Dự đoán về điểm chuẩn đại học năm 2023 sẽ biến động ra sao, thầy Ngô Văn Toản, giáo viên Toán, Trường THCS-THPT Ban Mai, Hà Nội cho biết, các trường top trên sẽ giảm điểm nhưng không nhiều, từ 0,5-1 điểm. Các trường còn lại có thể giảm từ 1,5-2 điểm.
Tuy nhiên, một số ngành hot như nhóm ngành Công nghệ thông tin ở Đại học Bách khoa Hà Nội có thể không giảm. Các ngành ở Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội cũng tương tự vì khối D điểm thi sẽ khá cao.
Thầy Hồ Như Hiển, giáo viên Lịch sử tại Tuyển sinh247 cũng nhận định: "Năm nay sẽ có cuộc hoán đổi ngoạn mục. Môn Lịch sử bứt tốc về điểm số trong khi môn Địa lý tụt hạng. Môn Giáo dục công dân về cơ bản vẫn là "cái rổ" điểm. Còn môn Văn không có nhiều bất ngờ bởi đề thi quá an toàn.
Phổ điểm môn Lịch sử sẽ ở tập trung nhiều nhất mức 6,5-7,5. Đặc biệt, môn Lịch sử không có điểm liệt. Phổ điểm môn Địa lý ở mức thấp nhưng vẫn có đột biến ở mức trên 9. Khả năng đạt 10 môn Địa lý sẽ thấp hơn môn Lịch sử.
Cuộc cạnh tranh khối C năm nay sẽ khốc liệt bởi học sinh đều đạt được số điểm tương đối cao".
27 điểm trở lên mới "mơ" vào ngành hot Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Chia sẻ với về điểm chuẩn đại học năm 2023, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: "Có một số ý kiến cho rằng đề thi tốt nghiệp THPT năm nay có sự phân hóa mạnh hơn nên số điểm cao ít đi và đồng nghĩa với việc điểm chuẩn giảm đi một chút. Nhưng tôi nghĩ điểm chuẩn không giảm mà cũng không tăng ở ngành hot như Marketing, Kinh doanh quốc tế, Logistics... Năm ngoái đã tăng khá cao, trên 28 điểm, thì năm nay không thể tăng hơn được nữa.
Ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tỉ lệ lấy điểm tổ hợp 3 môn năm nay chỉ còn 25% nên điểm chuẩn không thể giảm được. Nếu có giảm hay tăng thì cũng nằm trong biên độ nhỏ 0,25-0,5 điểm. Thí sinh căn cứ vào điểm chuẩn năm ngoái là tốt nhất".
Cũng theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, với điểm chuẩn xét tuyển sớm, năm nay do số lượng thi đánh giá năng lực nhiều hơn nhưng số điểm cao không nhiều nên điểm chuẩn giảm. Năm ngoái lấy trung bình 94 điểm thì năm nay còn 90.
Còn với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, nếu như năm 2017 chỉ có vài chục em đăng ký thì năm nay có khoảng 11.000 hồ sơ. Những năm qua, trình độ tiếng Anh của học sinh cũng tăng vượt bậc. Trước đây IELTS 6.5 đã là mừng thì giờ 70% hồ sơ có IELTS 6.5 trở lên. Đây là lợi thế giúp các em hòa nhập tốt, đặc biệt là sinh viên quốc tế.
Lưu ý cho thí sinh năm nay, ông Triệu cho biết: "Các trường xét tuyển minh bạch, công bằng nên các thí sinh phải xác định tâm lý "giỏi hơn người khác" mới đỗ được.
"Thí sinh cân nhắc đăng ký vào các ngành hot như Kinh doanh quốc tế, Kinh tế quốc tế... Còn những ngành như Tài chính ngân hàng năm nay bớt hot nhưng vẫn điểm cao. Năm ngoái điểm chuẩn các ngành hot là 28 điểm. Năm nay các em phải vượt 27 điểm trở lên mới đỗ vào ngành này.
Tôi khuyến nghị thí sinh chọn ngành trước, chọn trường sau vì các em có thể học 2 chương trình song song vì trường đào tạo theo tín chỉ nên rất linh hoạt. Mỗi khóa có 500-600 sinh viên học 2 chương trình".
TS Nguyễn Viết Thái, Trưởng phòng Đối ngoại - Truyền thông, Trường Đại học Thương mại đưa ra dự đoán, điểm chuẩn vào trường năm nay có thể ổn định hoặc giảm nhẹ. Trường chủ yếu xét tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh) hay D01 (Toán, Văn, Anh), trong khi đó theo những đánh giá ban đầu, các môn này có phần khó hơn năm trước. Do đó, có thể điểm chuẩn sẽ giảm nhẹ. Tuy nhiên, đây chỉ là dự đoán ban đầu, khi chưa công bố điểm thi và phổ điểm. Điểm chuẩn còn phụ thuộc vào nhiều khía cạnh.
TS Trần Mạnh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng tư vấn: "Khi chọn ngành, không nên quan trọng điểm chuẩn năm trước cao hay thấp mà thích ngành nào nhất hãy đặt lên đầu tiên. Sau đó, những ngành nào yêu thích ít hơn, nhưng tham chiếu các năm trước điểm chuẩn cũng ở mức vừa phải thì nên đặt thành những nguyện vọng sau cùng. Về dự đoán chi tiết hơn, có lẽ phải chờ tới khi Bộ GDĐT công bố phổ điểm".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.