷ giá, chuyên gia dự báo bất ngờ

Huyền Anh Thứ năm, ngày 24/11/2022 09:21 AM (GMT+7)
Tỷ giá USD/VND lên mức lịch sử, cộng thêm việc lãi suất không ngừng tăng khiến cho nhiều doanh nghiệp "khóc ròng", lợi nhuận bị ăn mòn và thậm chí thua lỗ. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo, tỷ giá "không còn cơ hội" tăng trong năm 2023.
Bình luận 0

Đồng USD mạnh lên đã gây áp lực khiến tỷ giá USD/VND liên ngân hàng tăng lên mức cao nhất trong lịch sử.

Hiện, tỷ giá tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng vẫn liên tục đi lên trong các phiên giao dịch gần đây, và đang đứng ở mức 24.848 VND/USD, tiến sát đến mức giá bán ra của Sở Giao dịch NHNN.

Thống kê cũng cho thấy, từ đầu năm đến nay VND mất giá gần 9% so với USD.

Doanh nghiệp "khóc ròng" vì tỷ giá kỷ lục

Thuộc lĩnh vực chịu tác động mạnh từ tỷ giá, ông Phạm Công Thảo, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam thừa nhận, áp lực tỷ giá là một trong những nguyên nhân quan trọng, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của ngành thép.

Ông Thảo phân tích, khi tỷ giá tăng sẽ thuận lợi trong việc xuất khẩu. Tuy nhiên, với ngành thép, thị trường chính của Việt Nam vẫn là thị trường trong nước, xuất khẩu chỉ chiếm một phần.

Trong khi đó, nguyên liệu sản xuất thép phần lớn đều phải nhập khẩu, khi tỷ giá tăng ảnh hưởng rất nhiều đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp nói chung và với Tổng công ty Thép Việt Nam nói riêng.

Chưa hết, khó "chồng" khó khi, Việt Nam không còn lựa chọn nào khác là phải tăng lãi suất để "kìm cương" tỷ giá. Cộng hưởng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước bị ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt với doanh nghiệp ngành thép.

Tính chung trong quý III/2022, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép sa sút đáng kể. Các doanh nghiệp sản xuất thép niêm yết đã ghi nhận khoản lỗ khoảng 4.500 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí hàng tồn kho cao, giá than cốc lên cao và lỗ tỷ giá do đồng VND mất giá so với USD làm tăng chi phí đầu vào nhưng giá bán thấp.

Doanh nghiệp "sốc" tỷ giá, chuyên gia dự báo bất ngờ - Ảnh 1.

Doanh nghiệp ngành thép chật vật vì tỷ giá và lãi suất tăng mạnh. (Ảnh: HPG)

Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long cũng là một dẫn chứng cho thấy tác động của việc tỷ giá leo cao tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo đó, dư nợ vay và nợ thuê tài chính của Hòa Phát - "ông lớn" đứng đầu về doanh thu trong ngành thép đến cuối quý III/2022 xấp xỉ 65.500 tỷ đồng. Công ty còn có các khoản vay bằng USD trị giá hàng ngàn tỷ đồng với lãi suất thả nổi. Mặt bằng lãi suất dềnh lên trên toàn cầu.

Cùng với đó, tỷ giá USD/VND bật mạnh trong quý III/2022 đã khiến phần chênh lệch lãi/lỗ tỷ giá lên hơn 1.000 tỷ đồng. Cú tăng sốc của tỷ giá đã "đánh bay" toàn bộ phần lãi gộp 1.001 tỷ đồng của doanh nghiệp trong quý này. Sau khi trừ đi chi phí bán hàng và quản lý, Hòa Phát lỗ ròng 1.785 tỷ đồng.

Là tập đoàn công nghệ có quan hệ thương mại với các đối tác công nghệ của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, ông Hồ Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn CMC thừa nhận, tất cả những chính sách biến động về kinh tế, tài chính vừa rồi ảnh hưởng khá lớn với Tập đoàn CMC và sẽ tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp với Tập đoàn.

"Là tập đoàn công nghệ, khi chúng tôi có giao dịch với đối tác nước ngoài, thì tỷ giá biến động ảnh hưởng rất lớn. Tôi nghĩ không chỉ riêng chúng tôi mà tất cả các doanh nghiệp Việt Nam, trước đây chưa bao giờ phải đề phòng về tỷ giá và nay tỷ giá thay đổi như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp",ông Tùng chia sẻ.

Tương tự, lãnh đạo công ty nhập khẩu mặt hàng thực phẩm đông lạnh vào thị trường Việt Nam trụ sở tại TP.HCM cho biết, doanh nghiệp cũng rất "đau đầu" khi tỷ giá tăng mạnh như thời gian qua bởi hàng hóa của doanh nghiệp nhập khẩu về chủ yếu lại đến từ Mỹ.

"Nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ nên đương nhiên tiền thanh toán cũng bằng USD, vì vậy khi tỷ giá tăng chi phí sẽ đội lên. Chẳng hạn như đơn hàng chúng tôi đang nhập, giá trị đội thêm khoảng 140 triệu đồng vì rủi ro biến động tỷ giá", vị này cho hay.

Áp lực tỷ giá nguôi dần, cơ hội tăng thêm trong năm 2023 không xảy ra

Có thể thấy, tỷ giá tăng mạnh đang khiến cho "ông chủ" của không ít doanh nghiệp phải đau đầu về bài toán kinh doanh. Thế nhưng, theo giới phân tích các doanh nghiệp này sẽ "dễ thở hơn" bởi những áp lực từ tỷ giá sẽ "nguôi" dần vào năm 2023.

TS.Lê Xuân Nghĩa – Chuyên gia kinh tế nhận định, tỷ giá USD/VND từ nay tới cuối năm dự kiến không chịu quá nhiều sức ép như giai đoạn vừa qua khi Ngân hàng Nhà nước đã có điều hành kịp thời, chính xác.

Đồng thời, sức ép lên tỷ giá cũng được giảm bởi các yếu tố khác như chỉ số đồng USD có dấu hiệu tạo đỉnh. Hơn nữa, trong trường hợp như Nhật Bản, Trung Quốc cũng tăng lãi suất vào thời gian tới, và điều này chắc chắn xảy ra và USD sẽ giảm giá.

So với VND, USD tăng khoảng 9% kể từ đầu năm, nhưng theo ông Nghĩa, có thể đây là đỉnh điểm về tốc độ tăng tỷ giá hối đoái năm 2022. Và cơ hội để tăng thêm nữa trong năm tới cũng sẽ "không xảy ra".

Tuy nhiên, cùng với sự hạ nhiệt của USD, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, đây là cơ hội để Việt Nam xem lại lãi suất với các doanh nghiệp.

"Lãi suất cao gấp 3 lần lạm phát thì thì các doanh nghiệp gặp khó khăn thực sự. Tôi hy vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giải quyết vấn đề này và sẽ có biện pháp tích cực để chỉnh sửa với mục tiêu không được làm mất đà tăng trưởng, không được làm mất đà hồi phục kinh tế. Bây giờ những căng thẳng về tỷ giá hối đoái đã giảm, tôi nghĩ cần tập trung thanh khoản và lãi suất", ông Nghĩa nhìn nhận.

Doanh nghiệp "sốc" tỷ giá, chuyên gia dự báo bất ngờ - Ảnh 3.

Chuyên gia dự báo tỷ giá "không còn cơ hội" tăng trong năm 2023.

Tuy áp lực tỷ giá đang dịu dần nhưng theo các chuyên gia vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, nhiều áp lực nằm ngoài kiểm soát mà chúng ta không thể chủ quan.

Đó là, bên cạnh động thái của Fed còn phải kể đến diễn biến phức tạp của giá hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trên thế giới. Đơn cử như giá năng lượng ở châu Âu. Giả sử mùa đông ở châu Âu kéo dài sang tháng 1/2023, giá năng lượng tăng cao… lập tức lạm phát ở các quốc gia này tăng cao. Đồng tiền này mất giá, Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Tại Đối thoại chuyên đề "Điều hành tỷ giá USD/VND: Ổn định kinh tế vĩ mô" vừa diễn ra, các chuyên gia cũng lưu ý các cơ quan quản lý cần nhìn sâu vào cán cân vãng lai thời gian qua. Mặc dù cán cân hàng hóa trong 10 tháng năm 2022 dương nhưng cán cân dịch vụ lại âm, thậm chí âm rất mạnh.

Tại Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ dự báo mức thâm hụt cán cân thương mại hàng hóa 3 tháng cuối năm 2022 lên tới 5,5 tỷ USD và nhận định dấu hiệu suy giảm xuất khẩu đang trở nên rõ nét hơn trong thời gian gần đây.

Trong quý III/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,5 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước và nhưng giảm 0,5% so với quý II/2022. Đây là dấu hiệu của suy giảm xuất khẩu thời gian sắp tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem