Cuốn sách ra mắt nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông sinh ngày 23/11/1922 tại Vĩnh Long. Ông là Uỷ viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam (1982 – 1997), Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1991 – 1997). Trải qua chiến tranh và hoà bình, ông là nhà lãnh đạo xuất sắc, "sâu về tâm, lớn về tầm", đã có công lớn đưa đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, "xé rào" cô lập và bao vây, để hội nhập quốc tế và phát triển. Ông mất ngày 11/6/2008. Đánh giá về ông, Thủ tướng Phạm Văn Đồng sinh thời đã nói: Võ Văn Kiệt là "Thủ tướng làm được nhiều việc nhất cho dân tộc, cho đất nước". Đây là một đánh giá xác đáng.
Nói tới Thủ tướng Võ Văn Kiệt là nhớ tới các biệt danh. Biệt danh "Chủ tịch gạo" cho phép mua lúa theo sát giá thị trường, cho phép chuyên chở gạo trái phép về thành phố, để cứu đói cho TP HCM thời còn cấm chợ ngăn sông, với phát biểu nổi tiếng: "Nếu vì việc này mà cán bộ phải đi tù thì tôi đi đưa cơm".
Biệt danh "Bí thư xé rào" để các ngành sản xuất công nghiệp có thể tự tìm vật tư, nguyên liệu cho nhà máy sản xuất. Biệt danh "Thủ tướng điện" cho xây nhà máy thuỷ điện Trị An (1978) và sau đó là công trình hệ thống đường dây truyền tải điện 500 kV Bắc Nam (1992). Đặc biệt ông nổi tiếng trên cương vị người đứng đầu Chính phủ bày tỏ một quan điểm chính trị đầy tính nhân văn sâu sắc: "Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỏ máu". Ngay cả đến bây giờ tư tưởng này vẫn chưa phải đã được chia sẻ hoàn toàn.
Cuốn sách được những người biên soạn đặt tên "Võ Văn Kiệt trăm năm trong một chữ Dân" bởi vì ông có tên gọi thân mật là Sáu Dân, lại cũng bởi vì và đây là lý do chính, đó là cả cuộc đời ông là của dân, vì dân, cho dân. Các bài viết trong sách là của những người từng cộng sự và gần gũi với Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Họ là các nhà chính trị, các trợ lý, thư ký của ông, các thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng do ông lập ra, các nhà khoa học, nhà thơ, nhà báo thân thiết cùng ông. Mỗi người từ chỗ đứng và góc nhìn của mình đã kể lại những kỷ niệm, những suy nghĩ, đánh giá về Võ Văn Kiệt - con người, nhà chính trị, nhà lãnh đạo đã để lại dấu ấn sâu đậm vào một thời kỳ đầy khó khăn nhưng cũng đầy triển vọng của đất nước.
VÕ VĂN KIỆT TRĂM NĂM TRONG MỘT CHỮ DÂN
Nhiều tác giả
Nhà xuất bản Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2022
Số trang: 302 (khổ 15x23cm)
Số lượng: 2000
Giá bán: 140.000đ
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết viết: "Tôi học ở ông trước hết là phải gần dân, lắng nghe ý kiến của dân, tin ở dân và mọi việc làm của mình đều vì lợi ích của nhân dân. Đồng thời cũng phải sẵn sàng chịu trách nhiệm trước dân và trước đất nước. Đó là bài học có thể nói là phong phú, bao trùm tất cả".
Nhà thơ Trần Việt Phương, một trong thư ký của ông viết: "Năng khiếu của anh Sáu Dân là: học dân; phát hiện và tiếp thu sáng kiến của dân, từ nhìn nhận vấn đề, chủ trương xử lý, biện pháp thiết thực, cách làm cụ thể. Anh Sáu Dân không dừng ở chủ trương chung, đại thể, mà là con người của biện pháp và cách làm. Chính đó là một cội nguồn của tư duy: vươn lên, xốc tới, tạo bứt phá".
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan viết: "Ông là Người Truyền Lửa vĩ đại. Ngọn lửa của lòng yêu Nước thương Dân, ngọn lửa của tư duy Đổi Mới, Sáng Tạo, ngọn lửa của tinh thần Học Hỏi, Lắng Nghe, ngọn lửa của tâm tình Bao Dung, Hoà Hợp… Ông đã thắp sáng lên và truyền rộng khắp đất nước này, truyền tới cả hàng triệu người Việt đang sinh sống khắp năm châu".
Nhà thơ Nguyễn Duy viết: "Tôi thấy đây là một con người không giống những người khác, không theo lối mòn trong tư duy, tiếp xúc với anh em văn nghệ sĩ bằng cái nhìn cởi mở thay vì khắt khe, soi mói, bắt bẻ. Và tôi tin ở con người ấy".
Còn nhiều những đánh giá trân trọng như vậy về Võ Văn Kiệt trong cuốn sách này.
Đọc những bài viết trong sách và nghe trực tiếp những người làm sách nói chuyện tại Hà Nội về Võ Văn Kiệt, tôi cứ tự hỏi: Từ đâu có một con người như vậy? Các diễn giả đều nói chúng ta sẽ còn phải nhiều năm nữa mới hiểu thấu con người này. Một con người "8 tuổi mới được đi học ở lớp trong xóm do người dân tự mở, sau đó học ở trường làng, 16 tuổi đọc thông viết thạo". Một con người "đi từ trong rừng ra", dấn mình vào cách mạng và chiến tranh, không có vốn tri thức từ học đường. Phải chăng ở đây ngoài tư chất cá nhân, còn có phẩm chất của con người một vùng đất, và sức mạnh của một lý tưởng vẹn nguyên từ nguồn? Tôi nói "lý tưởng vẹn nguyên từ nguồn" là lý tưởng ban đầu của những người cộng sản đấu tranh cho độc lập dân tộc và hạnh phúc nhân dân.
Võ Văn Kiệt đi theo cách mạng từ năm 17 tuổi, làm cách mạng cả đời, chính là vì lý tưởng vẹn nguyên ban đầu ấy. Lý tưởng vì Dân. "Dĩ dân vi bản", lấy Dân làm gốc, sách thánh hiền xưa đã viết, nhiều ông vua thời trước đã nói ra miệng. Cách Mạng lấy Dân làm gốc, đó là sự tiếp nối và theo đuổi. Bỏ dân, khinh dân, thì mọi lý tưởng lớn lao, đẹp đẽ đến mấy cũng sụp đổ. Võ Văn Kiệt – Sáu Dân đã trọn đời cùng Nhân Dân.
Xét công lao một vĩ nhân là chuyện của lịch sử. Võ Văn Kiệt cũng có những sai đúng của mình trong cả sự nghiệp một đời. Nhưng như Lenin đã nói, xét công nghiệp của một vĩ nhân không phải xét những gì họ chưa làm được so với những người đi sau, mà phải xét họ đã làm gì được hơn những người đi trước. Đọc cuốn sách này độc giả sẽ biết được những việc lớn Võ Văn Kiệt đã quyết làm và làm được ở thời mình là Thủ tướng Chính phủ. Cuộc đời ông vẫn có những ngậm ngùi cay đắng khi có những việc mình nghĩ ra, mình muốn làm, nhưng thời thế và cơ chế đã không cho ông làm được. "Đó là bài học đại đoàn kết dân tộc, thực hiện dân chủ, tự do, phát huy truyền thống lịch sử và văn hoá lâu đời của dân tộc chúng ta. Quan niệm này được thể hiện rõ hơn trong bức thư ông gửi Bộ Chính trị ngày 9/8/1995 và qua một bài tham luận nhân cuộc hội thảo kỷ niệm 60 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam. Điều đáng tiếc là kiến nghị cuối đời của ông Võ Văn Kiệt đã không được phổ biến rộng rãi", nhóm chủ biên sách đã cho biết như thế trong lời vào sách.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã được tổ chức cấp quốc gia tại tỉnh nhà của ông. Một bảo tàng mang tên "Vườn ông Sáu Dân" đã được khánh thành và đưa vào hoạt động tại chính quê nhà ông. Cuốn sách "Võ Văn Kiệt trăm năm trong một chữ Dân" là một cách kỷ niệm của tấm lòng và trí tuệ.
Hãy đọc cuốn sách này để biết một con người đã đi vào và đã trở thành lịch sử của đất nước. Từ cuộc đời và sự nghiệp Võ Văn Kiệt, tôi nghĩ, phong trào học tập tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể gói gọn trong sáu chữ: Tư tưởng là Vì Dân; đạo đức là Thương Dân; tác phong là Gần Dân. Võ Văn Kiệt đã là một con người như thế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.