ĐBQH lo lãi suất và tỷ giá làm "khó" doanh nghiệp, đề nghị sớm nâng lương cho cán bộ công chức

PVKT Thứ năm, ngày 27/10/2022 10:02 AM (GMT+7)
Đại biểu Quốc hội đánh giá, lãi suất cho vay tăng cao, sức ép lạm phát giá cả tăng cao đã và đang trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. Chính phủ cần linh hoạt hơn và công khai kịp thời thông tin về các kịch bản điều hành lãi suất, tỷ giá.
Bình luận 0

Sáng nay, 27/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tư, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội bắt đầu 2 ngày thảo luận ở Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam bày tỏ sự tán thành với nhiều nhận định, đánh giá trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023 cũng như báo cáo của Chính phủ đã trình trước Quốc hội năm 2022.

ĐBQH lo lãi suất và tỷ giá làm "khó" doanh nghiệp, đề nghị sớm nâng lương cho cán bộ công chức - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng phân tích khó khăn, thách thức ở trong nước và các yếu tố tác động khách quan cả trong nước và nước ngoài, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng tạo, chủ động, linh hoạt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trong đó phải kể đến những quyết sách kịp thời, chưa có tiền đề của Quốc hội thông qua việc ban hành Nghị quyết số 30 Quốc hội ngay từ Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và sau đó là Nghị quyết số 43 về chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội từ đầu năm 2022 đã tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy kinh tế xã hội trong nước phục hồi và phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Hùng Thắng cũng nêu một số khó khăn, thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt.

Đó là giải ngân vốn đầu tư công chậm, việc giải ngân vốn ODA với tỷ lệ quá thấp. Ba chương trình mục tiêu quốc gia triển khai từ sớm nhưng ban hành chính sách và phân bổ vốn còn chậm hơn. Giải ngân vốn chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội cũng chậm.

Quốc hội, Chính phủ đã nỗ lực điều chỉnh chính sách, luật để giảm giá xăng giúp doanh nghiệp và người dân bớt khó khăn nhưng giá cả các mặt hàng tiêu dùng giảm không tương ứng.

Lãi suất cho vay tăng cao, sức ép lạm phát giá cả tăng cao đã và đang trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của Nhân dân.

Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành chủ động các kịch bản ứng phó với lạm phát đang gia tăng trên toàn cầu và đã trực tiếp tác động đến nền kinh tế, đời sống của nước ta, báo cáo Quốc hội để chủ động trong ứng phó chính sách phù hợp.

Linh hoạt hơn và công khai kịp thời thông tin về các kịch bản điều hành lãi suất, tỷ giá để cộng đồng doanh nghiệp không bị động trong chuẩn bị các phương án sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn, nhất là ưu đãi, vốn ưu đãi tín dụng theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội.

Việc sửa đổi các Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Giá và một số luật khác nhằm hướng tới tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhưng cần phải gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách bộ máy và nhất là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước trong các cơ quan nhà nước.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng cũng đề nghị thực hiện việc nâng lương cơ sở cho đội ngũ cán bộ, công chức, song cũng cần xem xét và cân đối để sớm thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Trung ương để góp phần giúp bộ máy nhà nước hoạt động có động lực và giảm bớt các hệ lụy rời bỏ khu vực công vì lý do tiền lương…

ĐBQH lo lãi suất và tỷ giá làm "khó" doanh nghiệp, đề nghị sớm nâng lương cho cán bộ công chức - Ảnh 2.

Đại biểu Bế Minh Đức – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng.

Cho ý kiến về việc giải ngân vốn đầu tư công, Đại biểu Bế Minh Đức – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng bối cảnh năm 2022 triển khai nhiều dự án quan trọng quốc gia cùng với đó là thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Tuy nhiên việc chậm giải ngân vốn đầu tư công vẫn là tồn tại xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Phân tích một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện các dự án đầu tư công từ thực tế tại các địa phương đại biểu Bế Minh Đức đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành đầy đủ các thông tư hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để các địa phương có đầy đủ cơ sở triển khai thực hiện.

Chỉ rõ, do nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giao muộn, các văn bản hướng dẫn chưa kịp thời, vốn sự nghiệp giao một số nhiệm vụ quá thời hạn, đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cho phép điều chuyển vốn giữa các dự án, tiểu dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn của năm 2022 và cho phép kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn năm 2022 sang năm 2023.

Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo quy định chặt chẽ và được thực thi nghiêm túc để tạo động lực cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có nhiệm vụ triển khai thực hiện các dự án đầu tư công.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem