Áp giá sàn vé máy bay - đề xuất lỗi thời

Quốc Phong Thứ bảy, ngày 14/08/2021 17:12 PM (GMT+7)
Đề xuất áp giá sàn của Vietnam Airlines (VNA) khiến số đông người tiêu dùng có nguy cơ bị tước bớt quyền lợi được mua vé giá rẻ, triệt tiêu động lực cạnh tranh của các hãng và vi phạm nguyên tắc cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường.
Bình luận 0

Tháng 4 năm nay, VNA đã kiến nghị lên Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ việc áp giá sàn vé máy bay và lập tức bị phản đối dữ dội từ phía người tiêu dùng và chính các hãng hàng không tư nhân. Kiến nghị của VNA đã làm dấy lên lo ngại về sự phân biệt đối xử, coi doanh nghiệp có vốn nhà nước là con đẻ, doanh nghiệp tư nhân là con ghẻ.

Những tưởng đề xuất này đã bị bác. Thế nhưng, với lập luận của VNA cho rằng cạnh tranh hạ giá vé trong bối cảnh đại dịch sẽ gây khó khăn cho VNA và suy yếu ngành hàng không, Chính phủ đã giao cho các Bộ liên quan kiểm tra việc  thực thi Luật Giá và Luật Cạnh tranh của các hãng hàng không. Chưa rõ kết quả ra sao, có hãng nào vi phạm không, vi phạm như thế nào, nhưng quan sát thực tế các hãng hàng không Việt Nam, tôi thấy một số chuyện ngược đời quanh câu chuyện VNA muốn áp giá sàn và việc kiểm tra chấp hành 2 luật. 

Thứ nhất, trong bối cảnh cạnh tranh với các hãng hàng không tư nhân hiện nay, rất vô lý nếu VNA chủ động đề xuất áp giá sàn, khiến người tiêu dùng mất cơ hội được mua vé giá rẻ. Bamboo mới ra đời nhưng đã lao ngay vào cuộc cạnh tranh cả về giá vé với và chất lượng phục vụ với các hãng khác. Hãng này tuyên bố là "hàng không 4 sao", phấn đấu lên 5 sao, tức là cùng phân khúc với VNA nên đối thủ chính là VNA. Tuy nhiên, thời gian qua, Bamboo cũng liên tục cạnh tranh giá vé với các hãng hàng không chi phí thấp, nôm na là hãng "hàng không 3 sao".

Trong cuộc chiến giá vé và chất lượng này, chi phí của các hãng hàng không tư nhân đều tăng, ảnh hưởng đến lợi nhuận của hãng. Trong đại dịch khó khăn, theo suy luận thông thường, sẽ không ngạc nhiên nếu một trong các hãng này hoặc thỏa hiệp với VNA về việc không hạ giá vé nữa, cả 3 hãng cùng có lợi. Càng cạnh tranh với VNA, họ càng bị hao tổn, suy yếu nguồn lực, đặc biệt là nguồn tài chính của mình chứ không phải "tiền chùa" - ngân sách nhà nước, nhưng ngược lại, xã hội, người tiêu dùng sẽ bị thiệt.

Áp giá sàn vé máy bay - đề xuất lỗi thời - Ảnh 2.

Máy bay của các hãng hàng không hoạt động tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Phan Công

Trong khi hầu hết các hãng bay trong nước và quốc tế gặp khó khăn vì đại dịch, thế nhưng có hãng hàng không tư nhân vẫn có lãi sau 6 tháng hoạt động thì chỉ có thể suy đoán, bộ máy của họ rất gọn nhẹ và hiệu quả sử dụng từ nhân lực đến vật lực đều rất khéo và rất khoa học. Đó chính là lợi thế của kinh tế tư nhân mà các DNNN nên suy nghĩ, không riêng gì hãng bay nhà nước…

Trong khi đó VNA quy mô hơn cả, có lợi thế nhà nước nắm phần lớn cổ phần (86,4%), được coi như DNNN nên có nguồn hậu thuẫn hùng hậu. Đặc biệt, nước ta có 6 hãng bay chở khách thì VNA Group sở hữu đến 3 hãng (VNA, Pacific Airlines và Vasco). 3 hãng ở 3 phân khúc, thị phần khác nhau, rõ ràng VNA là một thế lực mà Vietjet, Bamboo và Vietravel Airlines phải kiêng nể. Thế nhưng chuyện ngược đời đã xảy ra khi chính VNA đề nghị áp giá sàn để bảo vệ lợi ích của hãng này chứ không phải một trong ba hãng tư nhân nói trên. 

Chuyện ngược đời thứ hai là VNA sở hữu một nửa số hãng bay ở Việt Nam. Với lợi thế này, VNA rất dễ thống lĩnh, chi phối thị trường, chiếm nhiều slot bay ở Việt Nam. Liệu có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh ở chính 3 hãng của VNA? Thế nhưng, VNA lại là nơi khởi phát của việc điều tra việc các hãng hàng không chấp hành Luật Cạnh tranh.

Chuyện cũng có thể xem là ngược đời thứ ba, đó là VNA vừa được Chính phủ hỗ trợ khoản vay đặc biệt 4.000 tỷ đồng lãi suất 0% trong 3 năm. Đây là vốn ngân sách, là thuế của dân, tức là bình quân mỗi người dân Việt Nam đã hỗ trợ VNA 40.000 đồng để giúp hãng này bớt khó khăn. Cùng với việc được phát hành cổ phiếu thu hút vốn thêm 8.000 tỷ đồng, VNA có 12.000 tỷ đồng để giải quyết khó khăn do dịch Covid-19.

Trong bối cảnh các hãng cùng khó khăn, cùng phải nộp thuế, cùng bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng chỉ 1 hãng được hỗ trợ sẽ gây bất bình đẳng, tạo lợi thế để VNA vươn lên chiếm thị phần, thậm chí chèn ép đối thủ. Mặt khác, ngân sách và người dân cũng khó khăn do dịch, lẽ ra VNA có thể tăng chất lượng dịch vụ, giảm giá vé để tri ân người dân, khách hàng. Thế nhưng VNA làm ngược lại và còn đề nghị áp giá sàn để tước cơ hội mua vé rẻ của người dân từ các hãng hàng không khác. Đó là điều rất không hợp lý khi người dân, sau mấy trận dịch vừa qua, nếu có trở về trạng thái bình thường sắp tới, hàng không được phục hồi các chuyến bay. Lúc đó thì người dân và doanh nghiệp cũng coi như kiệt sức thực sự và không dễ gượng dậy nổi…

Cũng có ý kiến phân tích rằng VNA muốn cơ quan quản lý nhà nước áp giá sàn thực ra là vì lợi ích của chính hãng này và gây khó cho đối thủ. Vì nếu không được mua vé giá thấp, người tiêu dùng sẽ chọn bay những hãng nhiều "sao'' hơn, đồng nghĩa với hãng bay ít "sao" hơn sẽ bị bất lợi.  

Tôi tin những chiêu mượn tay cơ quan quản lý trong giai đoạn hiện nay để tạo lợi thế như này sẽ khó được chấp nhận và cũng không dễ cạnh tranh với sự thông minh, năng động của các hãng bay tư nhân. Và, một điều tôi tin chắc chắn là mấy chục triệu người tiêu dùng Việt Nam sẽ bị tước quyền lựa chọn bay giá rẻ nếu áp giá sàn theo đề xuất của VNA.

Đảng, Chính phủ đã mất hàng thập kỷ bền bỉ xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Văn kiện Đại hội Đảng chính thức nêu kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của sự phát triển kinh tế đất nước với một tinh thần thượng tôn pháp luật. Luật Hàng không cấm phân biệt đối xử. Luật Giá không đưa vé máy bay vào danh mục hàng hóa dịch vụ do nhà nước quản lý giá (vì thị trường hàng không đã có tính cạnh tranh cao). Điều 6 khoản 2 và 3 của Luật Cạnh tranh nêu rõ: "Chính sách của nhà nước về cạnh tranh là thúc đẩy cạnh tranh, đảm bảo quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp; tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng".

Áp giá sàn là triệt tiêu tự do cạnh tranh của doanh nghiệp, gây phương hại đến quyền lợi của người tiêu dùng và quay lại thời kỳ bảo hộ. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đã bỏ giá trần và giá sàn vé máy bay, chỉ một số nước chưa có thị trường cạnh tranh mới áp dụng. Các điều ước quốc tế mà ta đã ký kết cũng đã cho thấy, nếu có sự phân biệt đối xử, ưu ái, bảo hộ doanh nghiệp nhà nước như trước đây sẽ bị kiện, bị phạt.

Hàng không đang là phương tiện vận chuyển phổ cập với giá vé khá thấp ở Việt Nam. Thu nhập bình quân đầu người ở nước ta rất còn thấp, việc làm của hàng chục triệu người đang bị ảnh hưởng, thu nhập bị suy kiệt vì đại dịch Covid-19. Nếu áp giá sàn chỉ vì để tránh thua lỗ nặng nề cho một hãng bay quá cồng kềnh, nặng tư duy cũ  sẽ khiến vé máy bay trở nên xa xỉ, ảnh hưởng đến người dân, đến hội nhập quốc tế.

Luật pháp của chúng ta đã có chế tài phạt doanh nghiệp vi phạm Luật Giá, Luật cạnh tranh. Hãng bay nào vi phạm thì cần bị chế tài nghiêm khắc, chứ không thể vì một vài hạn chế (nếu có) mà đề xuất quay lại giá sàn và phủ nhận thành quả đã gây dựng được trong hàng chục năm qua – làm vậy là đi ngược với quy luật kinh tế thế giới. Đứng trên góc độ nào đề xuất áp giá sàn vé máy bay cũng đều đi ngược lại xu thế kinh tế thị trường, nhưng vì cái lợi trước mắt mà mất đi cái lợi lâu dài VNA vẫn đề nghị? Phải chăng VNA vẫn muốn được quay lại bảo hộ như trước đây?



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem