Dự án hỗ trợ nữ nông dân và lao động thời vụ trong chuỗi giá trị tôm, lúa gạo tại Kiên Giang
Khởi động Dự án hỗ trợ nữ nông dân và lao động thời vụ trong chuỗi giá trị tôm, lúa gạo tại Kiên Giang
Hồng Cẩm
Thứ sáu, ngày 14/04/2023 13:42 PM (GMT+7)
Sáng 14/4, tại TP Rạch Giá (Kiên Giang), Ban Quản lý Dự án Trung ương thuộc Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khởi nghiệp và lập kế hoạch Dự án "Thúc đẩy tiếp cận an sinh xã hội và điều kiện lao động tốt hơn cho nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo tại Việt Nam".
Hội thảo Dự án "Thúc đẩy tiếp cận an sinh xã hội và điều kiện lao động tốt hơn cho nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo tại Việt Nam" (DGD) có sự tham gia của gần 50 đại biểu là lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (HNDVN), đại diện Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, đại diện Trung tâm năng lực cộng đồng (CECEM), đại diện công nhân và công đoàn (IWTU), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cùng đại diện Hội nông dân 5 tỉnh (Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau), 10 huyện tham gia Dự án.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Mai Bắc Mỹ - Trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế Trung ương HNDVN, Giám đốc Dự án DGD cho biết, ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, trong đó sản xuất tôm và lúa chiếm lần lượt 95% và 58% sản lượng cả nước, đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế khu vực và cả nước. Hai phân ngành này sử dụng nhiều lao động, thu hút sự tham gia của hơn hàng triệu nông dân quy mô nhỏ và công nhân, phần lớn tập trung ở các công đoạn sản xuất và chế biến của chuỗi giá trị.
Tuy nhiên, hai chuỗi giá trị này hiện còn tồn tại một số thách thức trong lĩnh vực an sinh xã hội (ASXH), quyền lao động và bình đẳng giới. Cụ thể là vấn đề rào cản trong tiếp cận an sinh xã hội, vấn đề an toàn vệ sinh lao động, quyền tiếp cận việc làm tử tế và phát triển sinh kế bền vững của các nữ nông dân và lao đồng thời vụ nông nghiệp không được đảm bảo và vấn đề bất bình đẳng giới.
Chính vì thế theo ông Mai Bắc Mỹ, nhằm giúp các nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo được tiếp cận an sinh xã hội, chính sách bảo trợ xã hội, việc làm tử tế, sinh kế bền vững, cải thiện điều kiện lao động, Ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Oxfam tại Việt Nam xây dựng Dự án "Thúc đẩy tiếp cận an sinh xã hội và điều kiện lao động tốt hơn cho nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo tại Việt Nam".
"Trong thời gian vừa qua, Dự án đã phối hợp chặt chẽ với nhà tài trợ, đối tác xây dựng định hướng, chiến lược, cách thức triển khai Dự án. Tuy nhiên, để Dự án có thể triển khai hiệu quả, đạt được những mục tiêu cam kết với nhà tài trợ, Ban Quản lý Dự án Trung ương rất mong nhận được sự phối hợp, hợp tác và hỗ trợ chặt chẽ của các chuyên gia, bộ, ban, ngành, viện nghiên cứu và đặc biệt là Hội Nông dân 5 tỉnh tham gia Dự án"- ông Mỹ đề nghị.
Với vai trò là đơn vị tài trợ Dự án, ông Lương Đình Lân- Quản lý chương trình cấp cao, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết, Dự án "Thúc đẩy tiếp cận an sinh xã hội và điều kiện lao động tốt hơn cho nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo tại Việt Nam", do Chính phủ Bỉ tài trợ. Tại Việt Nam Dự án do tổ chức Oxfam tại trợ và quản lý.
"Hội Nông dân Việt Nam là đoàn thể chính trị - xã hội của giai cấp nông dân. Chức năng của Hội là tập hợp, tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên, nông dân phát huy quyền làm chủ, tích cực học tập nâng cao trình độ; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân... Chính vì thế tổ chức Oxfam chọn Hội Nông dân Việt Nam hợp tác triển khai thực hiện Dự án tại 5 tỉnh khu vực ĐBSCL có số lượng diện tích nuôi trồng tôm, lúa gạo lớn nhất nước"- ông Lương Đình Lân, cho biết.
Báo cáo tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Việt Hà - Phó Ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế, Phó Giám đốc Dự án, cho biết: Dự án được triển khai thực hiện từ 2022 đến 2026 tại 5 tỉnh, gồm: An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và Sóc Trăng. Các hoạt động chính của Dự án nhằm nâng cao năng lực, tham gia xây dựng chính sách, thúc đẩy sáng kiến và hợp tác đa biên.
Kết quả mong đợi của Dự án là sẽ có 16.800 nữ nông dân và lao động thời vụ nông nghiệp trong chuỗi giá trị tôm và lúa gạo tại 5 tỉnh tham gia dự án được nâng cao nhận thức và năng lực về quản lý vận hành tổ nhóm, bình đẳng giới, an toàn vệ sinh lao động, an sinh xã hội… 80 tổ nhóm nông dân trong chuỗi giá trị tôm, lúa gạo được củng cố và phát triển, tăng cường năng lực hợp tác và hoạt động tập thể. Có 5 sáng kiến do nữ giới lãnh đạo hướng đến thực hành an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), ASXH và tiếp cận việc làm/sinh kế bền vững được hỗ trợ phát triển. Có 5 sáng kiến hợp tác đa bên được củng cố và phát triển.
Theo bà Phạm Thị Mai – Chuyên viên chính Ban Xã hội, Trung ương HNDVN, cho biết, với chức năng nhiệm vụ, nhiệm kỳ qua HNDVN đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về ASXH; thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, BHYT, phối hợp với Bảo hiểm PVI thực hiện nhiều hoạt động thiết thực; tổ chức các hoạt động tương trợ, hỗ trợ người có công, đối tượng yếu thế, người nghèo, nông dân vùng thiên tai; công tác trật tự, an toàn xã hội; thực hiện tốt chăm sóc sức khoẻ, phòng chống các dịch bệnh; giáo dục xoá mù chữ, đào tạo nghề và tạo việc làm cho nông dân…
Với vai trò là chuyên gia tham gia dự Hội thảo, ông Bùi Đức Nhưỡng – Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham gia ý kiến về an toàn lao động (ATLĐ) trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo ông Bùi Đức Nhưỡng cho biết, 66% lao động nông nghiệp không có hợp đồng lao động; việc làm không ổn định, thu nhập thấp, thường thiếu hiểu biết và ít quan tâm đến điều kiện lao động, thiếu các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về đảm bảo ATVSLĐ. Theo thống kê, tai nạn lao động (TNLĐ) khu vực không có hợp đồng lao động năm 2021 có 707 vụ, với 748 nạn nhân, có 185 người chết, 259 người bị thương nặng; năm 2022 có giảm, với 530 số vụ TNLĐ, có 556 nạn nhân, 158 người chết, 181 người bị thương nặng. Đặc biệt trung bình trong 3 năm từ 2016-2018, số người tử vong do TNLĐ là nông dân có 1.336 người, ngư dân, thuỷ thủ là 134 người…
Chính vì vậy, theo ông ông Bùi Đức Nhưỡng giải pháp cụ thể để giảm thiểu TNLĐ cho nông dân là cần hỗ trợ tập huấn ATVSLĐ cho nông dân theo phương pháp giáo dục hành động; vận động nông dân đăng ký cam kết đảm bảo ATVSLĐ; tăng cường tư vấn các biện pháp và mô hình cải thiện điều kiện làm việc an toàn; hỗ trợ kiểm định…
Tại hội thảo, Tiến sĩ Lý Quốc Đẳng- Điều phối, Nghiên cứu viên, Mạng lưới nghiên cứu Hành động giới (Trường Đại học Cần Thơ) trình bày tác động của biến đổi khí hậu đến an sinh xã hội trong ngành nông nghiệp và phụ nữ nông thôn tại Việt Nam.
Với vai trò là tỉnh thụ hưởng Dự án, ông Nguyễn Văn Nhiên – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang, băn khoăn: Theo báo cáo của các chuyên gia, đối tượng nông dân thu nhập thấp, nghèo, rủi ro cao, đặc biệt tỷ lệ tử vong hàng năm do TNLĐ cao… Ông Nhiên đề nghị tổ chức Hội các cấp cần có trách nhiệm tạo điều kiện cho nông dân nâng cao kiến thức về ATVSLĐ; các chuyên gia nghiên cứu sâu hơn về vấn đề TNLĐ lĩnh vực nông nghiệp, hạn chế tối đa số người tử vong là nông dân do TNLĐ.
Chiều cùng ngày, Ban Quản lý Dự án DGD tiếp tục chương trình Hội thảo lập kế hoạch cho 5 tỉnh tham gia Dự án.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.