Dự thảo Luật Đất đai rất “đồ sộ” với 237 Điều nhưng thời gian góp ý trong 6 ngày là quá ngắn
HoREA: Dự thảo Luật Đất đai "đồ sộ" với 237 Điều nhưng thời gian góp ý trong 6 ngày là quá ngắn
Quốc Hải
Thứ hai, ngày 01/08/2022 10:02 AM (GMT+7)
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) rất “đồ sộ” với 237 Điều mà Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ cho thời gian góp ý từ 29/7 đến trước ngày 3/8/2022 là quá ngắn. Vì vậy, HoREA đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thêm thời gian để góp ý
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa kiến nghị lên Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Cục Quản lý Đất đai về việc cho thêm thời gian để góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung nỗ lực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương sớm hoàn thành Đề án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Chính phủ để kịp trình Quốc hội xem xét lần đầu tại kỳ họp thứ 4 vào cuối năm 2022; theo định hướng của Nghị quyết số 18-NQ/TW đặt ra mục tiêu cụ thể "Đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất…".
Tuy nhiên, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có đến 237 Điều, nhưng thời gian góp ý chỉ gói gọn trong 6 ngày là quá ngắn.
Vì vậy, HoREA kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thêm thời gian để góp ý và tổ chức nhiều cuộc họp để lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp và đối tượng bị tác động để Luật Đất đai (sửa đổi) khi ban hành.
Có như vậy mới phát huy cao nhất nguồn lực đất đai góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trong đó có xây dựng thị trường bất động sản minh bạch, an toàn, lành mạnh, ổn định và bền vững và tạo tâm thế phấn chấn trong xã hội.
Theo ông Lê Hoàng Châu, hiện HoREA mới góp ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) từ Điều 1 đến khoản 2 Điều 11. Hiệp hội sẽ nỗ lực góp ý phần còn lại trong mấy ngày tới đây.
Một số quy định chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất
Theonhận định của HoREA, hiện một số quy định về "quản lý và sử dụng đất đai" tại Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi và các luật khác chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.
Lấy dẫn chứng Luật Đất đai và các luật liên quan hiện chưa thống nhất về nội dung, HoREA chỉ ra những "lấn cấn" về công nhận chủ đầu tư dự án. Theo đó, doanh nghiệp phải có 100% đất ở thì mới được công nhận chủ đầu tư.
Tuy nhiên, Luật Đất đai 2013 cho phép "tổ chức kinh tế được nhận chuyển quyền sử dụng đất thông qua nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án" bao gồm các loại đất, trong đó có "đất ở", hoặc "đất ở và các loại đất khác" hoặc "đất khác không phải là đất ở".
Một điểm không đồng nhất khác là điểm b khoản 1 Điều 110 Luật Đất đai 2013 quy định miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong trường hợp "sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở".
Tuy nhiên, quy định trên chưa thống nhất với Khoản 5 Điều 62 Luật Nhà ở 2014 quy định "Bên mua, bên thuê mua nhà ở xã hội được bán lại nhà ở này theo cơ chế thị trường cho các đối tượng có nhu cầu sau thời hạn 05 năm (…) nhưng phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ…".
Bên cạnh đó, quy định về sử dụng quỹ đất để tạo vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cũng chưa được thống nhất.
Bởi Khoản 2 Điều 117 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 quy định "Giá trị quyền sử dụng đất được sử dụng để thanh toán dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao được xác định theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán theo quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất".
Và khoản 3 Điều 118 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 quy định "Việc khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng được áp dụng theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê theo quy định của pháp luật về đất đai".
Trong khi đó, điểm c khoản 1 Điều 118 Luật Đất đai 2013 quy định phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp "Sử dụng quỹ đất để tạo vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng", hoặc điểm b khoản 1 Điều 119 Luật Đất đai 2013 quy định điều kiện thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp "Đất đã được giải phóng mặt bằng, đất có tài sản gắn liền với đất mà tài sản thuộc sở hữu nhà nước".
Theo HoREA, để "đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất" giữa "Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan" thì rất cần thiết phải bổ sung "điều hoặc khoản" có tính nguyên tắc vào Luật Đất đai, như các Luật khác khi quy định về quản lý và sử dụng đất thì không cần quy định chi tiết, mà yêu cầu phải dẫn chiếu "theo quy định của pháp luật về đất đai".
Ngoài ra, HoREA cũng đề nghị bổ sung quy định có tính nguyên tắc vào Luật Đất đai, trong đó các quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan đến quản lý, sử dụng đất phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy định của pháp luật về đất đai.
Đồng thời, đi đôi với việc hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013, Hiệp hội kiến nghị sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Luật Quản lý đô thị 2009 (thay thế bằng Luật Quản lý và phát triển đô thị theo Đề án của Bộ Xây dựng).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.