Đội hình ĐT Việt Nam vô địch AFF Suzuki Cup 2008 giờ ra sao?

Thứ sáu, ngày 26/10/2018 09:13 AM (GMT+7)
Vậy là đã 10 năm kể từ lần cuối ĐT Việt Nam lên ngôi tại AFF Suzuki Cup, những kỉ niệm về một đêm đông diệu kỳ tại Mỹ Đình chắc hẳn chưa phai nhòa trong tâm trí nhiều người yêu bóng đá Việt.
Bình luận 0

Vừa qua, hậu vệ Huỳnh Quang Thanh chính thức treo giày chia tay sự nghiệp quần đùi áo số. Một con người nữa của “Thế hệ vàng” năm nào đã chia tay trái bóng tròn. Vậy trong số những cầu thủ đã mang về chức vô địch AFF Suzuki Cup năm ấy, bây giờ họ đang làm gì, ở đâu? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

Ở vị trí thủ môn

img

Thủ môn Dương Hồng Sơn – cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu năm đó, hiện đã giải nghệ và làm công tác HLV thủ môn cho đội trẻ của CLB Hà Nội.

Thủ môn Bùi Quang Huy, cũng đã giải nghệ và hiện làm HLV thủ môn cho đội bóng anh gắn bó khi còn thi đấu, CLB Nam Định, song song với việc kinh doanh và làm những công việc từ thiện.

Riêng thủ môn Trần Đức Cường, giờ vẫn còn thi đấu chuyên nghiệp và đang làm thủ môn dự bị cho Bùi Tấn Trường tại Becamex Bình Dương.

Trung vệ Vũ Như Thành

img

Sự nghiệp của Như Thành trải qua không ít những thăng trầm, sóng gió. Là một cầu thủ có trình độ chuyên môn cao, tinh thần thi đấu máu lửa nên không khó hiểu khi Như Thành là một trong những cái tên được nhiều đội bóng tại V.League săn đón ở thời đỉnh cao. Tuy nhiên, cầu thủ quê Nam Định không giữ được mình trước những cám dỗ và có thời điểm cầu thủ này “đang đá bóng thì có người đến đòi nợ”. Sau những năm tháng thi đấu đỉnh cao, hiện Như Thành đang làm HLV cho đội bóng nhi đồng Star Football tại giải nhi đồng toàn quốc 2018.

Trung vệ Lê Phước Tứ

img

Nhờ lối chơi mạnh mẽ và quyết đoán, Phước Tứ kết hợp cùng Như Thành tạo nên bức tường vững chắc trước mặt khung thành thủ môn Hồng Sơn, làm nền tảng cho chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008 của ĐT Việt Nam. Sau giải đấu năm đó, Phước tứ phiêu bạt đến Thanh Hóa, Xi măng Xuân Thành Sài Gòn, về Quảng Nam, tới Ninh Bình và giải nghệ tại Becamex Bình Dương vào đầu năm 2017. Hiện tại, Phước Tứ đang đảm nhận vị trí trợ lý HLV cho HLV Hứa Hiển Vinh tại U15 PVF.

Hậu vệ: Huỳnh Quang Thanh

img

Năm ấy, Quang Thanh và Việt Cường kết hợp hoàn hảo với nhau tạo nên “đôi cánh” xuất sắc bậc nhất của bóng đá Việt Nam. Khả năng lên công về thủ toàn diện, tố chất thủ lĩnh và sự bền bỉ là những điểm mạnh của hậu vệ này. Sau những thành công trong màu áo CLB Becamex Bình Dương, Quang Thanh chuyển đến Long An thi đấu trước khi giải nghệ.

Tưởng chừng Quang Thanh sẽ có cái kết đẹp để treo giày giải nghệ, nhửng rồi sự cố đáng quên trên sân Thống Nhất tại V.League 2017 kèm án cấm thi đấu hai năm bỗng khiến chương cuối trong sự nghiệp Quang Thanh trở nên u ám. Sau khi được VFF giảm án, Quang Thanh thi đấu nỗ lực trong màu áo Long An tại giải Hạng nhất, và ngày 5 tháng 10 vừa qua, hậu vệ huyền thoại của bóng đá Việt Nam ghi bàn thắng cuối cùng trong sự nghiệp, vào lưới CLB Bình Phước, và chính thức treo giày giải nghệ, vài ngày trước sinh nhật lần thứ 34 của mình.

Cặp “song Cường”: Đoàn Việt Cường và Lê Quang Cường

img

Hai cầu thủ cùng tên, cùng đá hậu vệ, cùng được HLV Calisto gọi lên ĐTQG chuẩn bị cho AFF Suzuki Cup 2008 nhưng sự nghiệp lại rẽ theo hai chiều trái ngược. Lê Quang Cường sau thành công cùng đội tuyển, tiếp tục nâng cao chức vô địch V.League 2 lần vào các năm 2009 và 2012. Sau đó, hậu vệ này giải nghệ ở tuổi 30, sang Mỹ định cư và quản lý công việc kinh doanh của gia đình. Một sự nghiệp thành công, một lối sống lành mạnh, và có công việc ổn định khi kết thúc sự nghiệp cầu thủ. Các cầu thủ trẻ nên nhìn hình mẫu và cách làm việc, sinh hoạt của Quang Cường để phấn đấu đạt được.

Trái ngược với người đồng đội, hậu vệ Đoàn Việt Cường lại có sự nghiệp quá nhiều trắc trở. Ngay từ khi còn nhỏ, Việt Cường bộc lộ điểm mạnh ở thể lực và sức bền đáng kinh ngạc, và tài năng đó sớm được phát triển và giúp Việt Cường hiện thực hóa giấc mơ cầu thủ chuyên nghiệp. Thế nhưng, khi đã có mọi thứ trong tay, từ tiền bạc, địa vị, và cả mĩ nhân, Việt Cường bỗng mất thăng bằng và sa vào nhiều thứ tệ nạn, thậm chí là cả ma túy. Sau bao thăng trầm, sóng gió trong sự nghiệp, năm 2017, cơ hội một lần nữa đến với Cường “Dusit” khi người đồng đội cũ Lê Công Vinh, khi đó làm quyền chủ tịch CLB Thành phố Hồ Chí Minh, chiêu mộ Việt Cường, khi ấy đã không còn ở đỉnh cao. Tưởng như sân Thống Nhất sẽ giúp Việt Cường có chút yên bình sau những ngày giông bão, thì chính cầu thủ người Đồng Tháp lại đánh mất cơ hội của mình, và ở vị trí của một người nắm quyền điều hành CLB, Công Vinh buộc phải thanh lý hợp đồng với người đồng đội năm nào, một cái kết buồn cho sự nghiệp của một trong những hậu vệ xuất sắc nhất mà bóng đá Việt Nam từng sản sinh.

Năm 2008, HLV Calisto còn gọi hai hậu vệ khác, là Thanh Giang và Minh Đức lên ĐT Việt Nam dự AFF Suzuki Cup, và cả 2 cầu thủ này giờ đều đã giải nghệ.

Tiền vệ Nguyễn Minh Châu

img

Minh Châu là hình mẫu tiêu biểu nhất về lòng trung thành tại V.League, khi cả sự nghiệp của tiền vệ người Quảng Ninh này gắn với CLB Hải Phòng. Lối chơi mạnh mẽ, máu lửa, không ngại va chạm giúp ích rất nhiều trong chặng đường vô địch của thầy trò HLV Calisto năm ấy. Năm 2017, khi phong độ dần đi xuống vì những tác động của tuổi tác và chấn thương, Minh Châu chính thức chia tay CLB Hải Phòng và treo giày giải nghệ. Sau đó, tiền vệ này sang Australia định cư và cùng vợ điều hành công việc kinh doanh, khép lại sự nghiệp của một biểu tượng về lòng trung thành tại V.League.

Tiền vệ Nguyễn Minh Phương

img

Phút bù giờ cuối cùng, lượt về trận chung kết AFF Suzuki Cup năm ấy, Minh Phương đứng trước quả đá phạt trực tiếp bên cánh trái, sau một nhịp nhìn bóng, cầu thủ mang áo số 12 treo một đường bóng vừa đủ để Công Vinh đánh đầu ngược tung lưới Kosin, đem về chiếc cup vô địch cực kỳ cảm xúc. Mùa giải 2001/2002, trong màu áo CLB Cảng Sài Gòn, Minh Phương với vai trò của một người nhạc trưởng nơi tuyến giữa, đưa đội bóng này đến chức vô địch V.League một cách thuyết phục.

Sau đó, tiền vệ sinh năm 1980 chuyển đến CLB Đồng Tâm Long An với một bản hợp đồng gây nhiều tranh cãi, nhưng rồi dư luận cũng sớm quên đi những lùm xùm đó, để theo dõi Minh Phương thi đấu sau đó đem về chức vô địch V.League cho ĐTLA. Chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008 cùng ĐT Việt Nam là thành tích xứng đáng cho những gì mà tiền vệ này đóng góp cho đội tuyển, và cũng không ngoa khi nói rằng, chính Minh Phương đã kiến tạo nên chức vô địch vào mùa đông đáng nhớ năm 2008.

Năm 2012, một lần nữa, Minh Phương lên ngôi vô địch V.League, ở tuổi 32 trong màu áo SHB Đà Nẵng. Một con người khiêm nhường, hiền lành, một lối sinh hoạt và làm việc mẫu mực, một nhân cách đáng quý. Minh Phương của những tháng ngày xỏ giày thi đấu, đã ngừng chạy, bây giờ, Minh Phương đang là HLV trưởng của SHB Đà Nẵng thay thế người tiền nhiệm Lê Huỳnh Đức. Hi vọng rằng, tại V.League 2019, SHB Đà Nẵng sẽ “lột xác” để đạt được những mục tiêu cao hơn, và tiến bộ hơn những gì họ đã làm ở mùa giải năm nay.

Tiền vệ: Phan Văn Tài Em

img

Năm 2008, tại AFF Suzuki Cup, Tài Em chính là người mang băng đội trưởng và anh cũng là một trong những cầu thủ quan trọng bậc nhất với HLV Calisto thời điểm đó. Với vai trò của một tiền vệ trung tâm, Tài Em quán xuyến cực kỳ tốt khu vực trung lộ và trở thành hạt nhân cho lối chơi phòng ngự phản công mà HLV Calisto xây dựng cho đội tuyển. Bên cạnh những yếu tố chuyên môn, Tài Em còn được đánh giá là một trong những cầu thủ “tài đức vẹn toàn” mà người hâm mộ từng chứng kiến. Chuyên môn tốt, cuộc sống cá nhân ổn định, không có những lùm xùm ngoài sân cỏ, đặc biệt là khát khao đóng góp, khát khao cống hiến cho màu áo ĐTQG luôn ngùn ngụt cháy trong tim, đó là những phẩm chất đáng quý của tiền vệ quê Long An.

Năm 2018, Tài Em bất ngờ dẫn dắt CLB Sài Gòn khi HLV Nguyễn Đức Thắng chia tay đội bóng này, hứa hẹn một màn trình diễn đáng chờ đợi của CLB Sài Gòn. Mọi chuyện sau đó diễn ra không như mong đợi của nhiều người, sau mùa giải 2017 thi đấu ấn tượng, Sài Gòn FC bị hút máu hàng loạt, khi những cái tên như Đình Trọng, Văn Đại, Patrick Cruz hay Marcelo Fernandes lần lượt rời đội bóng. Sau 10 trận thua của đội chủ sân Thống Nhất, Tài Em chia tay CLB Sài Gòn. Bước đi đầu tiên của đời HLV không suôn sẻ, nhưng đó là trải nghiệm quý báu cho Tài Em có những thành công trong tương lai.

Tiền vệ: Lê Tấn Tài

img

Trong số những cầu thủ từng tham dự AFF Suzuki Cup 2008, Tấn Tài là cầu thủ nhiều tuổi nhất còn đang thi đấu. Ở tuổi 34, khi mà những đồng đội cùng chinh chiến năm nào giờ đều đã chia tay sân cỏ, có người đã có nhiều năm làm công tác huấn luyện, thì Tấn Tài vẫn đang thi đấu tuyệt hay tại V.League. Sau 25 trận đấu tại V.League, lão tướng 34 tuổi có bảy kiến tạo và một bàn thắng cho Becamex Bình Dương, con số quá ấn tượng với một tiền vệ đã 34 tuổi. Không chỉ đóng vai trò như một máy quét nơi tuyến giữa, Tấn Tài cùng với Tấn Trường hay Anh Đức còn đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt, uốn nắn những cầu thủ trẻ của Becamex Bình Dương như Thanh Thảo, Tiến Linh, Hồ Tấn Tài đủ cứng cáp, trước khi chính những cái tên trẻ ấy trở thành đầu tàu, kéo đội bóng đất Thủ đi lên trong tương lai.

Vừa qua, anh cũng đã giúp Becamex Bình Dương lần thứ ba lên ngôi tại Cúp Quốc gia, qua đó cùng với Sông Lam Nghệ An trở thành hai đội bóng giàu thành tích nhất giải đấu.

Tiền vệ Nguyễn Vũ Phong

img

Tại AFF Suzuki Cup 2008, chính Vũ Phong là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất cho ĐT Việt Nam, trong đó có bàn thắng vào lưới ĐT Thái Lan trong trận chung kết lượt đi, một bàn thắng cực kỳ quan trọng. Tốc độ và sức rướn cực tốt, những cú sút xa không thể cản phá là những gì người hâm mộ nhớ tới chàng tiền vệ quê Vĩnh Long này. Trong màu áo CLB Becamex Bình Dương, Vũ Phong thực sự vươn tới đỉnh cao mà mọi cầu thủ đều mong muốn như hai lần vô địch V.League, hai chức vô địch cup Quốc gia, lọt vào bán kết AFC Cup.

V.League 2017, ở tuổi 32, Vũ Phong vẫn đóng vai trò quan trọng trong đội hình SHB Đà Nẵng, đặc biệt, trong trận gặp CLB Hà Nội tại V.League, Vũ Phong có một bàn thắng tuyệt đẹp bằng chân trái vào lưới thủ môn Văn Công, bàn gỡ hòa 1-1 cho đội khách. Cuối năm 2017, tiền vệ sinh năm 1985 chính thức chia tay sự nghiệp cầu thủ, để lại trong tâm trí người hâm mộ những ấn tượng không thể nào quên về một trong những cầu thủ chạy cánh để lại nhiều cảm xúc nhất của bóng đá Việt Nam.

Tiền vệ Phạm Thành Lương

img

Năm 2008, khi đó Thành Lương mới là một tài năng trẻ 20 tuổi nhưng chiếm được lòng tin của HLV Calisto và chiếm được một vị trí trong đội hình ĐTVN tại AFF Suzuki Cup năm đó. Một kèo trái có chút gì đó “dị”, có chút “phủi” nhưng lại rất khéo léo và đầy hiệu quả, với hai bàn thắng tại AFF Suzuki Cup năm đó, Thành Lương tự viết nên lời giới thiệu bản thân cực kỳ thuyết phục tới người hâm mộ, để người ta mãi ấn tượng về một trong những kèo trái “dị” nhất mà bóng đá Việt Nam từng sản sinh. Sau chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008, Thành Lương gắn bó với ĐTQG cho tới sau kì AFF Suzuki Cup 2016, tiền vệ này chia tay ĐTQG để hoàn toàn tập trung cho CLB Hà Nội. Vừa qua, tiền vệ 30 tuổi nâng cao chức vô địch V.League lần thứ ba của mình, mặc dù những tác động của tuổi tác khiến tiền vệ này không còn bùng nổ như những mùa giải trước, nhưng sự cái giản dị, gần gũi của Thành Lương vẫn còn sống động trong tâm trí của những người yêu mến tiền vệ này.

Hai tiền vệ còn lại góp mặt trong đội hình ĐTVN tại AFF Suzuki Cup là Trần Trường Giang và Thạch Bảo Khanh đã chia tay sân cỏ từ lâu và cả 2 đều đang làm công tác đào tạo trẻ.

Tiền đạo Nguyễn Việt Thắng

img

Việt Thắng có khởi đầu sự nghiệp không được may mắn, khi mà anh dính đến nghi án bán độ mà anh không hề tham gia khiến tiền đạo này bị cấm thi đấu ba năm. Sau quãng thời gian bị cấm thi đấu, Việt Thắng trở lại mạnh mẽ, giành chức vô địch V.League cùng ĐTLA năm 2006 và 2007. Thành tích ấn tượng ấy thuyết phục HLV Calisto triệu tập tiền đạo người Long An vào danh sách cuối cùng dự AFF Suzuki Cup 2008. Mặc dù giải đấu năm đó Việt Thắng chỉ ghi được một bàn nhưng không thể phủ nhận những gì tiền đạo này đóng góp cho lối chơi chung. Năm 2014, Việt Thắng giải nghệ và làm công tác huấn luyện tại PVF, chính Việt Thắng là người có ảnh hưởng rất lớn lên tiền đạo Đức Chinh, người được kì vọng sẽ trở thành phiên bản hoàn thiện hơn của người thầy Việt Thắng.

Tiền đạo Lê Công Vinh

img

Công Vinh là cầu thủ ghi bàn nhiều nhất, khoác áo ĐTQG nhiều nhất và cũng là cầu thủ gây nhiều tranh cãi bậc nhất trong suốt những năm qua. Công Vinh có những khoảnh khắc diệu kì, đó là cú lốp bóng vào lưới ĐT UAE tại Asian Cup, đặc biệt là bàn thắng đầy cảm xúc vào lưới thủ môn Kosin trong trận chung kết AFF Suzuki Cup cách đây 10 năm. Thế nhưng, cầu thủ này cũng dính đến nhiều tai tiếng khiến người ta có những ấn tượng xấu mãi về sau, đó là lần anh vái lạy trọng tài trên sân Cao Lãnh, hay gần đây nhất, là cuốn tự truyện “Phút 89”- cuốn sách đẩy những tranh cãi xung quanh tiền đạo này lên đến đỉnh điểm.

Gạt bỏ hết những vấn đề ngoài sân cỏ, nếu ta nhìn vào màn trình diễn của Công Vinh trên sân, ta hoàn toàn hiểu và nể phục tài năng, ý chí vươn lên của tiền đạo này. Trong khi nhiều người còn đang mải “nuối tiếc” về Văn Quyến, thì Công Vinh xuất hiện với sứ mệnh của một đầu tàu trên hàng công kéo ĐT Việt Nam đi lên, mặc cho người đời nói anh “ăn may” hay “nếu Văn Quyến không bán độ thì…”. Sau kì AFF Suzuki Cup 2016, Công Vinh giải nghệ và trở thành quyền chủ tịch CLB Thành phố Hồ Chí Minh. Sau năm đầu tiên trong vai trò người điều hành CLB, Công Vinh làm những điều “trước nay chưa ai làm” , là việc anh đích thân đi bán vé, dẫn cầu thủ chạy quanh sân chào cổ động viên, hay đứng sát hàng rào xin lỗi người hâm mộ khi đội bóng thất bại. Tiếc rằng, những hành động đấy chưa thể kéo đội chủ sân Thống Nhất đi lên, và sau 1 năm đầy vất vả trong vai trò mới, Công Vinh chia tay CLB Thành phố Hồ Chí Minh và người hâm mộ đang chờ đợi ngày trở lại mạnh mẽ, và ấn tượng của tiền đạo người Nghệ An này.

Hai tiền đạo còn lại của ĐT Việt Nam trong chiến dịch AFF Suzuki Cup năm đó là Phan Thanh Bình và Nguyễn Quang Hải đều đã giải nghệ từ lâu. Bàn thắng của Quang Hải vào lưới ĐT Singapore ở bán kết chắc chắn cũng cảm xúc không kém gì bàn thằng mà người đàn em cùng tên ghi được vào lưới U23 Qatar sau đó 10 năm cũng vào một trận bán kết. Sự nghiệp của tiền đạo người Khánh Hòa kết thúc vì chứng thoát vị địa đệm hành hạ, anh rời xa sân cỏ và kinh doanh yến sào cùng gia đình tại quê nhà Khánh Hòa.

Phan Thanh Bình sớm trở thành “hiện tượng” của bóng đá Việt Nam ở cái tuổi còn rất trẻ và được kì vọng sẽ tỏa sáng rực rỡ ở thời điểm mà tiền đạo của ĐT Việt Nam nhiều như lá rụng mùa thu. Nhưng rồi, cuộc hôn nhân với Thảo Trang và sau đó là những lùm xùm quanh chuyện tình cảm, chuyên môn, showbiz dần kéo sự nghiệp Phan Thanh Bình đi vào khủng hoảng. Sau những thăng trầm cùng nghề cầu thủ, Thanh Bình giải nghệ và tham gia một số show truyền hình, thỉnh thoảng anh cũng xuất hiện trong những chương trình bình luận trận đấu.

Đã 10 năm kể từ lần đầu, cũng là lần duy nhất Những chú Rồng vàng lên ngôi tại giải đấu cấp khu vực. Năm nay, AFF Suzuki Cup sẽ trở lại, và thầy trò HLV Park cố hết sức để đạt được chức vô địch thứ hai trong lịch sử. Những kí ức về đêm đông 2008 vẫn còn, và mong rằng, cuối năm nay, kí ức ấy sẽ một lần nữa trở lại với ĐT Việt Nam, trọn vẹn, cảm xúc và tuyệt vời như 10 năm trước.

Tổng hợp (Foxsports/VN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem