Du lịch Lai Châu: Không nên đánh mất "kho vàng" giá trị lịch sử

Thanh Ngân-Phạm Hoài Chủ nhật, ngày 17/04/2022 02:20 AM (GMT+7)
Nằm trong khuôn khổ Tuần du lịch - Văn hóa Lai Châu 2022, chiều ngày 16/4, Tổng cục Du lịch Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Tọa đàm liên kết phát triển sản phẩm du lịch Lai Châu.
Bình luận 0

Du lịch Lai Châu: Không nên đánh mất "kho vàng" giá trị lịch sử!

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lai Châu, Trưởng Ban tổ chức Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2022, nhấn mạnh: "Tỉnh Lai Châu xác định, năm 2022 là bước đà mới để du lịch Lai Châu phát triển trong bối cảnh bình thường mới, xây dựng các sản phẩm uy tín và thương hiệu du lịch trên bản đồ Du lịch Việt Nam.

Liên kết phát triển sản phẩm du lịch Lai Châu - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi tọa đàm liên kết phát triển sản phẩm du lịch Lai Châu. (Ảnh: Phạm Hoài)

Lai Châu mong muốn nhận được ý kiến đóng góp, chia sẻ thẳng thắn của Tổng cục Du lịch, các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành, để Lai Châu có thể đạt được mục tiêu đưa sản phẩm du lịch địa phương kết nối với chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng trong khu vực và cả nước; hướng tới mục tiêu trong tương lai không xa du lịch Lai Châu sẽ trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam".

Liên kết phát triển sản phẩm du lịch Lai Châu - Ảnh 2.

Ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lai Châu phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Phạm Hoài)

Tỉnh Lai Châu cam kết sẽ luôn sát cánh, đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ và chia sẻ cùng các doanh nghiệp lữ hành, du khách trong quá trình triển khai, xây dựng các chương trình tour và hoạt động du lịch tại địa phương".

Liên kết phát triển sản phẩm du lịch Lai Châu - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm liên kết phát triển sản phẩm du lịch Lai Châu. (Ảnh: Phạm Hoài)

Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam phát biểu đề dẫn tại buổi tọa đàm: " Tọa đàm hôm nay là dịp để các đại biểu cùng nhau đánh giá tính khả thi của sản phẩm du lịch và khả năng liên kết sản phẩm du lịch Lai Châu với các địa phương trong cả nước. 

Các doanh nghiệp lữ hành cần đánh giá đúng thực trạng, chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng và đóng góp ý kiến cụ thể, góp phần giúp Lai Châu xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp trong thời gian tới. Tỉnh Lai Châu cũng cần đưa ra chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp lữ hành đầu tư phát triển sản phẩm du lịch Lai Châu.

Sau khi đi tham quan, khảo sát các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu, các đại biểu dự tọa đàm đã đánh giá về tiềm năng, thế mạnh của các điểm du lịch, sản phẩm du lịch tỉnh Lai Châu; đồng thời đưa ra thực trạng và các giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút khách du lịch trong thời gian tới".

Liên kết phát triển sản phẩm du lịch Lai Châu - Ảnh 4.

Ông Trương Hoàng Phương, Giám đốc Công ty Exotic Việt Nam phát biểu ý kiến tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Phạm Hoài)

Du lịch Lai Châu: Cần sự đồng lòng của người dân và trái tim làm du lịch

Cũng tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp lữ hành tham gia đoàn Famtrip đã có những chia sẻ, đóng góp rất tâm huyết với lãnh đạo tỉnh Lai Châu để thu hút khách du lịch nội địa và khách du lịch quốc tế đến với Lai Châu.

Ông Trương Hoàng Phương, Giám đốc Công ty Exotic Việt Nam nhận định: "Lai Châu có chiều dài văn hóa lịch sử rất dày, ví dụ Đèo Văn Long là một thủ lĩnh người Thái và là lãnh chúa của Khu tự trị Thái ở Liên bang Đông Dương ở bản Nậm Dòn, xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè. Hay là những giá trị lịch sử khác nữa.

Du lịch Lai Châu: Không nên đánh mất "kho vàng" giá trị lịch sử - Ảnh 5.

Đoàn Famtrip đến tham quan bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải ngày 16/4. Ảnh: Thanh Hà

Có thể nói chúng ta đang mất đi kho vàng tại Lai Châu cũ, tức Mường Lay bây giờ. Tôi cho đó là một ví trí tuyệt vời mà trước đây dường như du khách lên Lai Châu thường dừng chân tại đó. 

Tuy nhiên bây giờ, điểm đến này đã không còn giữ được nét đẹp tự nhiên, bản sắc riêng nữa. Tôi cảm thấy đây là điều đáng tiếc. Sau mấy ngày đi đoàn famtrip, tôi nhận thấy, Lai Châu chưa thể là điểm đến ở lĩnh vực tham quan đối với khách quốc tế và khách miền Nam.

Bởi với hai đối tượng khách mà tôi nói đến, khi họ đến Lai Châu là họ muốn được tham quan những giá trị văn hóa bản địa, ví dụ như phiên chợ, các bản, làng truyền thống...thì những thứ đó gần như không còn. 

Du lịch Lai Châu: Không nên đánh mất "kho vàng" giá trị lịch sử - Ảnh 6.

Đoàn Famtrip đi thăm các ngôi nhà tại bản Sì Thâu Chải

Du khách khi đến với các bản du lịch cộng đồng, điều mong muốn nhất là được gặp người dân bản địa đúng nghĩa ở đó, tuy nhiên điều đó là rất khó. Hay những ngôi nhà truyền thống đúng nghĩa gần như cũng không còn, mà bị xây dựng méo mó, cơi nới. Tôi cho đây là bài toán khó cho du lịch Lai Châu. 

Bởi lẽ, phát triển du lịch cộng đồng cần huy động được sự tham gia hưởng ứng của tất cả người dân trong một bản, một làng. Khi làm du lịch người dân phải đồng lòng, phải tâm huyết, nhiệt huyết, có trái tim làm du lịch. 

Vì vậy, Lai Châu nên hết sức cẩn thận và nỗ lực cố gắng hơn nữa nếu đi theo hướng này. Tỉnh Lai Châu nên phát triển giá trị văn hóa truyền thống bằng việc thành lập bảo tàng nông thôn, công viên văn hóa để quy tụ các dân tộc ít người; tranh thủ hưởng lợi từ du lịch SaPa để thu hút khách, nhưng phải có hướng đi và đặc trưng riêng của tỉnh.

Liên kết phát triển sản phẩm du lịch Lai Châu - Ảnh 5.

Ông Dương Đại Lâm, Phó Giám đốc - Đồng sáng lập Indochina Pioneer nhận định, tại các bản du lịch còn chưa có sự chau chuốt, trang trí thường bỏ qua các chi tiết nhỏ làm mất giá trị thẩm mỹ của các công trình kiến trúc. (Ảnh: Phạm Hoài)

Ông Dương Đại Lâm - Phó Giám đốc, đồng sáng lập Indochina Pioneer cho biết: "Công ty chúng tôi đã có hơn 10 năm kinh nghiệm tổ chức tour inbounb. Thị trường quốc tế chính chúng tôi khai thác gồm Anh; Mỹ, Canada, Úc, Newzeland, bên cạnh đó là Pháp, Tây Ban Nha. Và hôm nay khi tham gia Famtrip đến với những điểm đến du lịch như: Sin Suối Hồ, bản Sì Thâu Chải; Bản Thẳm…điều cảm nhận đầu tiên của tôi về Lai Châu là sự nồng hậu, nhiệt tình của cơ quan quản lý nhà nước, của lãnh đạo tỉnh Lai Châu, đồng thời từ những điểm đến du lịch này thì Lai Châu có thể tổ chức tour. Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ) là điểm nhấn của du lịch Lai Châu. 

Tỉnh Lai Châu cần nâng cao chất lượng các sản phẩm lưu trú và gắn liền với thiên nhiên; có cơ chế chính sách phù hợp, ưu tiên các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng phải có chọn lọc với những doanh nghiệp tâm huyết, không nên ồ ạt đầu tư các điểm du lịch làm mất đi vẻ đẹp cổ kính, nguyên sơ. Tại các bản du lịch còn chưa có sự chau chuốt, trang trí thường bỏ qua các chi tiết nhỏ làm mất giá trị thẩm mỹ của các công trình kiến trúc.

Du lịch Lai Châu: Không nên đánh mất "kho vàng" giá trị lịch sử - Ảnh 8.

Ông Nguyễn Ngọc An – Phó Tổng Giám đốc Công ty lữ hành Fiditour

Ông Nguyễn Ngọc An – Phó Tổng Giám đốc Công ty lữ hành Fiditour thì chia sẻ: "Sau những ngày đi famtrip tại các địa điểm du lịch, tôi thấy bản Sin Suối Hồ là địa điểm du lịch có tiềm năng nhất, mặc dù thời điểm hiện tại giao thông còn đang khó khăn. Bản Sin Suối Hồ có thể nói là du lịch cộng đồng đúng nghĩa nhất so với hai bản kia là Sì Thâu Chải và bản Thẳm. 

Theo tôi đây là loại hình du lịch bền vững mà Lai Châu nên tập trung và hướng đến. Còn với bản Thẳm tôi cho là đã bị thương mại hóa quá nhiều, từ cảnh quan, môi trường cho đến những chi tiết nhỏ như ngay cổng vào, đập vào mắt là hai chiếc mô tô nước, kế đến là hàng rào sắt…tôi chợt nghĩ sao không thể thay bằng cách bày trí khác mang đúng bản sắc của dân tộc Lự. 

Du lịch Lai Châu: Không nên đánh mất "kho vàng" giá trị lịch sử - Ảnh 9.

Những ngôi nhà tại bản Sì Thâu Chải, cùng hàng rào đá khiến đoàn Famtrip cảm thấy thích thú.

Với bản Sì Thâu Chải tôi thấy cảnh quan, thiên nhiên rất đẹp, bản sắc giá trị truyền thống của bản này phần lớn được giữ lại. Ngoài ra, bản này còn có thêm trải nghiệm cho du khách đó là điểm bay dù lượn giành cho khách du lịch ưa thể thao, mạo hiểm. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến thì thấy một vài ngôi nhà đang được xây mới, theo phong cách hiện đại, đồng thời chen giữa khoảng không gian với các ngôi nhà khác, làm phá vỡ cảnh quan tự nhiên của bản.

Vì vậy, theo cá nhân tôi, để phát triển du lịch, ngoài việc tập trung làm du lịch cộng đồng thì tỉnh cần liên kết vùng để tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn"

Liên kết phát triển sản phẩm du lịch Lai Châu - Ảnh 6.

Bà Dương Khánh Hương, Giám đốc Trung tâm Du lịch Sovilaco góp ý tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Phạm Hoài)

Bà Dương Khánh Hương - Giám đốc Trung tâm Du lịch Sovilaco nhấn mạnh: "Sau khi đi tham quan các điểm du lịch ở Lai Châu, tôi thấy phong cảnh của tỉnh đẹp, nhưng cần có điểm dừng chân để khách chụp ảnh, check-in, không cảm thấy nhàm chán. Tỉnh Lai Châu cũng cần đẩy mạnh công tác truyền thông và tập trung phát triển du lịch gắn với các nghề truyền thống của tỉnh. Đường đi giữa các điểm du lịch của tỉnh còn xa, nên kết nối với các tỉnh khác để mở các tour du lịch"

Liên kết phát triển sản phẩm du lịch Lai Châu - Ảnh 7.

Bà Lan Phương - Trưởng phòng Du lịch Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Phạm Hoài)

Bà Lan Phương - Trưởng phòng Du lịch, Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh (Tp.HCM) bày tỏ: "Đây là dịp để các doanh nghiệp lữ hành Tp.HCM trải nghiệm các dịch vụ du lịch, khảo sát các điểm du lịch tại Lai Châu. 

Nằm trong các chương trình liên kết giữa Tp.HCM và các tỉnh Tây Bắc mở rộng, trong đó có Lai Châu, Sở Du lịch Tp.HCM luôn là đơn vị kết nối các doanh nghiệp du lịch của thành phố để đưa du khách đến Lai Châu và các tỉnh Tây Bắc. Lai Châu có nhiều đỉnh núi cao như Putaleng được giới trẻ Tp.HCM rất yêu thích, muốn được đến trải nghiệm. 

Đây là một tín hiệu rất tốt cho sự phát triển du lịch ở Lai Châu. Bên cạnh đó, Lai Châu còn cần phải đẩy mạnh quảng bá du lịch, thông qua các nhóm blogger truyền bá hình ảnh du lịch Lai Châu đến với du khách và đông đảo lớp trẻ Tp.HCM"

Lai Châu cam kết đồng hành, chia sẻ và hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành - Ảnh 8.

Trước đó, trong hai ngày 14-16/4, Đoàn Famtrip đã đi tham quan các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu như: Khu du lịch Cầu kính rồng mây, bản Sin Suối Hồ, bản Thẳm, bản Nậm Mạ... (Ảnh: Phạm Hoài)

Theo Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch, tỉnh Lai Châu cần quan tâm tập huấn, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các điểm du lịch, góp phần mang lại bản sắc của địa phương; Đưa du lịch tại bản Sin Suối Hồ trở thành thương hiệu của du lịch cộng đồng ở Lai Châu và khu vực Tây Bắc. Tại các khu du lịch cần phải phân loại rác ngay từ đầu, nhằm giảm công sức phân loại rác sau này, giúp các điểm du lịch có được một môi trường xanh, sạch, đẹp. 

Du lịch nông thôn cần quy hoạch những vùng nông sản hữu cơ để thu hút các khách du lịch phân khúc cao, kể cả khách du lịch trong và ngoài nước. Cần nhắm vào một số trọng điểm để đẩy mạnh du lịch, đưa dịch vụ chất lượng cao vào các khu du lịch, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm du lịch Lai Châu.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem