Du lịch ở đâu - dọn rác ở đó

Thùy Anh Chủ nhật, ngày 14/03/2021 06:30 AM (GMT+7)
Rác thải - đặc biệt là rác thải nhựa là một trong những nỗi ám ảnh của nhiều địa phương có ngành du lịch phát triển mạnh.
Bình luận 0

 Ý thức được điều đó, những năm qua, không chỉ các cấp ngành địa phương tại những nơi có địa danh du lịch, các công ty lữ hành cũng đã vào cuộc, thiết kế những tour du lịch thân thiện với môi trường...

Dừng ở đâu dọn rác ở đó

Là một người "nghiện" du lịch phượt, những chuyến đi xuyên Việt đối với anh Trần Hữu Trung (Gia Lâm, Hà Nội) cùng nhóm bạn yêu xe phân khối lớn của mình luôn là những trải nghiệm rất thú vị. Tuy nhiên, anh Trung cho biết, anh và nhóm bạn thường xuyên chứng kiến cảnh rác thải bị các nhóm phượt trước đó vứt lại bừa bãi tại các điểm dừng chân, khu du lịch gây mất mĩ quan, khiến cho người dân bản địa không có thiện cảm đối với những nhóm phượt. Ý thức được điều này, nhóm của anh Trung đã đưa ra một nguyên tắc trong mỗi hành trình: "Dừng ở đâu, dọn rác ở đó; nhổ trại là nhổ… rác".

Du lịch ở đâu - dọn rác ở đó - Ảnh 1.

Một khảo sát của Booking.com thực hiện trong năm 2020 cho thấy: Dịch Covid-19 đã tác động và thay đổi nhận thức du khách: 59% số du khách bắt đầu tìm kiếm cách đi du lịch bền vững, 54% tránh đi du lịch mùa cao điểm, 52% cân nhắc giảm lượng rác thải và tái chế nhựa, 81% hy vọng ngành du lịch có thể đưa ra thêm nhiều lựa chọn du lịch bền vững.

Núi Hàm Lợn, hồ Đồng Đò, Bản Rõm… nhiều năm gần đây đã trở thành những địa điểm cắm trại thu hút nhiều du khách từ Hà Nội và các tỉnh lân cận đến. Đương nhiên, sau mỗi cuộc vui luôn là rác thải để lại. Bên cạnh những nhóm có ý thức bảo vệ môi trường, tự mình dọn dẹp, nhiều nhóm sau khi được nhắc nhở đã chọn dịch vụ dọn rác sau cắm trại, phí dịch vụ dọn rác từ 50.000 - 100.000 đồng/lần.

Chị Hoàng Thị Thu (khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Vì thường xuyên đưa các con ra ngoại thành cắm trại vào những dịp cuối tuần nên gia đình cũng nhân những dịp này giáo dục cho các con về ý thức bảo vệ môi trường. Trước khi hạ trại là yêu cầu các con nhặt rác thải khu vực xung quanh và yêu cầu dọn sạch trước khi về".

Vừa đi du lịch vừa… nhặt rác

Không chỉ có khách du lịch, những năm gần đây, các công ty lữ hành cũng bắt đầu cho ra đời những tour du lịch thân thiện với môi trường. Phải kể đến các tour của những doanh nghiệp lữ hành như: Vietravel, Oxalis Adventure Tours, Tiên Phong Travel, Hoi An Kayak Tours, Danang Ocean Tours...

Du lịch ở đâu - dọn rác ở đó - Ảnh 3.

Trẻ em được dạy ý thức bảo vệ môi trường, nhặt rác thải sau khi cắm trại xong (ảnh minh họa).

Người dân các thành phố du lịch như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang không còn xa lạ với cảnh những đoàn khách nước ngoài vừa tham quan vừa… nhặt rác trên bãi biển, trong các khu di tích.

Những năm gần đây, Công ty Hoi An Kayak Tours đã triển khai chương trình trải nghiệm chèo thuyền kayak trên sông Hoài và vớt rác trên sông. Đại diện công ty cho biết, đây là tour phi lợi nhuận, miễn phí hoàn toàn với du khách trong nước và tính phí 10USD/người với khách nước ngoài để trang trải các chi phí tổ chức, phương tiện vận chuyển, tập kết rác. Đầu năm 2020, Công ty Tiên Phong Travel cũng triển khai chiến dịch vớt rác tại suối Yến, chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) thu hút nhiều bạn trẻ tham gia.

Theo một khảo sát của Booking.com thực hiện trong năm 2020 về xu hướng du lịch tương lai ở Việt Nam cho thấy: 59% số du khách bắt đầu tìm kiếm cách đi du lịch bền vững hơn để giảm tác động lên môi trường và cộng đồng địa phương, 54% tránh đi du lịch mùa cao điểm, 52% cân nhắc giảm lượng rác thải và tái chế nhựa, 81% hy vọng ngành du lịch có thể đưa ra thêm nhiều lựa chọn du lịch bền vững...

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, thời gian tới, xu hướng du lịch sinh thái sẽ tiếp tục phát triển mạnh bởi những lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường của loại hình này, đồng thời phản ánh mối quan tâm của khách du lịch, của toàn cầu đến sự phát triển bền vững.

Ở khía cạnh khác bà Nguyễn Bích Hiền - cán bộ chương trình của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam cho rằng, về lâu dài, Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận và phát triển du lịch tập trung về chất lượng thay về số lượng.

"Đối với các điểm du lịch phổ thông, cần có đánh giá sức tải của điểm đến, từ đó có thể đưa ra được định lượng khách du lịch mà điểm đến có thể chứa vào mỗi thời điểm, mỗi mùa và kèm theo các biện pháp quản lý giảm thiểu ô nhiễm hiệu quả"- bà Hiền nói. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem