Vietnam Airlines đề xuất áp giá sàn vé máy bay cao ngất: Quen thói "công tử" vòi vĩnh?

Hiếu Minh Thứ ba, ngày 07/09/2021 20:11 PM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt, PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống cho rằng cơ quan nhà nước không nên vì một Vietnam Airlines mà phải thay đổi chính sách có lợi cho Vietnam Airlines. Tại sao chỉ có mỗi Vietnam Airlines đề xuất mà các hãng tư nhân họ lại có ý kiến phản đối?
Bình luận 0

Đề xuất áp giá sàn vé máy bay của Vietnam Airlines là triệt tiêu cạnh tranh công bằng

Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ GTVT dự thảo có nội dung đề nghị áp dụng mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định là 12 tháng, từ 1/11/2021 hết ngày 31/12/2022, đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận và các chuyên gia.

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, đề xuất áp giá sàn vé máy bay xuất phát từ đề xuất của hãng hàng không Vietnam Airlines áp giá sàn vé máy bay trong thời gian 36 tháng. Vietnam Airlines kiến nghị áp 44% mức giá tối đa trong khung giá quy định.

Theo đề xuất của Vietnam Airlines, giá sàn vé máy bay cao nhất đối với đường bay nội địa là 1,6 triệu đồng/vé (một chiều). Tương tự, vé bay tuyến Hà Nội - TP HCM là 1,4 triệu đồng vé (một chiều). Như vậy giá vé hàng không sẽ tăng rất cao, và không còn vé 0 đồng hoặc mấy chục ngàn đồng như Vietjet và Bamboo hay áp dụng. 

Theo Vietnam Airlines, mục đích của việc áp giá sàn là hỗ trợ góp phần giảm bớt khó khăn và giảm nguy cơ phá sản của VNA (lỗ lũy kế của VNA hiện lên tới 17.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 2.750 tỷ đồng).  

Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, mức giá mà Vietnam Airlines đưa ra là quá cao và không hợp lý khi mức giá tối thiểu bằng với mức giá bình quân dẫn đến hạn chế người dân tiếp cận dịch vụ hàng không.

Áp giá sàn vé máy bay có hay không việc tháo túng chính sách - Ảnh 1.

Sân bay Nội Bài những ngày Hà Nội giãn cách xã hội. Ảnh: Phan Công

Nhận định về việc áp giá sàn vé máy bay, các chuyên gia đánh giá, việc áp giá sàn vé máy bay là triệt tiêu tự do cạnh tranh của doanh nghiệp, gây phương hại đến quyền lợi của người tiêu dùng và quay lại thời kỳ bảo hộ.

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đã bỏ giá sàn vé máy bay, chỉ một số nước chưa có thị trường cạnh tranh mới áp dụng. Các điều ước quốc tế mà ta đã ký kết cũng đã cho thấy, nếu có sự phân biệt đối xử, ưu ái, bảo hộ doanh nghiệp nhà nước như trước đây sẽ bị kiện, bị phạt.

Cùng với đó, Luật Hàng không cấm phân biệt đối xử giữa các hãng hàng không. Luật Giá không đưa vé máy bay vào danh mục hàng hóa dịch vụ do nhà nước quản lý giá (vì thị trường hàng không đã có tính cạnh tranh cao).

Điều 6 khoản 2 và 3 của Luật Cạnh tranh nêu rõ: "Chính sách của nhà nước về cạnh tranh là thúc đẩy cạnh tranh, đảm bảo quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp; tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng".

Áp giá sàn vé máy bay có hay không việc tháo túng chính sách - Ảnh 2.

Máy bay nằm tại sân bay Nội Bài vì không có khách. Ảnh: Phan Công

Có hay không "thao túng" chính sách?

Trao đổi với PV Dân Việt, PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không đặt câu hỏi: "Việc Vietnam Airlines đề xuất áp giá sàn vé máy bay có hay không dấu hiệu thao túng chính sách? cần phải lên án, làm rõ việc này".

"Cơ quan nhà nước không nên vì một Vietnam Airlines mà phải thay đổi chính sách có lợi cho Vietnam Airlines. Tại sao chỉ có mỗi Vietnam Airlines đề xuất áp giá sàn vé máy bay mà các hãng tư nhân họ lại có ý kiến phản đối?", PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống đặt câu hỏi.

PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống cho biết, mọi quy định pháp luật, chính sách đều được xây dựng dựa trên tính công bằng, nhằm giúp các hãng hàng không cạnh tranh công bằng để phát triển chứ không phải thao túng chính sách để đè nén hàng không tư nhân.

Chúng ta không nên áp giá sàn vé máy bay vì hiện nay, ngành hàng không đang phát triển rất tốt nhờ có sự cạnh tranh, nhờ có vé máy bay giá rẻ mà đã thu hút được nhiều hành khách hơn.

Những năm qua, hàng không luôn tăng trưởng nóng từ 2 con số, một phần nhờ vào việc có sự cạnh tranh của tư nhân khi có giá hợp túi tiền của người có thu nhập thấp. Từ đó, đã tạo nên một ngành hàng không phát triển nhanh như vậy.

Áp giá sàn vé máy bay có hay không việc tháo túng chính sách - Ảnh 3.

Hành khách làm thủ tục tại sân bay Nội Bài. Ảnh: VNA

Bộ GTVT chưa đồng ý áp giá sàn vé máy bay

Theo PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống, mỗi một hãng hàng không đều có 1 chiến lược phát triển khác nhau, nhưng đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Vì vậy, việc áp giá sàn vé máy bay sẽ cướp đi cơ hội đi máy bay của người dân. Cơ quan quản lý nhà nước, Quốc hội và Chính phủ cũng cần có những ý kiến về việc này.

Dự thảo của Cục Hàng không nêu rõ, Vietnam Airlines đề xuất áp giá sàn vé máy bay bằng chi phí bình quân 1 ghế của Vietnam Airlines như vậy là có lợi cho họ mà thiệt hại cho các hãng hàng không giá rẻ. Làm rõ về đề xuất này, trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Bộ GTVT xác nhận Cục Hàng không đã có báo cáo và đề xuất phương án áp giá sàn vé máy bay. Bộ GTVT cũng chưa đồng ý với phương án này.

Theo Bộ GTVT, đây là một vấn đề có tính tác động rất lớn, nên quan điểm của Bộ GTVT là hết sức cẩn trọng, khách quan, có sự tính toán khoa học. Đặc biệt phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng những quy định pháp luật liên quan, những tác động đến thị trường và người dân, cũng như quyền lợi của nhà nước và quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp hàng không.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng cần đánh giá kỹ lưỡng tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với toàn ngành Hàng không trong giai đoạn vừa qua và gian đoạn tiếp theo.

Chính vì vậy, Bộ GTVT đang chỉ đạo các cơ quan tham mưu nghiên cứu và đưa ra nhiều kịch bản, phương án khác nhau trong đó có đánh giá tác động cụ thể; tổ chức làm việc, xin ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, các chuyên gia và người dân để xem xét, quyết định.

Tại Thông báo số 223/TB-VPCP ngày 24/8/2021 của Văn phòng Chính phủ về thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá quý II/2021 ngày 13/8/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT quy định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa cho phù hợp với pháp luật về hàng không, pháp luật về giá nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích người tiêu dùng, đơn vị cung ứng dịch vụ và quyền lợi của Nhà nước.

Hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai các nhiệm vụ được giao tại Thông báo số 223/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, trong đó đã giao Cục Hàng không Việt Nam rà soát, đề xuất khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa cho phù hợp với pháp luật về hàng không, pháp luật về giá nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích người tiêu dùng, đơn vị cung ứng dịch vụ và quyền lợi của Nhà nước.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem