Đọc sách cùng bạn: Người về từ hoàng hôn

Phạm Xuân Nguyên Thứ ba, ngày 18/08/2020 08:00 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay tôi cùng bạn đọc tập thơ "Phơi cơn mưa lên chiều" của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh hiện đang sống và viết tại Đà Nẵng.
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: Người về từ hoàng hôn - Ảnh 1.

Có ngẫu nhiên chăng khi mở đầu tập thơ "Phơi cơn mưa lên chiều" Nguyễn Ngọc Hạnh đã cho in bài "Hoàng hôn"? Tên tập thơ đã nói thời gian về chiều và tên bài thơ mở đầu lại nói lúc chiều về cuối. Mà trong bài thơ đó lại có đến 3 chữ "chiều", 2 chữ "đêm", còn "hoàng hôn" tính cả đầu đề là 4 chữ. Những chữ này còn lặp lại nhiều trong các bài của tập thơ. Thời gian như vậy là rút về cuối, vào sâu, trong cõi lặng của đất trời và lòng người. Không gian trong bài thơ đó cũng rút về làng mạc quê hương, trở lại nơi ban đầu xuất phát. Cảm xúc là nỗi buồn hoài niệm, là chiêm bao tỉnh thức, là trở về quá khứ. Đọc bài mở đầu và đọc hết cả tập thì thấy toàn bộ không-thời gian và cảm xúc, tình điệu của bài "Hoàng hôn" tạo thành âm chủ, phả ra khí hậu chung của cả tập thơ "Phơi cơn mưa lên chiều". Cho nên tôi nghĩ Nguyễn Ngọc Hạnh không ngẫu nhiên mà mở đầu tập thơ thứ ba của mình bằng bài "Hoàng hôn". Bài này được viết đúng ngày mở đầu năm (1/1/2018). Chắc nó có một ý nghĩa nào đó để hút cả 50 bài trong tập dù viết ở những thời gian khác nhau vào trong một quỹ đạo chung, một từ trường chung. Từ trường thơ Nguyễn Ngọc Hạnh.

Hoàng hôn trở đi trở lại nhiều trong tập thơ. Thử làm một thống kê.

- "Cứ mãi hoàng hôn nỗi nhớ nhà" (Khất nợ dòng sông giấc mơ trôi, tr. 16)

- "Tôi cùng với hoàng hôn" // "Lấp lánh hoàng hôn giữa nghĩa trang" (Chiều cuối năm viếng mộ con, tr. 18)

- "Mưa cong vút lên trời hoàng hôn" (Thu rơi, tr. 35)

- "Bây giờ còn lại chỉ hoàng hôn" (Biển lặng, tr. 36)

- "Đâu phải hoàng hôn mờ mịt chốn địa đàng" (Đâu rồi giấc mơ cỏ xanh, tr. 41)

- "Cứu rỗi linh hồn ấy để cùng bay về phía ánh sáng bên kia hoàng hôn" (Có một ngày, tr. 44)

- "Biết lấy gì để tặng hoàng hôn" (Còn nợ gì phía bèo trôi, tr. 66)

- "Đừng khép hoàng hôn tôi mờ mịt" (Phơi cơn mưa lên chiều, tr. 74)

- "Không níu được hoàng hôn trở lại" (Biển chiều, tr. 79)

- "Nhớ hoàng hôn lẫn câu thơ ban chiều" (Về quê, tr. 91)

- "Qua sông mà cứ mong chờ hoàng hôn" (Lục bát qua sông, tr. 92)

Tác giả quen tay chăng, dễ dãi chăng? Có lẽ không phải. Tần suất xuất hiện của "hoàng hôn" nhiều như thế cho thấy thứ nhất, ám ảnh hoàng hôn trong tâm tưởng, tình cảm của một con người ở chặng đường đời mình đang sống, và thứ hai, vẻ đẹp của hoàng hôn trong cảm xúc thẩm mỹ của một nhà thơ. Chung quy cả hai cái đều phơi bày tâm trạng sống của Nguyễn Ngọc Hạnh – một tâm trạng vừa có tính hiện tại vừa mang tính đời đời. Hoàng hôn là cuối ngày, vào đêm, nghĩa là lặng chìm, khuất bóng, nghĩa là đẩy con người vào cô đơn và gợi nỗi buồn, nhớ, tiếc. 

"Người thơ phong vận như thơ ấy", câu thơ của Hàn có lẽ vận được cho trường hợp này của nhà thơ xứ Quảng. Nguyễn Ngọc Hạnh không tự tin được như một nhà thơ khác: "Tôi không buồn những buổi chiều / Vì tôi đã sống rất nhiều ban mai" (Hoàng Thị Minh Khanh). Cảm xúc của anh gần hơn với nhà thơ Hy Lạp Yannis Ritsos (1909 – 1990): "Đường đời phía trước không còn / Có chăng trở lại mảnh vườn ngày xưa / May còn chú bé ngây thơ / Vẫn còn đứng đấy để chờ đợi anh" (Ngân Xuyên dịch từ bản tiếng Pháp).

PHƠI CƠN MƯA LÊN CHIỀU

Tác giả: Nguyễn Ngọc Hạnh

Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2018

Số trang: 139

Số lượng: 500

Giá bán: 90.000đ

Từ hoàng hôn người thơ đi vào đêm. Trong đêm "chỉ mình tôi bước tới phía sau" (Khất nợ dòng sông giấc mơ trôi, tr. 16). Câu thơ bảy chữ mà nặng trĩu nhân sinh. "Phía sau" là nơi trở về, quay lại – đó là đất và người của làng quê, của cha mẹ, của tuổi mình, của những nơi chốn đã qua, của những người còn kẻ khuất. Nhưng người đi về phía sau lại "bước tới" chứ không phải "bước lùi", dẫu biết là mình đang quay lại cái đã qua – đây không phải bước đi của đôi chân mà là bước đi của tâm tưởng, tâm trạng. Bước tới là quay về. Và trên hành trình "bước tới" đó người thơ "chỉ mình tôi". Nhà thơ không viết "mình tôi" hay "một mình tôi" mà viết "chỉ mình tôi" như muốn nhấn sâu hơn cái hành trình cô đơn của một con người, của mỗi con người, ai cũng phải trải qua, ít hay nhiều, nặng hay nhẹ, và với kiếp thi nhân thì luôn trải qua, nhiều và nặng. "Mình tôi" là tinh thần, linh hồn, nhiều hơn "một mình tôi" là thể xác, hình hài, thêm "chỉ" là thêm cái mình đó. Nguyễn Ngọc Hạnh đi một mình vào hoàng hôn-dĩ vãng, lấy những câu thơ thắp đường về nhà và soi đường vào mình để khỏi "lạc giữa phố đông" như bao người. Đường ấy đã hẹp dần, đời đã hẹp lại, thơ cũng hẹp vào, và người đã mòn đi, cả thể xác và tâm hồn. Nhưng khi nhủ mình đã mòn "tận đáy rồi" người thơ vẫn muốn nói vọng với nhân gian "mòn là yêu tha thiết". Thật cũng đã tha thiết và có chút gì bùi ngùi, tội nghiệp. Có phải vậy mà Nguyễn Ngọc Hạnh thấy mình phải hối hả kéo "câu thơ mắc cạn" qua lối hẹp đường mòn để mong lại được "tôi như vừa mới là tôi sinh thành". Những động từ mạnh được anh sử dụng:

-"Tôi xin dốc cạn trời mây" (Câu thơ mắc cạn, tr. 51)

-"Xin rót hết ngày mưa, chở che hết những chiều giông bão" (Đâu rồi giấc mơ cỏ xanh, tr. 41)

-"Hãy rót vào tôi niềm đau,

Rót vào cơn mưa nỗi buồn nắng hạn" (Cơn gió tình cờ, tr. 93).

Trên đường về hoàng hôn, nhà thơ đã gặp "cơn mưa phơi lên chiều trôi". Đó là câu mở đầu của bài thơ có đầu đề lấy làm tên chung của cả tập. Câu tiếp theo là một phép so sánh: "Như tóc em bay lưng trời". Đúng ra phép liên tưởng so sánh này đã bật ngay ra trong tâm cảm nhà thơ khi anh nhìn những làn mưa bay trong chiều mà thấy giống như em phơi tóc, hong tóc: làn mưa = làn tóc. Trời buông làn mưa như em buông làn tóc. Nhưng độc đáo ở đây là từ "phơi", nhất là khi tác giả đảo nó lên đầu câu: "phơi cơn mưa lên chiều". Cơn mưa như vậy không còn là cơn mưa đơn thuần, mái tóc cũng không còn là mái tóc cụ thể. Tất cả đã nhòe đi, mơ hồ, mông lung trong kỷ niệm, hoài vọng được đem phơi ra, hong lên và chấp nhận đánh đổi tất cả quá khứ để được sống, được yêu như đã từng. Bốn câu thơ bắt đầu bằng chữ "Thà" đủ nói lên cái quyết tâm và quyết liệt ấy, nửa muốn níu kéo lại nửa đành buông bỏ.

-"Thà rơi như là chiều buông"

-"Thà em mây bay về nguồn"

-"Thà tôi phiêu dạt dặm trường"

-"Thà cứ yêu người lận đận".

Tiếng thơ nghe khắc khoải và tuyệt vọng.

Nguyễn Ngọc Hạnh, cứ thế, viết những câu thơ miên man, da diết như một tiếng thở dài buồn không não nề mà xa xót. Những câu thơ anh lấy từ hoàng hôn trở lại. Những câu thơ biết như người "còn nợ phía bèo trôi". Những câu thơ ngập ngừng theo bước chân anh "heo hút phong trần" phố khuya Sài Gòn. Đọc anh tôi lại nhớ hai câu thơ của Chế Lan Viên "Anh ở hoàng hôn của tuổi / Thêm yêu mưa móc của đời".

Cùng anh "phơi cơn mưa lên chiều" người đọc vào đêm thấy "lòng tôi chưa cạn đêm sâu". Câu thơ này rồi sẽ được anh lấy làm tên một tập sách khác (Nxb Đà Nẵng, 2019) trong đó có phần in những bài viết của bạn bè văn hữu về thơ mình. Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, như vậy, đã tìm được tiếng lòng đồng vọng tri âm ở nhiều người.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem