"Đứt gãy" chuỗi cung ứng xăng dầu, giá cước vận tải có tăng cao?

Thế Anh Thứ năm, ngày 10/11/2022 16:54 PM (GMT+7)
Trước tình trạng "đứt gãy" chuỗi cung ứng xăng dầu, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp, đảm bảo nguồn cung xăng dầu, nhưng vẫn khiến cho ngành vận tải gặp khó khăn, ngay cả những doanh nghiệp vận tải lớn cũng chật vật ứng phó với tình trạng xăng dầu bán "nhỏ giọt".
Bình luận 0

Chia sẻ về những khó khăn mà doanh nghiệp vận tải đang phải "gồng mình" vượt qua do "đứt gãy" chuỗi cung ứng xăng dầu, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng: "Đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu trong thời gian vừa qua là thách thức rất lớn với ngành vận tải nói chung và taxi của chúng tôi trong giai đoạn này và giai đoạn sắp tới".

Nói về những khó khăn mà doanh nghiệp vận tải đang phải "gồng mình" thoát qua, ông Hùng khẳng định: "Chưa bao giờ ngành vận tải lại khó khăn như vậy, trong những năm dịch Covid-19 bùng phát chúng ta đã đủ hiểu được khó khăn. Đặc biệt là vận tải hành khách tuyến cố định, tiếp đó là vận tải taxi,... đều phải dừng hoạt động hết".

"Đứt gãy" chuỗi cung ứng xăng dầu, giá cước vận tải có tăng cao? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội. Ảnh: Thế Anh

"Đến nay, khi dịch được kiểm soát thì lạm phát tăng cao, đặc biệt, việc khan hiếm xăng dầu đẩy ngành vận tải tới bờ vực khó khăn hơn", ông Hùng nêu.

Nêu ra khó khăn cụ thể, ông Hùng cho biết: "Thay vì trước đây các doanh nghiệp vận tải, taxi có ký hợp đồng cung cấp nhiên liệu là xăng dầu để doanh nghiệp vận tải hoạt động ổn đinh. Tuy nhiên, bây giờ nhà cung cấp không có xăng dầu để bán vì vậy lái xe phải chạy tới nhiều nơi để tìm cây xăng để mua xăng dầu".

"Tài xế cứ đi thêm km nào thì tốn thêm xăng dầu cho km đó. Cùng với đó, việc này còn ảnh hưởng tới quá trình đón khách sẽ chậm đi", ông Hùng.

"Đứt gãy" chuỗi cung ứng xăng dầu, giá cước vận tải có tăng cao? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Công Hùng động viên người lao động khi khan hiếm xăng dầu. Ảnh: Ngọc Ánh

Về giải pháp tháo gỡ khó khăn, ông Hùng khẳng định: "Đứt gãy chuỗi cũng ứng xăng dầu là tình trạng chúng, ngành vận tải chỉ mong các cơ quan chức năng sớm xây dựng các cơ chế điều hành giá kịp thời để các doanh nghiệp xăng dầu điều chỉnh giá cho phù hợp ở mọi thời điểm".

"Bên cạnh đó, cũng cần phải điều chỉnh phương án kê khai giá, trong đó có giá vận tải. Tất cả các doanh nghiệp vận tải đều phải đăng ký kê khai niêm yết, nên cần phải giao quyền tự quyết điều chỉnh cho doanh nghiệp quyết định", ông Hùng kiến nghị.

Theo ông Hùng, ngành vận tải hoạt động theo cơ chế thị trường, các doanh nghiệp phải hài hoà phù hợp với xu thế chung, nếu niêm yết giá cao sẽ không có khách mà để giá thấp thì doanh nghiệp không có lãi. Do đó, doanh nghiệp mong muốn Bộ Công Thương và các đơn vị có phương án cho phù hợp".

"Đứt gãy" chuỗi cung ứng xăng dầu, giá cước vận tải có tăng cao? - Ảnh 3.

Trạm xăng dầu trên đường 70 đoạn đi qua bệnh viện 103 đóng cửa. Ảnh: Thế Anh

Nhiều khả năng có doanh nghiệp vận tải "đóng cửa"

Tương tự, trao đổi với PV,  ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát sở hữu hãng xe Sao Việt bày tỏ sự bức xúc: "Không biết khan hiếm xăng dầu do thế giới khan hiếm, Việt Nam không nhập được hàng hay do cách điều hành xăng dầu không chuẩn dẫn đến các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu không nhập khẩu về gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung hiện nay".

"Tôi nhận thấy, việc khan hiếm xăng dầu là do cách tính giá xăng dầu, nhập khẩu, và các loại thuế đè lên xăng dầu khiến doanh nghiệp đầu mối chỉ nhập nhỏ giọt nên mới khiến cho "đứt gãy" nguồn cung xăng dầu", ông Bằng cho hay.

"Đứt gãy" chuỗi cung ứng xăng dầu, giá cước vận tải có tăng cao? - Ảnh 4.

Doanh nghiệp vận tải tại bến xe Nước Ngầm. Ảnh: Thế Anh

Theo ông Bằng, khan hiếm xăng dầu không chỉ có ngành vận tải bị ảnh hưởng mà cả nền kinh tế của đất nước đều chịu ảnh hưởng, sẽ dẫn tới giá vận tải, giá hàng hoá sẽ tăng và sẽ gây ra lạm phát. Nguyên nhân là do các tính thuế nhập khẩu khiến nhiều đầu mối xăng dầu không nhập khẩu thêm vì không có lợi nhuận, đại lý cũng không được chiết khấu nên để tránh lỗ nhiều chỉ bán cho khách quen.

Thậm chí, doanh nghiệp chúng tôi là khách hàng tiềm năng hàng chục năm nay nhưng gần 1 tuần qua, các cửa hàng xăng dầu quen thuộc cũng không cung ứng đủ nhiên liệu mà phải chạy sang nhiều cửa hàng khác", ông Bằng nêu.

Ông Bằng cho biết, Bộ Công Thương có nêu là nguồn cung xăng dầu trong nước đáp ứng đủ 75%  thị phần, nhưng thực tế không phải vậy. Nếu nguồn cung xăng dầu đủ thì đã không xảy ra tình trạng đóng cửa các trạm xăng dầu.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, chia sẻ cùng nhau, một số cửa hàng xăng dầu còn đề xuất với các chủ doanh nghiệp vận tải hỗ trợ thêm cho cửa hàng 500 đồng/lít dầu vì giá nhập xăng dầu cao khiến doanh nghiệp đầu mối không có lãi.

Nhưng khó khăn hơn cả đó là việc các cửa hàng xăng dầu hiện không còn cho doanh nghiệp quyết toán chi phí nhiên liệu một cục vào cuối tháng như trước mà giờ đổ dầu phải trả tiền luôn, hoặc chậm nhất 2 ngày sau phải thanh toán cho các cửa hàng. Trong khi đó, ngân hàng đang siết chặt tín dụng, dù hạn mức còn cũng không thể vay thêm đã khiến nguồn tài chính của doanh nghiệp ngày càng khó khăn.

"Doanh nghiệp vận tải đang phải co kéo, lựa chọn khách hàng phục vụ để đảm bảo đáp ứng công việc trong điều kiện khan hiếm nguồn nhiên liệu cho phương tiện hoạt động. Nếu tình trạng khan xăng dầu kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp vận tải, nhiều khả năng dẫn đến đóng cửa", ông Bằng nêu.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV diễn ra, rất nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề nhập khẩu xăng dầu khiến thị trường khan hiếm. Trong đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho biết, các cơ quan quản lý cần sớm khắc phục sự "đứt gãy" chuỗi cung ứng trên thị trường xăng dầu và rút ra bài học kinh nghiệm quản lý, điều hành để không tái diễn.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) cho biết, tình hình thiếu hụt xăng dầu xảy ở nước ta đã cho thấy sự lúng túng trong điều hành, xử lý tình huống này của các Bộ, ngành liên quan trong trách nhiệm quản lý nhà nước.

"Những vấn đề trên đã khiến người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn trong cuộc sống, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Hiện nay, hiện tượng này vẫn còn xảy ra cục bộ ở một số địa phương, chưa được giải quyết dứt điểm, đề nghị sớm khắc phục tình trạng này để ổn định tình hình", đại biểu Kim Bé nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem