Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau, đề nghị ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện các tháng cao điểm trong tháng 5 và tháng 6.
EVN cho biết thực tế công tác cung cấp nhiên liệu (than, dầu, khí) cho sản xuất điện không đáp ứng được yêu cầu vận hành. Trong đó, nguồn khí Đông Nam Bộ đang giảm mạnh trong những năm gần đây, lượng khí cấp cho sản xuất điện chỉ còn khoảng 13,5-14 triệu m3/ngày, trong khi nhu cầu khí để vận hành tối đa của các nhà máy tuabin khí trong khu vực là trên 21 triệu m3/ngày.
Hiện, lượng khí ở Tây Nam Bộ cấp cho sản xuất điện cũng chỉ đạt trung bình khoảng 4 triệu m3/ngày, trong khi nhu cầu khí để vận hành tối đa của các nhà máy tuabin khí Cà Mau khoảng 6 triệu m3/ngày.
Trước tình hình cấp bách đó, để đảm bảo cung cấp đủ điện, EVN đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau hỗ trợ, ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện trong 2 tháng cao điểm mùa khô (tháng 5, tháng 6).
Đặc biệt, EVN đề nghị: "Trước mắt xem xét cho ngừng toàn bộ nhà máy đạm Cà Mau và đạm Phú Mỹ để nhường khí cho sản xuất điện từ nay cho đến hết tháng 5", văn bản EVN cho hay.
Trước đó, đầu tháng 5/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương về tình trạng khẩn cấp liên quan đến cung ứng trong năm 2023, theo EVN từ tháng 4, dù miền Bắc và miền Trung mới bắt đầu có dấu hiệu nắng nóng nhưng thực tế sản lượng điện cung ứng đã tăng cao. EVN nêu ví dụ, từ ngày mồng 1 đến 15/4 sản lượng trung bình đạt 792 triệu kWh/ngày (bằng 100,52% kế hoạch); từ ngày 16 đến 21/4 sản lượng trung bình ngày đạt 823 triệu kWh/ngày (bằng 104,49% kế hoạch).
Để đảm bảo cung ứng đủ điện, EVN đã phải huy động các tổ máy chạy dầu từ ngày 17/4. Trong đó ngày nhiều nhất đã huy động 2.498MW chạy dầu vào ngày 21/4.
Cảnh báo của EVN cho biết, trong tháng 5, 6, 7 trở đi, miền Bắc bước vào cao điểm nắng nóng, phụ tải hệ thống điện quốc gia có thể tăng cao hơn so với kế hoạch.
Trong tình huống cực đoan ở miền Bắc (nhu cầu tiêu thụ tăng cao, sự cố ở các tổ máy, mực nước lớn ở các hồ thủy điện lớn giảm sâu... ), hệ thống điện sẽ gặp tình trạng không đáp ứng được sản lượng điện tăng cao, công suất phát điện có thể thiếu hụt với số ước tính từ 1.600 MW đến 4.900MW.
EVN cho biết hiện do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình trạng nắng nóng, hạn hán, thiếu nước đã làm cho các hồ thủy điện ảnh hưởng nghiêm trọng. Về mực nước các hồ thủy điện, đến ngày 11/5/2023 đã có 11/47 hồ thủy điện lớn có mực nước đã về mực nước chết hoặc gần mức nước chết bao gồm: Lai Châu, Trung Sơn, Đồng Nai 2, Buôn Tua Srah, Hương Sơn, Trị An, Ialy, Sông Ba Hạ, Xekaman 1, Đakr Tih, Sê San 4; có 21/47 hồ thủy điện lớn có dung tích còn lại dưới 20% như Sơn La (2 ngày đầy tải), Tuyên Quang (2 ngày), Thác Bà (2 ngày),… và 16 hồ có mực nước thấp hơn mực nước tối thiểu của quy trình vận hành liên hồ chứa.
Đặc biệt là các hồ thủy điện khu vực miền Bắc, tất cả 12/12 hồ thủy điện lớn có lưu lượng nước về hồ rất kém, tần suất nước về nhiều hồ kém nhất trong 100 năm qua (tính đến ngày 11/5/2023). Riêng tháng 4 và đầu tháng 5 nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm (TBNN), một số hồ chỉ đạt 20% so với TBNN, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện.
Theo EVN, sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống là 4,5 tỷ kWh, thấp hơn 1,6 tỷ kWh so với kế hoạch, thấp hơn 4,1 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2022.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hiện tượng El Nino sẽ xảy ra vào các tháng cuối năm 2023 làm cho nền nhiệt độ tăng cao và lượng mưa giảm thấp so với trung bình nhiều năm. Điều này làm cho lưu lượng nước về hồ các tháng cuối năm tiếp tục có xu hướng giảm thấp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.