Sự chuyển dịch mạnh mẽ thể hiện ở mô hình tăng trưởng kinh tế chuyển đổi theo hướng: tăng hàm lượng đóng góp của khoa học, công nghệ và sáng tạo. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa làm nòng cốt (công nghiệp, xây dựng chiếm 61,72%, dịch vụ 29,98%, nông, lâm, ngư nghiệp 8,3%).
GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 124 triệu đồng/người, tương đương khoảng 5.300 USD, gấp hơn 1,7 lần năm 2015. Cơ cấu lao động dịch chuyển nhanh từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ.
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có hơn 40.000 doanh nghiệp trong nước được thành lập và hoạt động, với tổng vốn đăng ký trên 300.000 tỷ đồng. Nhiều dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới và bổ sung tăng vốn (đến nay có 1.230 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đăng ký trên 218.000 tỷ đồng).
Trong 5 năm qua, đã có trên 440.000 tỷ đồng đầu tư vào hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thương mại, du lịch, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, hạ tầng thông tin truyền thông...
Nhiệm kỳ sắp tới, Đồng Nai đề ra mục tiêu phát triển trở thành trung tâm công nghiệp và dịch vụ cảng hàng không, cảng nước sâu, là cửa ngõ giao thương quốc tế.
Theo đó, chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) bình quân hàng năm trên 8,5%. GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2025 đạt trên 186 triệu đồng (tương đương 8.000 USD).
Tổng vốn đầu tư xã hội huy động trong 5 năm phải trên 500.000 tỷ đồng. Thu ngân sách nhà nước hàng năm đạt dự toán được giao. Chỉ tiêu xã hội, môi trường đến cuối năm 2025, phải có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Trên 90% dân số đô thị, trên 85% dân số nông thôn sử dụng nước sạch theo chuẩn QC02, thu gom và xử lý chất thải y tế, chất thải sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp không nguy hại, chất thải nguy hại đạt 100%, có 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, ông Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh: "Xu thế đổi mới sáng tạo và ứng dụng thành tựu của cách mạng khoa học công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh trên thế giới.
Ngoài nỗ lực của chính quyền địa phương, Đồng Nai rất mong muốn lĩnh hội được những kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, các tỉnh, thành để cùng nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sức bật mới cho tỉnh cũng như góp phần vào sự phát triển chung của khu vực.
Đồng Nai xác định huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch là 2 địa phương có tiềm năng và dư địa lớn cần có cơ chế, chính sách đầu tư thỏa đáng nhằm đáp ứng tốt cho yêu cầu thúc đẩy sự phát triển của Đồng Nai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.