Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi): Mở rộng áp dụng với lao động tự do

Nguyệt Tạ Thứ tư, ngày 30/10/2019 10:09 AM (GMT+7)
Theo nhiều chuyên gia, so với Bộ Luật Lao động hiện hành thì Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này có nhiều điểm mới. Cụ thể phạm vi điều chỉnh không dừng lại ở lao động chính thức mà còn có cả nhóm lao động phi chính thức trong đó có lao động di cư (LĐDC) tự do.
Bình luận 0

Chưa tiếp cận được chính sách

Là hộ nghèo, cuộc sống chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên từ lâu bà Nguyễn Thị Ninh  (huyện Hải Hậu, Nam Định) phải lên Hà Nội kiếm sống để nuôi con ăn học. Do công việc vất vả, thu nhập cũng không được bao nhiêu nên bà chỉ thuê căn phòng trọ nhỏ chừng 5m2, lụp xụp, tại Long Biên.

img

Khoảng 70% lao động di cư không tiếp cận được với các dịch vụ y tế công.  Ảnh: I.T

Hiện có 13,6% tổng dân số là người di cư, trong đó, người di cư trong nhóm tuổi từ 19-59 tuổi chiếm17,3%. Di cư chủ yếu vì lý do học tập và lao động nên phần lớn người di cư có độ tuổi 15-39 tuổi, chiếm tỷ trọng 84% so với tổng số người di cư…

(Số liệu từ cuộc điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2015)

Tuy phòng nhỏ nhưng tính cả điện nước, sinh hoạt thì mỗi tháng bà Ninh phải trả 1,5 triệu đồng. Lo tiền ăn, tiền nhà trọ, lại phải tích cóp tiền để gửi về cho con ăn học nên nhiều lúc ốm đau, mưa gió bà vẫn phải đi chợ bán cá. “Mong muốn của tôi lúc này là có một công việc ổn định, mỗi tháng kiếm được tầm 5 - 7 triệu đồng. Với khoản thu đó, may ra mới tạm đủ để tôi lo cho cuộc sống của hai mẹ con” - bà Ninh nói.

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam có hơn 13% dân số là LĐDC, tăng gần 6% so với 10 năm trước, đa phần xuất thân từ nông thôn. Hầu hết họ làm những công việc giản đơn, thu nhập thấp, không có BHXH, BHYT tế. Điều này khiến họ thường xuyên phải đối mặt với những khó khăn.

Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và Phát triển cộng đồng cho biết, năm 2019 có tới hơn 10% dân số là người di cư (khoảng 10 triệu người). Bà Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm cho biết, đối tượng di cư rất đa dạng, nhiều độ tuổi, trong đó có cả trẻ em. “Người di cư đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm an toàn, cho thu nhập cao, và việc được đảm bảo điều kiện về an sinh xã hội. Nguyên nhân chính là do những chính sách hỗ trợ LĐDC chưa nhiều” - bà Ngọc Anh nói.

Mở rộng phạm vi điều chỉnh

Theo ông Nguyễn Văn Bình - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH) - Ban soạn thảo Dự thảo Luật Lao động sửa đổi, so với Luật Lao động hiện hành Dự thảo Luật Lao động sửa đổi đã mở rộng hướng tiếp cận và đối tượng áp dụng sang lao động ở khu vực không có quan hệ lao động (lao động làm nông nghiệp, ngư nghiệp, thủ công mỹ nghệ, làng nghề... hay còn gọi là lao động phi chính thức), trong đó có LĐDC, di cư tự do.

Cụ thể, một số chương, điều có điều chỉnh về vấn đề này như mục 5, chương 11 điều chỉnh cụ thể hơn về vấn đề lao động làm công việc giúp việc gia đình so với Luật Lao động năm 2012 và các nghị định và thông tư năm 2014.

Ngoài ra, Dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi cũng có nhiều các điều khoản khác về đảm bảo an toàn lao động cho lao động nói chung và LĐDC nói riêng. Trong một số chương liên quan cũng có điều chỉnh việc giao kết, thỏa thuận chế độ tiền lương. Theo các chuyên gia đây là cố gắng rất lớn của những nhà làm luật bởi thực tế, việc điều chỉnh nội dung liên quan tới việc tăng cường quản lý chính sách với nhóm lao động phi chính thức, LĐDC là một việc không hề đơn giản.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, xu hướng chuyển dịch việc làm cộng với nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông ở các khu đô thị ngày càng tăng sẽ khiến đối tượng LĐDC từ nông thôn ra thành thị ngày càng nhiều. Hiện nay, việc làm phi chính thức đang tạo hơn 30% GDP do vậy, cần thiết phải có những chính sách hỗ trợ bảo vệ đối tượng này.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem