Doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo Việt Nam liệu có thu lợi lớn từ mảng kinh doanh gạo về cuối năm?

Nguyễn Phương Chủ nhật, ngày 23/07/2023 05:09 AM (GMT+7)
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành lúa gạo Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ khả quan hơn về cuối năm khi đơn hàng xuất khẩu gạo và giá bán gạo gia tăng, trong khi lãi suất cho vay được các ngân hàng điều chỉnh giảm.
Bình luận 0

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng, cao nhất trong 10 năm

Kể từ đầu năm nay, giá gạo xuất khẩu của nước ta đã liên tục tăng mạnh. Giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam trong tuần vừa rồi vẫn tiếp tục tăng và được giao dịch ở mức 528 USD/tấn, đến ngày 22/7 đã lên mốc 533 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo tiêu chuẩn loại 25% tấm cũng tăng lên mức 508 USD/tấn và đến ngày 22/7 đã tăng lên 513 USD/tấn. Đây là vùng giá cao nhất trong hơn 10 năm qua của gạo nước ta, thậm chí có lúc còn vượt qua giá gạo của Thái Lan và Ấn Độ.

Báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) thuộc Liên Hợp Quốc cho thấy chỉ số giá gạo thế giới hiện cũng đang ở mức cao nhất trong vòng 11 năm qua. Trong nửa đầu năm nay, giá gạo xuất khẩu trung bình của Việt Nam đã tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái, theo diễn biến chung trên toàn thế giới.

Xuất khẩu gạo đã mang về 2,3 tỷ USD cho Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng gần 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ về giá trị, khối lượng cũng đạt mức tăng trưởng 22%, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đây cũng là mặt hàng mang lại những kỳ vọng lạc quan về xuất khẩu trong bối cảnh lạm phát tăng cao đặt ra nhiều rủi ro với kinh tế toàn cầu.

Hiện tượng thời tiết El Nino quay trở lại trong năm nay sau 3 năm liên tiếp xuất hiện La Nina đang khiến nhiều quốc gia “ngồi trên đống lửa”. Khác với các loại nông sản khác như ngô và lúa mì, sản lượng gạo toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi El Nino, khi cả ba nước sản xuất và xuất khẩu lớn nhất là Việt Nam, Thái Lan, và Ấn Độ đều ít nhiều chịu tác động.

Doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo Việt Nam liệu có thu lợi lớn từ mảng kinh doanh gạo về cuối năm? - Ảnh 1.

Doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo Việt Nam liệu có thu lợi lớn từ mảng kinh doanh gạo về cuối năm? - Ảnh 2.

Giá lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng. Trong tương lai, mặt bằng giá gạo sẽ tiếp tục được duy trì ở mức khá, cao khi Việt Nam có 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải.

Cụ thể: Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6 xuất khẩu gạo của nước ta đạt 617.998 tấn, trị giá 340,77 triệu USD, giảm 14,7% về lượng và giảm 12,8% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái giảm 14,9% về lượng và 3,8% về trị giá. 

Tính chung 6 tháng đầu năm xuất khẩu gạo của nước ta tăng mạnh 21,3% về lượng và tăng 32,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,24 triệu tấn, trị giá 2,25 tỷ USD. Đây cũng là kết quả xuất khẩu tốt nhất của ngành gạo trong 13 năm trở lại đây.

Trong tháng 6, xuất khẩu gạo sang Philippines, Trung Quốc, Malaysia có chiều hướng chậm lại, trong khi các chuyến hàng vận chuyển đến Indonesia, Ghana, Bờ Biển Ngà, Singapore… lại tăng mạnh. 

Tính đến hết tháng 6 năm nay, Philippines tiếp tục đứng đầu về thị trường tiêu thụ gạo của nước ta, chiếm 40,1% tổng khối lượng xuất khẩu với khối lượng đạt 1,7 triệu tấn, trị giá 857,7 triệu USD, tăng 4,6% về lượng và tăng 13% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. 

Xuất khẩu gạo sang thị trường lớn thứ hai là Trung Quốc cũng tăng mạnh 54,4% về lượng và tăng 71,2% về trị giá, đạt 677.387 tấn, trị giá 390,6 triệu USD. Xét về thị phần, Trung Quốc hiện chiếm 16% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của nước ta, tăng so với mức 12,6% của cùng kỳ. 

Đáng chú ý, Indonesia vươn lên vị trí số 3 về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với khối lượng đạt 492.801 tấn, tăng gần 15 lần (1.388%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Lượng gạo xuất khẩu sang một số thị trường khác cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng như: Ghana tăng 27,4%, Singapore tăng 48,2%, Mozambique tăng 40,3%, Đài Loan tăng 151,5%, Ba Lan tăng 144,2%, Bỉ tăng 210,2%, Tây Ban Nha tăng 252,7%, đặc biệt Senegal tăng 1.034%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 5.562%, Chile tăng 4.083%... 

Chỉ một số ít thị trường ghi nhận sự sụt giảm như Bờ Biển Ngà (-32,7%); Malaysia (-6,5%), Australia (-29,2%)...

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, không chỉ tăng về khối lượng, giá gạo xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm cũng tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức bình quân 533 USD/tấn. Tính riêng trong tháng 6, giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 551 USD/tấn, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, đây cũng là mức giá cao nhất ghi nhận. 

Tại thị trường trong nước, dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, tính đến cuối quý II giá lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL đã tăng 500 – 1.259 đồng/kg so với đầu năm nay và tăng 1.000 – 2.500 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. 

Giá lúa gạo có xu hướng tăng, đồng thời chi phí vật tư nông nghiệp hạ nhiệt đã mang lại thu nhập tốt hơn cho người trồng lúa.

Kết quả kinh doanh quý II/2023 và từ nay tới cuối năm của các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ khả quan khi đơn hàng và giá bán gạo gia tăng, trong khi lãi suất cho vay được các ngân hàng điều chỉnh giảm.

Trong báo cáo mới đây, CTCK Nhất Việt (VFS) cho biết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mở rộng cơ hội cho Lộc Trời xuất khẩu gạo vào thị trường EU. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại giúp nhu cầu nhập khẩu gạo gia tăng. Đây là hai thị trường xuất khẩu chính của Lộc Trời. 

Mảng lương thực sẽ là động lực tăng trưởng chính cho Lộc Trời trong năm 2023, nhất là khi có thành viên mới là Công ty cổ phần Lương thực Lộc Nhân, giúp gia tăng công suất. Do đó, VFS ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Lộc Trời năm 2023 đạt 14.028 tỷ đồng và 465,8 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 13% so với năm 2022.

Cũng theo CTCK Nhất Việt hoạt động xuất khẩu gạo của Trung An chiếm 15% tổng doanh thu, trong đó thị trường xuất khẩu gạo chính là Trung Quốc. Dự phóng, năm 2023, Trung An đạt doanh thu 3.994 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 80 tỷ đồng, tăng lần lượt 5,2% và 13,9% so với năm 2022. 

Giới phân tích kỳ vọng Trung An sẽ đạt kết quả kinh doanh khả quan, dù doanh nghiệp này đề ra mục tiêu doanh thu 3.800 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ, còn lợi nhuận dự kiến giảm 33% so với cùng kỳ. 

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An chia sẻ: Giá lúa gạo tăng nhưng giá lúa của nông dân bán ra cũng tăng mạnh theo, khiến chi phí sản xuất, giá thành tăng cao. Lãi suất ngân hàng từ năm ngoái đến nay cũng rất cao. 

Dù lãi suất có xu hướng giảm nhưng chỉ là xu hướng, thực tế dù công ty kinh doanh sản xuất gạo thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ nhưng lãi suất ngân hàng hiện nay cho công ty vẫn ở mức cao. Do đó, dù Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ các doanh nghiệp nhưng để áp dụng vào thực tế vẫn sẽ có độ trễ nhất định. 

Ngoài ra, tình hình kinh tế khó khăn, biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Các yếu tố trên đã phần nào bào mòn lợi nhuận. Tuy nhiên theo Trung An, cơ hội phát triển trong năm 2023 của công ty sẽ rất lớn do giữ vững được các đơn hàng, đảm bảo được hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Bên cạnh đó, lãnh đạo Trung An cho biết hiện có một Tập đoàn của Nhật Bản đang muốn đầu tư vào công ty, đã cử người qua khảo sát và mong muốn không chỉ đầu tư vốn mà còn đầu tư cả nhà máy để sản xuất các sản phẩm có thế mạnh như các thành phẩm sau gạo. Ngoài ra, còn có một doanh nghiệp của Mỹ cũng muốn đầu tư vào công ty.

Khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo là vấn đề vốn, tín dụng

Thực tế, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, cân đối lượng gạo hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu năm 2023 tại các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến thời điểm này ước đạt khoảng 6,7 triệu tấn. Trong số đó, tổng lượng gạo cho xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đã đạt 4,2 triệu tấn và khoảng 2,5 triệu tấn cho 6 tháng cuối năm. 

Do đó, trong nửa cuối năm nay, các Bộ ngành đang lo ngại khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam có thể khó tăng mạnh như nửa đầu năm nhưng bù lại giá gạo có thể thiết lập mặt bằng mới. 

Giá gạo châu Á đang ở mức cao nhất hai năm và khả năng còn tiếp tục tăng cao hơn nữa khi nguồn cung gạo giá rẻ từ Ấn Độ đã bị siết chặt hơn. Đồng thời, hiện tượng El Nino sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động canh tác nông nghiệp của nhiều quốc gia trên toàn cầu, vừa khiến nguồn cung giảm và khiến nhu cầu nhập khẩu lương thực tăng lên. 

Chính phủ Ấn Độ đã quyết định cấm xuất khẩu gạo non-basmati. Giới chức trách của quốc gia Nam Á này muốn tránh nguy cơ lạm phát nhiều hơn trước cuộc bầu cử quan trọng. 

Mặc dù động thái này có thể làm giảm giá trong nước của Ấn Độ, nhưng nó có nguy cơ đẩy chi phí toàn cầu vốn đắt đỏ lên cao hơn nữa bởi Ấn Độ đang chiếm khoảng 40% thương mại gạo toàn cầu. Tháng 9 năm ngoái, quốc gia Nam Á này cũng đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo 100% tấm và áp thuế 20% đối với các lô hàng gạo trắng và gạo lứt để ổn định thị trường trong nước. 

Trong khi đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết El Nino đã phát triển tại vùng nhiệt đới Thái Bình Dương lần đầu tiên sau 7 năm, gây khô hạn tại Đông Nam Á. 

Dù mưa đã xoa dịu phần nào nỗi lo mất mùa tại Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng thời tiết khô nóng lại đang đe dọa Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai. Chính phủ Thái Lan đã khuyến cáo nông dân chỉ trồng một mùa vụ trong năm nay, thay vì hai hoặc ba vụ như thường lệ. 

Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, với sự xuất hiện của El Nino, ảnh hưởng từ thời tiết khô nóng sẽ bắt đầu rõ rệt trong tháng 9 và tháng 10. Điều này đồng nghĩa hoạt động mua tích trữ sẽ tiếp diễn khi El Nino được dự báo kéo dài sang năm sau. 

Nắng nóng cũng có khả năng đe dọa nhiều khu vực tại miền Nam Trung Quốc. Theo Cục Khí tượng Trung Quốc, nhiệt độ có thể lên 40 độ C tại Hồ Nam và Giang Tây, các tỉnh trồng lúa hàng đầu nước này. Cơ quan này cũng cảnh báo "rủi ro cao" là nắng nóng sẽ khiến lúa tại những nơi này chín sớm 

Trong bối cảnh đó, các nhà nhập khẩu lớn tại châu Á như Philippines, Indonesia, Malaysia, hay các quốc gia tại châu Phi và Trung Đông… đang tích cực thu mua gạo nhằm tăng cường kho dự trữ, chuẩn bị cho kịch bản thiếu hụt nguồn cung lương thực. 

Mới đây, Indonesia đã ký thoả thuận nhập khẩu 1 triệu tấn gạo trong trường hợp El Nino khiến dự trữ gạo của Indonesia xuống thấp. Bangladesh cũng đang có kế hoạch đấu thầu 500.000 tấn gạo để đảm bảo an ninh lương thực. 

Trong báo cáo mới đây, USDA đã nâng dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2023 lên mức 7,5 triệu tấn, tăng 0,3 triệu tấn so với dự báo trước và tăng 6,3% so với con số 7,05 triệu tấn của năm 2022. 

Còn theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với đà tăng trưởng như hiện nay, xuất khẩu gạo chắc chắn sẽ thu về hơn 4 tỷ USD trong năm nay. Giá gạo xuất khẩu của nước ta hiện đã ở mức cao. Trong tương lai, mặt bằng này sẽ tiếp tục được duy trì khi nước ta có 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải.

Trước lo ngại về lượng gạo trong nước, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, chúng ta không lo thiếu gạo cho xuất khẩu, và cũng không nên hạn chế xuất khẩu gạo. Bởi vì, Việt Nam cũng nhập khẩu 1,3 triệu tấn lúa và gạo; trong đó nhập khẩu từ Campuchia nhiều nhất với 1 triệu tấn lúa.

Hiện nay, khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo là vấn đề vốn, tín dụng. Do đó, VFA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng cường nguồn vốn ngắn hạn tại các thời điểm thu hoạch chính vụ. Đồng thời tiếp tục hướng dẫn thương nhân tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp.

Tại cuộc họp về xuất khẩu gạo với Bộ NN&PTNT mới đây, ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long, cho biết thực tế hiện nay, doanh nghiệp lúa gạo được vay vốn trung - dài hạn chưa được nhiều, chủ yếu vốn ngắn hạn để thu mua khi vào vụ. Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành nên có chính sách ưu đãi hơn cho đầu tư dài hạn. Vì bản chất nâng cao giá trị lúa gạo nằm ở cả chuỗi giá trị, từ khâu trồng, sản xuất, thu mua đến sấy, bảo quản, chế biến sau thu hoạch nên cho vay vốn dài hạn sẽ hỗ trợ được doanh nghiệp rất nhiều.

Từ tháng 8/2011, khi Tân Long Group được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo có thời hạn đến tháng 9?2012 (sau đó được thời hạn đến 5 năm/lần), hoạt động kinh doanh của công ty chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc giúp Tân Long Group góp mặt vào nhóm doanh nghiệp có doanh thu tỷ đô và duy trì từ đó. Đến nay, mảng nông nghiệp đóng góp hơn 80% doanh thu của Tân Long Group.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem